Category: Tin thị trường

  • Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy

    Trong năm 2024, Thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 71 dự án đầu tư nước ngoài mới với tổng vốn đăng ký hơn 233 triệu USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt hơn 73.000 tỷ đồng.

    Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2024, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2024, Thành phố đã tổ chức  thành  công  nhiều  sự kiện  quy  mô  lớn, lĩnh vực  du  lịch  tiếp  tục  phát  huy được thế mạnh; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng phục hồi khả quan.

    “Thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy”, ông Vũ cho hay.

    Cụ thể, tính đến ngày 25/12/2024, TP. Đà Nẵng thu hút được 243,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm, tăng 33,2 % so với năm 2023. Trong đó, số dự án cấp mới là 71 dự án (giảm so với năm 2023 là 107 dự án) với vốn đăng ký là 233,6 triệu USD  (cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 182,7 triệu USD); điều chỉnh tăng/giảm vốn 26 lượt  dự án  với  tổng  vốn tăng thêm 7,9 triệu USD…

    Một số dự án lớn của các doanh nghiệp như Công  ty TNHH Murata  Manufacturing Việt  Nam, Công  ty TNHH ODK Mikazuki Việt  Nam, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH ICT Vina… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

    Về thu hút đầu tư trong nước, TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 73.348 tỷ đồng; tuy giảm 6 dự án nhưng tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng 56,5% so với năm 2023.

    Một số chỉ tiêu kinh tế đạt được của TP. Đà Nẵng trong năm 2024 như GDRP của Thành phố ước tăng 7,51%; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023 (quy mô tổng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với 12.993 tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.911 triệu USD (tăng 2,9% so với năm 2023)…

    Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú và cơ sở lữ hành phục vụ ước đạt 12,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 4,6 triệu lượt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 136.954 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023; trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động du lịch tăng cao nhất với 29,8%.

    Một  số dự án đầu tư công có  tiến độ thực  hiện  cao trong thời gian vừa qua như Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Đường  ven  biển  nối  Cảng  Liên  Chiểu; Đầu tư xây dựng Nâng  cấp  Bệnh  viện  Phụ sản – Nhi Đà Nẵng;  Công  trình  cầu  Quảng Đà và đường dẫn đầu  cầu; Chung cư xã  hội cho người  có  công  với  cách  mạng  tại đường Vũ Mộng Nguyên…

    Cùng với đó, các  dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố cũng đạt giá trị thực hiện cao trong năm 2024, điển hình như Dự án TTC Plaza Đà Nẵng; Căn hộ The Filmore; Khu dịch vụ du lịch Ven Sông Hàn; Nhà ở xã hội  The  Ori  Garden;  Khu  lễ hội  Bà  Nà  Hill;  Dự án Khu căn hộ phía Đông đường Trần Hưng Đạo; Dự án Tổ hợp ven sông Hàn Peninsula Đà Nẵng; Dự án Tổ hợp The Estuary Tuyên Sơn…

    Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

    Theo đó, số doanh nghiệp xin tạm dừng và rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên (lần lượt tăng 3,9% và 2,2% so với cùng kỳ) trong khi đó số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với năm 2023 khi có 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng thành lập mới (giảm 8%) với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.029 tỷ đồng (giảm 27,3%).

    Cục Thống kê TP. Đà Nẵng đề cập, theo kết quả khảo sát đánh giá các  yếu  tố ảnh hưởng đến  khả năng phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do thị trường đầu ra sản phẩm hạn chế; một số doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động  theo yêu cầu; thiếu  nguyên, nhiên, vật  liệu đầu vào…Đặc  biệt, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong khi giá tiền thuê đất sản xuất còn khá cao so với nhiều địa phương khác trong vùng và trên cả nước.

    Thị trường bất động sản chỉ mới bắt đầu có tín hiệu tích cực trong quý IV nên chưa thể cải thiện được sự sụt giảm sâu của những tháng đầu năm. Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn về nguồn  vốn, không bán được hàng; thủ tục  pháp lý của một số dự án triển khai chậm, nguồn cung của một số phân khúc bất động sản khan hiếm…là nguyên nhân kiềm hãm sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong năm 2024.

    Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Văn Vũ cho biết, rút kinh nghiệm việc khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng thấp trong quý I/2024 đã ảnh hưởng việc tăng trưởng cả năm, Cục Thống kê đã tham mưu, kiến nghị Thành phố đẩy nhanh ngay trong đầu năm 2025.

    “TP. Đà Nẵng đã làm việc với Tập đoàn FPT để tiến hành khởi công 4 dự án ngay trong quý I này, 1 dự án trong quý IV; riêng dự án của Tập đoàn FPT là 5.050 tỷ đồng, trong đó 1 dự án trong quý IV là 1.000 tỷ, còn lại trong quý I/2025 phải triển khai thực hiện 4.040 tỷ. Thông thường sau dịp Tết Nguyên đán mới gặp doanh nghiệp nhưng chủ trương của Thành phố hiện nay là phải thực hiện ngay từ đầu năm. Trong quý I/2025, Cục Thống kê sẽ nắm bắt bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động ngay từ đầu năm, bao nhiêu công trình triển khai để xúc tiến ngay”, ông Vũ nói.

  • Điểm sáng Việt Nam: Con số và dự báo của các tổ chức quốc tế

    Năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, xuất khẩu, và đầu tư nước ngoài. Các chính sách cải cách kinh tế và môi trường kinh doanh thuận lợi đang tạo nền tảng vững chắc, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á.

  • Đà Nẵng sẽ thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm tài chính

    Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ tập trung phục vụ 3 nhóm chủ thể chính; trong đó có các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các khu chức năng của Khu thương mại tự do.

    Thành phố Đà Nẵng cho biết, tại Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam” được tổ chức trong ngày 16/1, Thành phố sẽ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với một số tổ chức tài chính, quỹ đầu tư để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng.

    Các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tài chính này rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại và giải trí thế giới…

    Theo đó, Đà Nẵng sẽ ký kết ghi nhớ hợp tác để nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội; xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực… phục vụ xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng.

    Theo UBND TP.Đà Nẵng, mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 3 nhóm dịch vụ.

    Cụ thể là các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh.

    Các dịch vụ Fintech và TechFin, cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Blockchain…

    Ngoài ra, xác dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, vui chơi giải trí cao cấp, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan…

    hành phố Đà Nẵng sẽ thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm tài chính.

    Các đối tượng, chủ thể thu hút vào Trung tâm tài chính Đà Nẵng là nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính; các ngân hàng, định chế tài chính trong nước và quốc tế, các văn phòng dịch vụ toàn cầu.

    Ngoài ra, còn có công ty tài chính, nền tảng dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế, công ty cho thuê và tài trợ tàu biển; các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm trong và ngoài nước, các công ty trung gian bảo hiểm; các ngân hàng đầu tư. Các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, các công ty làm dịch vụ sổ sách, kế toán, thuế; nhà đầu tư bất động sản, kinh doanh dịch vụ tiện ích…

    Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ tập trung vào 3 nhóm đối tượng, chủ thể phục vụ.

    Thứ nhất là các tổ chức kinh tế, người không cư trú, trọng điểm là gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng; các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các khu chức năng của Khu thương mại tự do.

    Ngoài ra, có các tổ chức, tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực chế xuất, xuất nhập khẩu, logistics, công nghệ toàn cầu có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng và đối tác của các tổ chức, tập đoàn quốc tế này…

    Thứ hai là các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao, Khu trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược; các công ty công nghệ, tập đoàn lớn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp vi mạch bán dẫn, các quỹ đầu tư mạo hiểm;

    Và cuối cùng là các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và trong nước khác.

    Theo Báo Đầu Tư

    Mời xem thêm: Tại sao biệt thự tại Đà Nẵng lại có hiệu suất cho thuê hàng đầu Việt Nam?

  • Phân khúc bất động sản nào”hái ra tiền” trong thời gian tới?

    Chiều ngày 08/01/2025, Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất Động Sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI) đã tổ chức thành công sự kiện “CÔNG BỐ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG BĐS VIỆT NAM 2024 VÀ DỰ BÁO NĂM 2025: “CHUYỂN MÌNH”. Sự kiện thu hút đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự.

    Tại buổi báo cáo, các diễn giả đã chia sẻ rất nhiều thông tin thị trường và phân tích về “bức tranh đa sắc”, bước “chuyển mình” của thị trường BĐS trong năm 2024, cùng những dự báo về triển vọng thị trường BĐS năm 2025 “trước ánh bình minh”, chuẩn bị bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

    Tại sự kiện này, CEO Đất Xanh Miền Trung – Ông Trần Xuân Thông đã đem đến những thông tin hữu ích về loại hình BĐS được đón nhận nhiều nhất khu vực miền Trung. Cụ thể, ông cho hay: “Năm 2024, về số lượng giao dịch BĐS tăng nhiều hơn 2023, tuy nhiên về loại hình giao dịch đã có có sự thay đổi rõ rệt: nếu trước đây là các dòng sản phẩm đất nền, nhà phố (2015 – 2020), thì bây giờ xu hướng chuyển đổi sang đầu tư dòng căn hộ được ưu tiên hơn và đang dẫn đầu do dòng tiền chi trả phù hợp hơn, đem lại lợi ích khai thác dòng tiền hơn”.

    Về loại hình BĐS được đón nhận

    Năm 2024, về số lượng giao dịch BĐS tăng nhiều hơn 2023, tuy nhiên về loại hình giao dịch đã có có sự thay đổi rõ rệt: nếu trước đây là các dòng sản phẩm đất nền, nhà phố (2015 – 2020), thì bây giờ xu hướng chuyển đổi sang đầu tư dòng căn hộ được ưu tiên hơn và đang dẫn đầu.

    Nguyên nhân khiến loại hình đất nền giảm giao dịch là bởi những năm gần đây loại hình này có tính thanh khoản và khả năng tăng giá đã giảm hẳn, trong khi muốn đầu tư đòi hỏi khách phải có nguồn vốn lớn.

    Xu hướng lựa chọn có sự thay đổi sang dòng căn hộ do dòng tiền chi trả phù hợp hơn. Trước các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, bên cạnh nhu cầu mua nhà để ở khách hàng còn quan tâm đến lợi ích khác của BĐS là khai thác dòng tiền. Lợi ích khai thác dòng tiền của khách hàng khi mua căn hộ:

    Thứ nhất, khi mua BĐS giảm chi phí đầu vào, giãn cách thanh toán, thanh toán tiền linh hoạt theo từng giai đoạn.

    Thứ hai, nếu không ở có thể chuyển đổi đưa vào cho thuê ngắn hạn, vẫn có thêm nguồn thu nhập giữ giá trị tài sản.

    Bình quân giá trị sản phẩm căn hộ khách hàng thu về ở mức khá cao, khoảng từ 5-8%, đây cũng là điểm sáng trong xu hướng đầu tư khi đảm bảo tính an toàn mà vẫn gia tăng giá trị nguồn vốn.

    Nguồn khách đầu tư căn hộ tại Đà Nẵng

    Không chỉ có người dân địa phương mua để ở, một lượng lớn khách hàng là người Hà Nội và các khu vực miền Bắc mua căn hộ để làm nơi nghỉ dưỡng; bên cạnh đó còn có lượng lớn khách Việt Kiều và người nước ngoài.

    Xu hướng di cư của người dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung khác đổ về Đà Nẵng sinh sống, lập nghiệp, vì đây là thành phố đáng sống nhất khi nguồn khí hậu tương đối ôn hòa và dễ chịu hơn các khu vực khác, người dân bản địa thân thiện, chi phí sinh hoạt và mức sống khá phù hợp với kinh tế đại đa số người dân.

    Trong xu hướng chuyển đối kinh tế về phát triển công nghệ thương mại – tài chính – dịch vụ, Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài với nguồn vốn lớn, đầu tư lĩnh vào vực công nghệ cao…từ đó, cũng thu hút lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lượng lớn dân số trẻ năng động, lao động có chuyên môn như nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia, người thành đạt đến làm việc và định cư….

     Chuyển đổi tâm lý từ nhà thấp tầng sang cao tầng khi yếu tố chất lượng sản phẩm cao và chuẩn mực sống đã chuyển thành nhu cầu: khi có nhu cầu ở thực, nhiều tiện ích để cao chất lượng sống như vị trí đắc địa (phong thủy, cận giang – cận thị – cận biển, view đẹp..), chuẩn mực sống với những tiện ích cao cấp nâng cao chất lượng sống, an ninh – an toàn…

  • Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được thành lập trước tháng 3.2025

    Ngày 31.12, Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136 về phát triển Đà Nẵng.

    Thông báo nêu rõ, ngày 21.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 – về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực phát triển Đà Nẵng. Nghị quyết này mở ra cơ chế đặc thù, tạo đà cho thành phố bứt phá.

    Thủ tướng đánh giá cao truyền thống đổi mới, sáng tạo của Đà Nẵng, đồng thời chỉ rõ tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố chưa được khai thác tối đa. Nghị quyết 136 ra đời nhằm tháo gỡ những rào cản, tạo động lực phát triển đột phá cho Đà Nẵng. Các bộ, ban ngành và chính quyền thành phố đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các nhiệm vụ được giao.

    Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến xây dựng quốc gia thương mại tự do, Đà Nẵng được xác định là địa phương “đi trước mở đường”. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và yêu cầu Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

    Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cần phải bám sát chủ trương. Tuân thủ đường lối của Đảng, Nhà nước. Có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán trong hành động. Phát huy nội lực đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường. Lấy thực tiễn làm thước đo, rút kinh nghiệm. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải phân cấp, phân quyền. Cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường kiểm soát.

    Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Đà Nẵng tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, hoàn thiện quy chế hoạt động. Các Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, hỗ trợ Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn.

    Thành phố Đà Nẵng cần chủ động, quyết liệt, ban hành văn bản pháp lý, đề xuất cơ chế mới, hình thành ba động lực phát triển mới: Trung tâm đổi mới sáng tạo. Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực.

    Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, lấn biển mở rộng không gian. Cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

    Đà Nẵng kiến nghị thành lập Khu thương mại tự do. Thủ tướng chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thẩm định hồ sơ để trình quyết định thành lập trước ngày 28.2.2025. Đồng thời, các chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để đảm bảo tính cạnh tranh.

    Về dự án cảng Liên Chiểu, Thủ tướng thống nhất kêu gọi đầu tư tổng thể, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo cảng đạt tiêu chuẩn xanh, trung chuyển quốc tế. Các vấn đề tồn đọng liên quan đến nhà đầu tư cũ sẽ được giải quyết dứt điểm trước ngày 15.1.2025.

    Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch thành phố theo đúng quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

    Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo đánh dấu sự quyết tâm cao độ của Chính phủ và các bên liên quan trong việc đưa Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu của cả nước. Với Nghị quyết 136, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra những bước đột phá, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

    Mời xem thêm: Cơ hội đầu tư bất động sản dòng tiền tại Đà Nẵng

  • Quảng Bình đồng hành cùng nhà đầu tư, xây dựng “điểm đến hấp dẫn”

    Việc tuân thủ các cam kết đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư đã giúp chính quyền tỉnh Quảng Bình “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

    Sát cánh cùng nhà đầu tư

    Giữa tháng 11/2025, thông tin Dự án Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) được chấp thuận chủ trương đầu tư đã ngay lập tức làm nức lòng nhiều người, bởi đây là dự án rất lớn, với diện tích 450 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

    Ông Phan Phong Phú, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, kể từ khi Tập đoàn Capella đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án vào tháng 6/2021 cho đến khi Dự án chính thức được chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh luôn đồng hành, bám sát, hỗ trợ nhà đầu tư hết sức để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong những thủ tục liên quan.

    “Đây là một dự án phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh. Đó là thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, làm nền tảng để tỉnh có thể tăng thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo…, từ đó giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Nhà đầu tư Capella rất quyết tâm thực hiện dự án này. Họ cũng là doanh nghiệp rất có tiềm lực khi từng triển khai nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp trước đó tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam… Do vậy, tỉnh hết sức kỳ vọng vào Dự án”, ông Phan Phong Phú chia sẻ.

    Có thể nói, việc đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư đã giúp tỉnh Quảng Bình ngày càng ghi điểm hơn trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Kết hợp với các tiềm năng lợi thế vốn có, việc này đã đưa Quảng Bình thực sự trở thành “điểm đến hấp dẫn”.

    Tháng 6/2024, tại sự kiện khởi công Dự án căn hộ Regal Residence Luxury thuộc Khu đô thị Regal Legend (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới), ông Trần Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc Regal Group cho biết, trong quá trình triển khai dự án, Regal Group đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo tỉnh, cũng như các sở, ban, ngành trong tỉnh.

    Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

    Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, trong năm 2024, Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 47 dự án. Trong đó, có 24 dự án ngoài khu kinh tế – khu công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 1.874 tỷ đồng; 10 dự án trong khu kinh tế – khu công nghiệp với tổng mức đầu tư gần 2.738 tỷ đồng; 12 dự án có nhà ở, đất ở với tổng vốn đầu tư hơn 8.415 tỷ đồng và một dự án FDI với tổng mức đầu tư 187 tỷ đồng.

    Theo ông Đạt, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực chuyên ngành tài nguyên và môi trường; du lịch, tư pháp; tài chính… để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

    Tổ chức họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại liên quan công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, bất cập về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 91/2024/NĐ-CP.

    Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án trọng điểm, hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh, như tổng hợp báo cáo đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam của Dự án điện gió AMI Savanakhet do Công ty cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình làm chủ đầu tư. Thực hiện các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc giúp Dự án thành phần mở rộng sân đỗ máy bay, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới được khởi công đúng tiến độ đề ra.

    Ông Phan Phong Phú cho biết, để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư, trong năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản về đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch; mở rộng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án; phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án dở dang, chậm do nguyên nhân khách quan; kiên quyết xử lý đối với các dự án kéo dài, không triển khai, nợ thuế, gây lãng phí về cơ hội đầu tư, lãng phí nguồn lực phát triển của tỉnh.

    “Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư “đại bàng” đến Quảng Bình đối với các dự án đầu tư lớn phù hợp với quy hoạch tỉnh như các dự án du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại và bền vững, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn thu bền vững”, ông Phan Phong Phú nhấn mạnh.

    Theo Báo đầu tư

  • Thị trường bất động sản 2025: “Một chu kì tăng trưởng mới sắp xuất hiện”

    Tại toạ đàm bất động sản năm 2025: “Đường đến thập kỷ tăng trưởng mới” do Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) tổ chức tại Tp.HCM, các chuyên gia trong ngành đã có những góc nhìn sâu sắc về thị trường BĐS trước tác động của các chính sách mới.

    Ông Nguyễn Học Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cho hay, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Tp.HCM đón nhận nhiều thông tin tích cực. Từ khi 3 luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở mới chính thức có hiệu lực… thị trường đang dần thấy những kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền Thành phố. Hàng tuần, các tổ công tác vẫn thường xuyên làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm phương án gỡ khó pháp lý cho các dự án.

    Báo cáo mới nhất từ lãnh đạo UBND Tp.HCM cho thấy, hiện đã có 34/64 dự án bất động sản đã được tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thị trường bất động sản Tp.HCM đang dần phục hồi, từ mức âm năm 2023 đã tăng trưởng dương những tháng đầu năm 2024.

    Theo số liệu thống kê, tổng thu ngân sách trên địa bàn Tp.HCM 9 tháng qua ước đạt 371.307 tỷ đồng, trong đó thu liên quan đến lĩnh vực đất đai khoảng 5.900 tỷ đồng, dự kiến vượt 2% kế hoạch.

    Theo đại diện HUBA, thị trường bất động sản đang được trợ lực khá tốt từ các Luật mới có hiệu lực

    Theo ông Hoà, với những diễn biến dần tích cực, năm 2024 được xem là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo từ 2025. Thị trường bất động sản năm 2025 được nhận định sẽ bước sang một thập kỷ 10 năm tiếp theo phát triển đầy hứa hẹn.

    Chia sẻ tại tọa đàm, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2024 thị trường bất động sản chứng kiến sự chuyển mình. Dù sự chuyển mình này chưa rõ nét nhưng cho thấy đà phục hồi tích cực trong vòng 3 năm qua.

    Nếu năm 2023, thị trường suy giảm cả về giá và nguồn cung thì bước sang năm 2024 thị trường chứng kiến sự tăng trưởng về giá và nhích nhẹ về nguồn cung ở cả hai thị trường là Hà Nội và Tp.HCM. Dự báo trong năm 2025, thị trường sẽ đón nhận khoảng 30.000 căn hộ. Dù cần một thời gian nữa thị trường mới trở về mức cao điểm như giai đoạn trước nhưng tín hiệu phục hồi đã tích cực thể hiện niềm tin về một chu kì tăng trưởng mới sắp xuất hiện.

    Thị trường bất động sản đang bước vào nhịp tăng trưởng. Nguồn: CBRE

    Theo bà Dung, 10 năm trước, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng. Đến năm 2013-2014, thị trường dần phục hồi và nguồn cung tăng trưởng trở lại. Từ 20.000 căn hộ được chào bán trong năm 2013 đã tăng lên 30.000 – 40.000 căn trong các năm tiếp theo và đỉnh điểm là tăng lên 80.000 căn vào năm 2018 ở cả Hà Nội và Tp.HCM. Trong giai đoạn đó, mỗi năm thị trường hai TP lớn đón trung bình 40.000 căn hộ mới ra thị trường và hấp thụ khá tốt.

    Các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, lãi suất cho vay mua nhà thấp, tác động tích cực của các Luật, Hiệp định… đã hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng của thị trường. Đặc biệt, Luật đất đai năm 2014 ra đời thay thế Luật 2003 là cú hích lớn cho thị trường trong giai đoạn này.

    Bà Dung cho hay, diễn tiến của thị trường giai đoạn 2011-2012 khá tương đồng với thời điểm BĐS khủng hoảng trong 2 năm qua. Vì thế, hiện tại chu kì này có dấu hiệu lặp lại. Giai đoạn 2022-2023 thị trường bất động sản gặp thách thức nguồn cung và nguồn cầu giống hệt năm 2012 – 2013. Ngoài tác động tiêu cực của Covid-19 thì thị trường bị cản trở bởi yếu tố chậm cấp phép, bất cập chồng chéo về các Luật. Theo đó, năm 2024 khi các Luật mới ra có hiệu lực, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự chuyển mình. Sự phục hồi nguồn cung và sức cầu đã thấy rõ kì vọng cho một chu kì mới xuất hiện.

    Dẫu vậy, theo chuyên gia CBRE, thị trường có một số điểm khác biệt giữa hai thời kì. 10 năm trước, khi thị trường bước vào giai đoạn khởi sắc thì phân khúc căn hộ chủ yếu được đầu tư phát triển ở Tp.HCM. Đến nay, thị trường dẫn dắt bởi nguồn cung tại Hà Nội. 80-90% nguồn cung thị trường trong năm 2024 đến từ thị trường Hà Nội. Điều này cho thấy, những thách thức liên quan đến cấp phép, nút thắt pháp lý vẫn tồn đọng tại thị trường Tp.HCM. Trong khi tại Hà Nội câu chuyện này được giải quyết tốt.

    Nhìn vào chặng đường phát triển của thị trường bất động sản trong vòng 10 năm tới, bà Dung khẳng định: “Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Thị trường sẽ có nhiều dự án được cấp phép, nguồn cung mở rộng hơn. Đồng thời, dòng vốn từ người mua đổ vào thị trường bất động sản phía Nam năm 2025 chủ yếu đến từ phía Bắc”.

    Lý giải cho việc giá bất động sản sẽ khó giảm, bà Dung khẳng định, hiện tại không có lý do hay yếu tố nào khiến bất động sản có thể giảm giá bán. Câu chuyện làm sao để có được bất động sản vừa túi tiền ra thị trường và thỏa mãn khả năng chi trả của số đông, vừa là câu hỏi khó, vừa là bài toán thách thức không nhỏ của thị trường.

    Khi nhìn vào nguồn cung hiện nay có đến 80% sản phẩm nằm ở phân khúc cao cấp, hạng sang thì bài toán nhà vừa túi tiền tại Tp.HCM càng trở nên khó khăn. Có chăng, bài toán này chỉ được giải quyết khi tăng cường giãn dân về các khu lân cận. Để giãn dân thì bài toán đầu tư hạ tầng kết nối phải đi trước một bước. Theo bà Dung, nếu chưa giãn dân thì mức giá bất động sản còn tiếp tục tăng.

    “Thực tế thị trường đã minh chứng, tại Tp.HCM có khu vực giá căn hộ lên đến 100-200 triệu đồng/m2 nhưng có một số nơi như Bình Chánh, Bình Tân giá chỉ 40-50 triệu đồng/m2. Nếu di dân ra xa thì mức giá bất động sản sẽ hạ nhiệt, đáp ứng được nhu cầu chi trả của số đông”, chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.

    Mời xem thêm: VREF 2025: Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

  • The Palace khu biệt thự sân golf theo tiêu chuẩn 6 sao sắp được lộ diện tại Đà Nẵng

    Với số lượng đếm trên đầu ngón tay, những căn biệt thự Victoria Pool Villa nằm trong khu biệt thự khép kín Regal Victoria của chủ đầu tư Regal Group đang trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường bất động sản khi rục rịch thông tin ra mắt.

    Tọa lạc phía nam thành phố Đà Nẵng, Victoria Pool Villas mang đến bộ sưu tập những căn biệt thự sân golf 5 sao dành riêng cho cộng đồng phú gia. Từ đây, một định nghĩa mới về chuẩn sống tiên phong trải nghiệm đẳng cấp sẽ được hình thành.

    Vị trí kim cương, trái tim di sản

    Một trong những điểm đắt giá của khu biệt thự này là sở hữu vị trí kim cương, nơi giao hòa giữa thiên nhiên, văn hóa của vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng. Chỉ 20 phút, cư dân đã có thể di chuyển đến phố cổ Hội An, thưởng lãm vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng hay chỉ 20 phút là có thể đến với bãi biển Mỹ Khê – Top 10 bãi biển xinh đẹp hàng đầu thế giới.

    Một không gian sống đề cao sự riêng tư, hòa mình với thiên nhiên nhưng lại dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An.

    Giống như những biệt thự trong Regal Victoria, Victoria Pool Villas cũng tọa lạc trên quỹ đất hình rẻ quạt độc đáo, ôm trọn dòng kênh sinh thái nội khu cùng tầm nhìn hướng ra dòng sông Cổ Cò huyền thoại. Đây là vị trí vàng nơi thiên nhiên hội tụ và được ví như hệ thống điều hòa khí hậu tự nhiên, mang đến không gian sống trong lành thuần khiết và mát mẻ quanh năm.

    Victoria Pool Villas được còn được mệnh danh là “những biệt thự  sân golf 5 sao” khi tọa lạc bên cạnh là hai sân golf đẳng cấp quốc tế là Legend Đà Nẵng, golf Resort và sân golf Montgomerie. Khi sở hữu bất động sản gần sân golf không chỉ là niềm hãnh diện của cộng đồng phú gia mà còn nâng tầm giá trị bất động sản trong tương lai.

    Trải nghiệm thượng lưu với bể bơi ngân hà

    Để mang đến những trải nghiệm sống hoàn hảo nhất, 100% các căn biệt thự Victoria Pool Villas đều sở hữu bể bơi ngân hà rộng rãi, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Với thiết kế tinh tế, vừa đảm bảo sự riêng tư tối đa, vừa hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên, bể bơi ngân hà sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật trong kiến trúc của từng căn biệt thự.

    Bể bơi ngân hà được xem là một không gian thư giãn đẳng cấp dành riêng cho gia chủ Victoria Pool Villas.

    Được thi công với công nghệ LED hiện đại nhất hiện nay, khi bơi vào ban đêm, cư dân sẽ được trải nghiệm như bơi giữa ngân hà với triệu vì sao lấp lánh. Ngoài ra, trải nghiệm ngắm hoàng hôn từ bể bơi và thưởng thức những ly vang đỏ hảo hạng sẽ mang đến những giây phút thư giãn đích thực.

    Cộng đồng cư dân tinh hoa, tiện ích nội khu đẳng cấp

    Khu biệt thự khép kín Regal Victoria được xem là nơi quy tụ của những cư dân tinh hoa và một cộng đồng phú gia, thịnh vượng ngay phía nam thành phố Đà Nẵng. Chỉ sau 6 tháng bàn giao, nơi đây đã có cư dân về sinh sống nhộn nhịp, một cộng đồng năng động và thịnh vượng được hình thành.

    Victoria Pool Villas sẽ là những biệt thự tiếp theo đón các cư dân ưu tú về sinh sống.

    Đặc biệt, các cư dân của Victoria Pool Villas còn có lợi thế khi tất cả các tiện ích từ khu biệt thự khép kín Regal Victoria đã đi vào hoạt động và đa dạng như công viên trung tâm, công viên ven sông, sân chơi trẻ em, sân tennis, cầu lông và nhiều tiện ích khác, mang đến cuộc sống tiện nghi và đủ đầy.

    Không chỉ vậy, cư dân Victoria Pool Villas cũng sẽ được trải nghiệm hệ thống tiện ích đẳng cấp trong từ siêu thị, mua sắm, khu thể dục thể thao, nhà hàng, khách sạn…. vừa giúp tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho cư dân. Thêm vào đó, khuôn viên của Regal Victoria được trang bị hệ thống trạm sạc xe ô tô, xe máy điện, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, xe đạp miễn phí, xe đưa đón toàn khu.

    Khai thác vận hành cho thuê hiệu quả

    Ngoài việc mang đến một không gian sống đỉnh cao, Victoria Pool Villas còn mở ra cho chủ nhân cơ hội vận hành cho thuê hiệu quả. Điều này cũng được minh chứng thông qua sự thành công của các căn biệt thự Regal Victoria trước đó. Với mức giá cho thuê dao động từ 100 triệu – 150 triệu đồng/tháng và luôn trong tình trạng “hết phòng”.

    Do vậy, sở hữu một căn biệt thự tại Victoria Pool Villas không chỉ là việc sở hữu một không gian sống xa hoa, mà còn là cơ hội đầu tư “vàng” với dòng tiền ổn định và bền vững. Thêm vào đó, tất cả các căn biệt thự đều nằm trên quỹ đất lâu dài, đã có sổ hồng đầy đủ và pháp lý minh bạch, mang lại sự an tâm tuyệt đối cho các chủ nhân.

    Mời xem thêm: Đà Nẵng sắp có dinh thự sân Golf được xây dựng theo tiêu chuẩn 6 sao theo phong cách dubai

  • Năm 2024 Quảng Bình đón 5,2 triệu lượt khách du lịch

    Theo thông tin từ Sở Du lịch, trong năm 2024, Quảng Bình đã đón khoảng 5,2 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

    Cụ thể, khách nội địa đạt khoảng 5.053.900 lượt, tăng 15,1% so với năm trước; khách quốc tế đạt khoảng 146.100 lượt, tăng 23,8%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.980 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2023.

    Du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tạp chí quốc tế uy tín như Booking.com (Hà Lan), Lonely Planet và Travel + Leisure (Mỹ), Time Out (Anh), South China Morning Post (Trung Quốc) đánh giá cao, góp phần nâng tầm hình ảnh điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới.

    Trong năm, Sở Du lịch đã hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khai thác 1 sản phẩm du lịch mới và tham mưu UBND tỉnh cho phép tiếp tục khai thác thử nghiệm 3 sản phẩm du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có gần 40 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm.

    Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung chuyên sâu, phù hợp với từng thị trường khách. Đặc biệt, Quảng Bình đã đẩy mạnh các chương trình quảng bá thông qua các sự kiện lớn, farmtrip, presstrip và các kênh truyền hình quốc tế, đồng thời phối hợp quảng bá cùng các nền tảng truyền thông hàng đầu như Google, Meta…

    Những kết quả ấn tượng trong năm 2024 đã khẳng định vị thế của Quảng Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để địa phương phát triển du lịch bền vững.

  • Tạo tiền đề để Quảng Bình vươn mình trong kỷ nguyên phát triển

    Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,0 – 7,5% và nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2025; tạo tiền đề để địa phương vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

    Thông qua 31 nghị quyết quan trọng cho năm “nước rút”

    Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, ngày 11.12, Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

    HĐND tỉnh Quảng Bình đã đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; xem xét, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo kết quả công tác của Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; nghe Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh báo cáo về tham gia xây dựng chính quyền.

    Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua các Nghị quyết.

    Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất cao thông qua 31 nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp. Nhiều nghị quyết đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

    Trong đó, kỳ họp biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,0 – 7,5%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 6.500 – 7.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 37.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 71 – 72 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động…

    Đặc biệt, Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là nội dung có ý nghĩa đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, là chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết.

    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu cho biết, địa phương sẽ tập trung triển khai xóa tất cả nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành trước tháng 10.2025.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Văn Bảo góp ý dự thảo Nghị quyết

    “Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động. Trước mắt, chuẩn bị chu đáo cho Nhân dân đón mừng năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết”, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý.

    Quyết tâm cao, hành động quyết liệt trong tinh gọn tổ chức, bộ máy

    Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu, năm 2025 là năm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là năm cả hệ thống chính trị tỉnh phải quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, vừa phải khẩn trương triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18.

    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu phát biểu kết luận kỳ họp.

    Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024; tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bất động sản, đầu tư công.

    Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như: đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua Quảng Bình, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới, Trung tâm Thể dục – Thể thao tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3… Sớm khởi công Dự án mở rộng hầm đường bộ đèo Ngang, cầu Gianh và cầu Quán Hàu. Cùng với đó, cơ cấu lại nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Đặc biệt, đổi mới sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh quyết tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất lớn, với tinh thần “Trung ương gương mẫu đi đầu”, “tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, đòi hỏi chính quyền địa phương cũng phải đặt quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất, tạo sự thay đổi căn cơ, bài bản về chất trong bộ máy chính quyền 3 cấp của tỉnh.

    Toàn cảnh Kỳ họp.

    Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu khẳng định, HĐND tỉnh và các cơ quan thuộc HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; đồng hành cùng với UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), chuẩn bị tốt nhất cho đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề để tỉnh vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.