Category: Tin thị trường

  • Phân khúc nhà ở sẽ phục hồi mạnh từ quý II/2024

    Ngày 28/9, Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, VIRES và Reatimes tổ chức đã đưa ra dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư.

    Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nhận định, từ quý 2/2024, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chính thức phục hồi và bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo quy mô và tốc độ tăng trưởng sẽ vượt xa những giai đoạn trước.

    Bên cạnh các yếu tố thuận lợi và thách thức chung của thị trường bất động sản, cung cầu và thanh khoản của từng phân phúc bất động sản nhà ở sẽ có những đặc trưng riêng trong giai đoạn 2022 – 2030. Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo cho các phân khúc bất động sản trong giai đoạn tới. Đáng chú ý là các phân khúc nhà ở.

    Toàn cảnh Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất.

    Đối với căn hộ chung cư, phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất của thị trường bất động sản nhà ở (chiếm khoảng 90% nguồn cung nhà ở thương mại). Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nguồn cung thị trường căn hộ chung cư sẽ tăng trung bình khoảng 20-25%/năm trong giai đoạn phục hồi 2024-2026, nhu cầu và tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt mức cao 90 – 96% so với mức 88 – 89% giai đoạn 2020 – 2021.

    Tại Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung căn hộ chung cư giai đoạn 2024 – 2026 sẽ khôi phục mức 70.000 – 85.000 căn/năm (tương đương thời điểm trước dịch Covid-19), với giá trị tương đương 4.000 – 5.000 tỷ đồng/năm.Cơ cấu nguồn cung sẽ ngày càng đa dạng nhờ xu hướng mở rộng của các chủ đầu tư phía Nam ra phía Bắc; sự sôi động của hoạt động M&A và sự phát triển của các thịtrường vùng ven Hà Nội và TP.HCM.

    Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ theo từng phân khúc. Theo đó,  phân khúc cao cấp và hạng sang nguồn cung và tỷ lệhấp thụ sẽ tiếp tục tăng (đặc biệt là các dự án của các chủ đầu tư uy tín ở các thành phố lớn, trung tâm, các vị trí đắc địa nhờ lợi thế, thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, thu nhậpcao của người dân…).

    Phân khúc trung cấp, bình dân, tỷ lệ hấp thụ sẽ thấp hơn dù nhu cầu vẫn rất lớn song do nguồn cung ngày càng hạn chế (chỉ chiếm khoảng 8 – 10% tổng nguồn cung chung cư). Mặt bằng giá chung cư sẽ tiếp tục tăng song doanh nghiệp bất động sản nhà ở và người mua nhà cũng sẽ được hưởng lợi bởi các gói/chương trìnhhỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023.

    Đối với nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề), Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, phân khúc này dự kiến khó có sự đột phá trong ngắn hạn dù lực cung và sức cầu được dự báo sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm 2022 cùng đà phục hồi rõ nét hơn của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ có sự chọn lọc, các dự án đượcphát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín đã xây dựng được hệ sinh thái, hạ tầng tốt, vị trí thuận lợi, pháp lý đầy đủ… sẽ được ưa chuộng và có lượng giao dịch tích cực trong giai đoạn 2024 – 2026.

    Nguồn cung ở các khu vực xa trung tâm sẽ mang đến nhiều lựa chọn về vị trí và giá cả phù hợp, hấp dẫn hơn với người mua. Sự tham gia của người mua nhànước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động M&A sẽ khiến phân khúc nhà liền kề và biệt thự sôi động hơn.

    Trong khi đó, đất nền là phân khúc khá đặc thù, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở vừa mang ýnghĩa đầu tư. Đất nền tại các khu đô thị cũ của các thành phố lớn giai đoạn 2022 – 2030 dự báo không có đột biến lớn cả về giá cả và lượng giao dịch do quỹ đất ngày càng hạnhẹp, các vị trí đắc địa ngày càng ít, giá trị sinh lời thấp.

    Đối với các khu vực lân cận/đô thị vệ tinh của các đô thị lớn hoặc các khu vực có quy hoạch đô thị/quận mới (đặc biệt xung quanh Hà Nội và TP.HCM) dự báo vẫn sẽ có những đợt tăng giá cục bộ về giá vàlượng giao dịch do chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, đất đô thị. Tuy nhiên, những biến động cục bộ này sẽ sớm được kiểm soát cùng với việc công bố các thông tin chính thức về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, kế hoạch xây dựng cơ sởhạ tầng của các địa phương, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định của phân khúc này.

    Đối với phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp (bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá vừa túi tiền): Nhu cầu nhà ở phân khúc này luôn vượt xa khả năng cung cấp của thị trường. Dự kiến, trong giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục triển khai hơn 339 dự án, quy môxây dựng khoảng 372.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2 nhà ở.

    “Với việc ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP(2015) về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó đối với dự án nhà ở thương mại,khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 đến 5 ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đểphát triển nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền cho người thu nhập thấp sẽ khả quan trong giai đoạn 2023 – 2025.

    Tuy nhiên, về phía cầu, do khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp rất hạn chế, cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để có thể tăng khả năng thanh khoản cho phânkhúc nhà ở mang tính chiến lược quốc gia này”, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nhận định.

    Mời xem thêm: Đến thời điểm “xuống tiền” mua nhà!

  • Quảng Bình chào năm mới 2024 bằng nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế

    Loạt sự kiện mới lạ, tầm vóc quốc tế trong khuôn khổ các chương trình chào đón năm mới 2024 tại Quảng Bình được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách.

    UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch tổ chức chương trình Chào đón năm mới 2024 với nhiều chương trình du lịch, hoạt động xúc tiến, quảng bá hấp dẫn và đặc sắc.

    Theo đó, chương trình Chào đón năm mới 2024 gồm có các hoạt động nổi bật như: chương trình đếm ngược (Countdown), hoạt động nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại thị trấn Phong Nha; Hội thi ẩm thực du lịch với sự tham gia của khoảng 20 – 25 đơn vị hoạt động du lịch cùng các chương trình kích cầu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới.

    Nhiều lễ hội hấp dẫn chào đón năm mới 2024 tại Quảng Bình

    Đặc biệt, ngoài các chương trình do địa phương tổ chức thì không thể thiếu sự chung tay, cộng hưởng của nhiều doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn tỉnh. Trong đó, những sự kiện quy mô, hoành tráng, tầm vóc quốc tế sẽ là điểm nhấn rực rỡ trong bức tranh lễ hội cuối năm tại Quảng Bình.

    Đại diện Công ty Cổ phần Regal Group trình bày kế hoạch tổ chức chương trình chào đón mới 2024 tại khu đô thị du lịch quốc tế Regal Legend với UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

    Trong suốt thời gian qua, chính quyền, Sở du lịch và những doanh nghiệp tiên phong như Regal Group vẫn đang tiếp tục nỗ lực làm mới và ra mắt thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút và tăng trải nghiệm cho du khách khi đặt chấn đến Quảng Bình. Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình, chương trình chào đón năm mới 2024 là sự kiện nổi bật để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, phát động thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Quảng Bình là điểm đến toàn cầu mới.

    Nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo hứa hẹn thu hút du khách đến với Quảng Bình

    Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, dịp nghỉ lễ từ 1 đến 4/9, tỉnh này đã đón 160.000 lượt khách du lịch, tăng 60% so với dịp lễ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng 87,5% so với dịp lễ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng, tăng 53% so với kỳ lễ trước.

    Mời xem thêm: Quảng Bình phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo

  • Bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Bình trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025

    Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng; thu hút 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký 54,6 triệu USD.

    Du Lich Quang Binh 2

    Sáng 22/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp báo định kỳ tháng 9/2023 và công bố thông tin kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025).

    Tại buổi họp báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình đã công bố báo cáo Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

    Theo đó, trong 3 năm 2021-2023, kinh tế Quảng Bình đã dần phục hồi và từng bước tăng trưởng khá.

    Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bình quân đạt 6,63%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Bình đạt 60,24 triệu đồng, tăng 13,92 triệu đồng so với năm 2020.

    Công tác quy hoạch, quản lý đô thị có bước phát triển khi Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Quảng Bình tiếp tục có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,07%/năm (chỉ tiêu 3,5 – 4%/năm).

    Sản xuất công nghiệp có những chuyển biến tích cực, nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành công nghiệp, như: Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy,…; các dự án thuộc Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch được đôn đốc triển khai thực hiện cơ bản đạt kết quả bước đầu.

    Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2021 – 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,3%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9%/năm (chỉ tiêu 14 – 14,5%/năm).

    Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt hơn 54.300 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 8,6%/năm. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 6,83%/năm (chỉ tiêu 7 – 7,5%/năm).

    Du lịch Quảng Bình cũng có sự phục hồi và phát triển sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tổng số khách du lịch đến tỉnh năm 2022 đạt hơn 2,1 triệu lượt, gấp 3,7 lần so với năm 2021; năm 2023 ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 1,65 triệu lượt so với năm 2020.

    Hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm; đã đưa vào khai thác một số cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch mới, khai trương Khu du lịch nghỉ dưỡng Bang Onsen Resort. Du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tổ chức, tạp chí, khách du lịch trong nước và quốc tế đánh giá cao, hình ảnh và thương hiệu ngày càng được khẳng định.

    Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình các năm 2021, 2022 vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, năm 2022 đạt hơn 8.350 tỷ đồng, đạt 139,2% kế hoạch; bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt 7.500 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được chú trọng đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 của tỉnh Quảng Bình đạt trên 28.500 tỷ đồng, tăng 30,1% so với năm 2020.

    Nhiều công trình, dự án quan trọng đã được khởi công và đầu tư xây dựng, như: Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3, Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, các tuyến đường nối trục Đông – Tây, các tuyến đường nội thành thành phố Đồng Hới, các tuyến đường liên vùng, liên xã ở các huyện; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình cơ sở 2,…

    Tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn qua tỉnh được đẩy nhanh; Cảng hàng không Đồng Hới chuẩn bị nâng cấp,… sẽ là những tín hiệu mới, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

    Về thu hút đầu tư, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Bình trong 3 năm qua đã có nhiều đổi mới và quyết liệt hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

    Tỉnh Quảng Bình đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài. Tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh năm 2021; tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tại thành phố Hà Nội năm 2023.

    Theo đó, các chính sách thu hút đầu tư của Quảng Bình đã ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu, uy tín đầu tư các dự án lớn, có tính lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất có giá trị và hiệu quả, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

    Cũng theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng; thu hút 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký 54,6 triệu USD; 47 dự án phi chính phủ nước ngoài (NGO), giá trị cam kết viện trợ 9,5 triệu USD.

    Tỉnh Quảng Bình cũng đã tạo điều kiện, môi trường cạnh tranh bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển nhanh, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Bình có thêm 1.627 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp lên hơn 8.800 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 20.180 tỷ đồng.

    Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế khi tốc độ tăng trước kinh tế trong 3 năm vừa qua của Quảng Bình vẫn còn thấp so với kế hoạch cả giai đoạn 2021 – 2025.

    Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp đạt thấp; cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp chậm được đổi mới, thiếu tính bền vững, thiếu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

    Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Chưa có nhiều dự án công nghiệp mới có quy mô và giá trị lớn đi vào hoạt động để tạo động lực thúc đẩy phát triển.

    Bên cạnh đó, nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Bình để phát triển du lịch chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả. Đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; hạ tầng và năng lực phục vụ tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú cao cấp, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp sân golf, vui chơi giải trí chậm tiến độ.

    Tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; một số vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch,… chưa được giải quyết triệt để. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được so với nhu cầu.

    Được biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra các chỉ tiêu kinh tế như sau: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 8 – 8,5%/năm; Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 9.000 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70 – 75 triệu đồng); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đạt 135.000 tỷ đồng.

    Theo Báo Đầu Tư

    Mời xem thêm: Quảng Bình – Điểm đến được khách quốc tế yêu thích

  • 5 lý do để phong cách modern classic “đón đầu” tương lai

    Những năm gần đây, phong cách Modern Classic đang dần trở thành xu thế mới trong ngành thiết kế nội thất và kiến trúc bởi sự hòa quyện giữa hiện đại và cổ điển.

    Modern Classic là một phong cách kiến trúc có những giao hưởng và biến tấu mạnh mẽ giữa vẻ đẹp cổ điển và sự tiện nghi hiện đại. Mang đến không gian sống “gây nghiện”, Modern Classic đang trở thành xu hướng tại các đơn vị thiết kế nổi tiếng như Studio Mcgee hoặc những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong ngành kiến trúc như Chris Loves Julia.

    Thời gian gần đây, phong cách này là một sự lựa chọn phổ biến bởi những lý do đặc thù và riêng biệt.

    Không gian thanh lịch đầy tính nghệ thuật

    Phong cách Modern Classic mở ra một không gian đậm chất nghệ sĩ với sự cân bằng giữa hai thế giới “xưa” và “nay”.

    Yếu tố cổ điển của phong cách này được lấy cảm hứng từ các thời kỳ Victoria, La Mã, Baroque, …nên thường có những đường cong mềm mại, họa tiết tinh xảo, chất liệu sang trọng như gỗ chạm khắc, đá tự nhiên, da động vật, nỉ cao cấp,…

    Vẻ đẹp của phong cách Modern Classic còn nằm ở sự hiện đại từ các công nghệ tiên tiến, các yếu tố màu sắc, ánh sáng, đến những món đồ thủ công tỉ mỉ. Tất cả cùng hòa quyện mang lại cảm giác ấm áp, mới lạ cho chủ nhân.

    Gu thẩm mỹ tinh tế

    Gắn liền với sự sang trọng và xa hoa, phong cách Modern Classic đang có sức hấp dẫn toàn cầu và vượt qua những ranh giới địa lý. Nó đang được mọi người trên toàn thế giới ưa chuộng, từ Châu Âu đến Châu Á và Châu Mỹ.

    Sự phổ biến này đã trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những ai tìm kiếm một gu thẩm mỹ toàn cầu và muốn ngôi nhà của mình toát lên vẻ đẹp của phong cách quốc tế.

    Từ đó, họ thể hiện được sự tinh tế trong thẩm mỹ cũng như tạo một ấn tượng tốt đẹp về sự thịnh vượng của mình.

    Ý nghĩa lịch sử và văn hóa

    Vì lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển và các thời kỳ lịch sử, thiết kế Modern Classic tôn vinh di sản văn hóa phong phú và những nguyên tắc thiết kế vượt thời gian.

    Những người có sự đánh giá cao về văn hóa, lịch sử có thể bị cuốn hút bởi phong cách này để tạo mối liên kết trong quá khứ trong khi vẫn được tận hưởng những tiện nghi hiện đại.

    Vẻ đẹp thời gian đầy ý nghĩa đi cùng tiện ích tân thời chính là thế mạnh giúp phong cách này trở thành xu hướng trào lưu bất tử.

    Sự tự do thể hiện dấu ấn cá nhân

    Phong cách Modern Classic cho phép chủ nhân tạo ra những không gian độc đáo và cá nhân hóa, từ đó phản ánh gu thẩm mỹ riêng của họ.

    Từ những món đồ nội thất tùy chỉnh đến những chi tiết kiến trúc độc đáo, phong cách này mang đến nhiều cơ hội tạo ra những không gian độc nhất vô nhị.

    Nhiều người đặc biệt đánh giá cao sự linh hoạt này vì nó cho phép họ kết hợp phong cách và sở thích cá nhân của mình trong khi vẫn duy trì được sự hài hòa và gắn kết trong thiết kế nội thất.

     

    Dễ thanh khoản

    Đối với một số người, nhà của họ không chỉ là nơi để ở mà còn là khoản đầu tư lâu dài. Trong một thế giới đang đuổi theo những xu hướng nhất thời thì phong cách Modern Classic đại diện cho một nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền với những vật liệu giá trị cao hay những kỹ thuật bền vững.

    Với sức hấp dẫn vượt thời gian, phong cách này có thể nâng cao giá trị bán lại của một tài sản.

    Đây là sự cân nhắc dành cho những cá nhân muốn bảo vệ và phát triển tài sản của mình thông qua bất động sản.

    Mời xem thêm:Tiềm năng kinh doanh lưu trú đặc biệt của dòng biệt thự hạng sang đầy đủ nội thất tại dự án Regal Legend

  • Tọa đàm “Gặp gỡ, hợp tác Quảng Bình-Tokyo”

    Ngày 22.09.2023, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức chương trình tọa đàm “Gặp gỡ, hợp tác Quảng Bình-Tokyo”.

    Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm và ông Hitoshi Honna, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP EREX trao biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối.

    Tham dự buổi tọa đàm, về phía Việt Nam có đại diện ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đại sứ quán, Trưởng bộ phận đầu tư, bà Vũ Nhật Hà.

    Về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Lương Bình, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, DN.

    Tham dự còn có ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các  doanh nghiệp (DN).

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm.

    Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm trân trọng cảm ơn sự kết nối, hỗ trợ của ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam trong việc tổ chức chương trình tọa đàm. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình tổ chức một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với mong muốn đưa Quảng Bình đến gần hơn với các DN Nhật Bản để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực, giúp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh gửi lời chào mừng đại biểu, các vị khách quý đến tham dự buổi tọa đàm.

    Giới thiệu khái quát những tiềm năng, thế mạnh nổi bật và những lĩnh vực lợi thế của tỉnh, đồng chí nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Bình mong muốn mở ra các cơ hội để DN hai bên có dịp trao đổi, đề xuất các ý tưởng hợp tác đầu tư trong tương lai. Với phương châm “Sự thành công, phát triển của DN cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư; đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu phát triển của tỉnh thành hiện thực.

    Ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại buổi tọa đàm.

    Tiếp đó, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ, ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu. Đánh giá cao sự kiện đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình đã chủ động tổ chức chuyến đi hết sức quan trọng, thiết thực, hiệu quả và đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

    Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, là đối tác lớn thứ ba về đầu tư và du lịch, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Đến nay, hầu hết các tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

    Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, với những tiềm năng, thế mạnh rất nổi bật, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng qua buổi tọa đàm, đại biểu, các tổ chức, DN sẽ thấy được bức tranh tổng thể của Quảng Bình về môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đầy đủ thế mạnh thu hút đầu tư của các DN Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các DN Nhật Bản tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, DN… để cùng tạo dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực trong tương lai.

    Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành JETRO bày tỏ sự tâm huyết, cảm ơn sâu sắc của cá nhân và JETRO đối với Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng bởi quá trình đồng hành, giúp đỡ, hợp tác đối với các DN Nhật Bản. Nêu bật những con số thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản-Việt Nam, ông Nakazawa Katsunori cũng chia sẻ về những nhu cầu của các nhà đầu tư, DN Nhật Bản tại thị trường Việt Nam như nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường…

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng trao đổi với Phó Chủ tịch điều hành JETRO Nakazawa Katsunori.

    Cùng với các tập đoàn lớn, hiện các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đang sở hữu công nghệ và kỹ thuật hàng đầu trên thế giới. Ông Nakazawa Katsunori tin tưởng về những cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư, DN Nhật Bản với Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng trong tương lai.

    Đại diện các nhà đầu tư, DN Nhật Bản và Việt Nam đã chia sẻ, thảo luận về mối quan tâm và các lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác. Tiêu biểu là Công ty CP EREX với mong muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối tại Quảng Bình. Ông Hitoshi Honna, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EREX Nhật Bản nhấn mạnh những ưu điểm của điện sinh khối và khẳng định, Quảng Bình là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng thế mạnh và thuận lợi lớn trong đầu tư điện sinh khối, đặc biệt là tỷ lệ che phủ rừng lớn. Nhà máy điện sinh khối có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông, lâm nghiệp để phục vụ sản xuất. Công ty CP EREX cũng có các kiến nghị, đề xuất cụ thể và mong muốn tỉnh đồng hành để cùng đẩy nhanh quá trình xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Bình.

    Đại biểu tham dự tọa đàm.

    Nhà máy điện sinh khối Quảng Bình với công suất 50MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 3.256 tỷ đồng (tương đương 135 triệu USD), địa điểm thực hiện tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Một số DN Nhật Bản và Việt Nam đã thảo luận và trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác trong dịp này.

    Qua chia sẻ của các DN, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm khẳng định, Quảng Bình sẽ phối hợp, đồng hành hiệu quả cùng nhà đầu tư, DN trong việc thúc đẩy các quy trình thủ tục để triển khai các dự án và áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư lớn nhất bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả hai bên. Quảng Bình mong muốn và sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, DN Nhật Bản triển khai các hoạt động đầu tư tại địa phương.

    Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đến thời điểm này, Quảng Bình chưa có DN Nhật Bản đầu tư. Tuy nhiên hiện tỉnh đang hỗ trợ rất lớn đối với Tập đoàn Mitsubishi Corporation đang tham gia xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Tập đoàn đánh giá cao vai trò của tỉnh trong thực hiện các thủ tục để DN triển khai dự án. Và trong định hướng phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước, tỉnh đã phối hợp với nhiều DN Nhật Bản. Qua quá trình trao đổi, đàm phán, tỉnh đã hợp tác với Công ty cổ phần EREX để triển khai dự án nhà máy điện sinh khối trong thời gian rất sớm. Hiện Quảng Bình cũng đang đàm phán với DN Nhật Bản để chuyển nhượng một nhà máy rác thải và điện rác tại địa phương.

    Đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Những ví dụ cụ thể trên nhằm khẳng định các DN Nhật Bản đến Quảng Bình sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ hiệu quả của tỉnh. Quan trọng hơn, vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Yamanashi, là địa phương nổi bật về lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản. Đây là nền tảng hết sức quan trọng để các cơ quan, chính quyền, doanh nghiệp Quảng Bình có những đổi thay, trở thành điểm đến gần gũi, thân thiện, tin tưởng và hiệu quả với Nhật Bản nói chung, các DN nói riêng.

    Dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành JETRO về các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Quảng Bình. Theo đó, với 2 văn phòng đại diện của JETRO tại Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm của tổ chức đối với Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. Hai bên đã trao đổi sâu sắc về vai trò, định hướng, tiềm năng, mong muốn của JETRO và Quảng Bình, thống nhất những hoạt động tổng thể trong tương lai và cách thức triển khai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã trân trọng gửi lời mời Phó Chủ tịch điều hành JETRO thăm Quảng Bình trong thời gian sớm nhất.

  • Động thái mới của Hòa Phát (HPG) trong kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD tại Phú Yên

    Hòa Phát vừa đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, dự án Cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm và dự án Khu thương mại – Dịch vụ.

    CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa đề xuất các phương án bố trí mặt bằng quy hoạch Cảng Bãi Gốc tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

    Phương án bố trí mặt bằng quy hoạch Cảng Bãi Gốc do Hòa Phát đề xuất gồm quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép; phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng là cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.

    Sau khi đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, so sánh các phương án do Tập đoàn Hoà Phát đề xuất để lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Phú Yên; Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên và đúng quy định của pháp luật.

    Trước đó vào tháng 5/2023, tại hội nghị để nghe báo cáo liên quan đến định hướng thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa), đại diện các nhà đầu tư đã đề nghị tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án gang thép, lọc hóa dầu, xây dựng cảng biển.

    Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, dự án Cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm và dự án Khu thương mại – Dịch vụ. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất.

    Riêng dự án Khu thương mại – Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.

    Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án nói trên dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Nhu cầu sử dụng lao động (đối với nhà máy thép) khoảng 12.000 người, trong đó lao động địa phương chiếm 80 – 90%.

    Cảng Bãi Gốc có diện tích 220 ha, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, và định hướng có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn. KCN Hòa Tâm có quy mô diện tích là 1.080 ha.

    Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay Cảng Bãi Gốc sẽ thực hiện theo phương thức nhà đầu tư tự bỏ vốn ra đầu tư và kinh doanh. Còn KCN Hòa Tâm thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng… gắn với phát huy lợi thế cảng biển; và sẽ thu hút khoảng 70.000 lao động.

  • Khai thác trở lại đường bay Incheon (Hàn Quốc) – Đà Nẵng

    Vào lúc 23 giờ 10 ngày 20-9, máy bay Boeing 737-800 mang hiệu số ZE594 do Hãng hàng không Eastar Jet khai thác đã đưa gần 180 hành khách, cất cánh từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

    Đường bay Incheon (Hàn Quốc) – Đà Nẵng có thêm hãng hàng không khai thác sẽ tạo thuận lợi cho du khách đến với Đà Nẵng.

    Theo đó, máy bay Boeing 737-800 có thể vận chuyển tối đa 189 hành khách mỗi chuyến. Hiện tại hãng khai thác trở lại đường bay Đà Nẵng – Incheon với tần suất 1 chuyến/ngày.

    Chuyến bay khởi hành tại Incheon (Hàn Quốc) lúc 20 giờ 30 (giờ địa phương) đến Sân bay quốc  Đà Nẵng lúc 23 giờ 10 (giờ địa phương). Ở chiều ngược lại từ ngày 21-9 đến 28-10, chuyến bay khởi hành từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 0 giờ 10 và từ ngày 29-10 khởi hành lúc 0 giờ 45 (giờ địa phương).

    Chào đón các du khách trên chuyến bay đầu tiên được khai thác trở lại, hãng hàng không tặng nón lá Việt Nam cho du khách tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

    Trước đó, năm 2017, Hãng hàng không Eastar Jet đã khai thác các chuyến bay tại Đà Nẵng đều đặn 5 chuyến/ngày đến các điểm Incheon, Cheonju và Jeju.

    Ông Kim Sang Wook, Trưởng đại diện Hãng hàng không Eastar Jet – Chi nhánh tại Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng vẫn là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc, lượng khách đến thành phố ngày càng tăng.

    Xu hướng đi du lịch của khách Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi, trước đây khách thường chọn đi theo đoàn nhưng hiện nay khách chọn đi lẻ và đi tự túc. Do đó, ngoài chặng bay này, hãng có kế hoạch tăng chuyến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 với mong muốn tăng trưởng và phát triển trở lại các chặng bay.

    Mời xem thêm:Đà Nẵng chú trọng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

  • Đà Nẵng chú trọng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

    Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là nền tảng để Đà Nẵng thay đổi tình hình thu hút FDI tích cực hơn.

    Thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng

    Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đà Nẵng đạt thấp, các dự án cấp mới đều có quy mô nhỏ lẻ. Nhiều tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

    Đà Nẵng đang được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn là điểm đến đầu tư

    Được biết, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước luôn được Đà Nẵng quan tâm và chú trọng, Thành phố thành lập riêng một đơn vị thuộc UBND thành phố trong việc kêu gọi và xúc tiến đầu tư. Song, tình hình thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng không mấy khả quan, khi chỉ thu hút được 27,3 triệu USD, trong đó cấp mới 64 dự án, tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD, đạt 46,3% so với cùng kỳ năm 2022.

    “Con số này không như kỳ vọng, chủ yếu là dự án nằm ngoài khu công nghiệp, quy mô nhỏ lẻ”, bà Tâm cho hay.

    Theo bà Tâm, nguyên nhân là các tập đoàn lớn trên thế giới bị ảnh hưởng chung của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nên đang cẩn trọng xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam. Nguyên nhân nữa là sau đại dịch Covid-19, đầu tư toàn cầu giảm mạnh, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao. Từ đó, tâm lý của nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới để giảm thiểu rủi ro và bảo toàn vốn.

    Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường, thông minh, công nghiệp công nghệ cao, nên việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp cũng cần có sự chọn lọc kỹ công nghệ, xem xét kỹ về quy mô và đánh giá về tác động môi trường.

    Bà Tâm cũng cho biết, một số quy định của Trung ương vẫn còn thiếu tính thống nhất trong chính sách về đất đai, xác định giá đất khi lựa chọn nhà đầu tư, hành lang pháp lý về đấu thầu, một số lĩnh vực chuyên ngành chưa được đầy đủ.

    Ngoài ra, Thành phố đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu và đang chờ kết quả. Do vậy, các vấn đề về quy hoạch, đất đai… chưa đảm bảo sẵn sàng để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án ngay.

    “Quá trình kêu gọi nhà đầu tư đối với một số dự án Thành phố đã có quỹ đất sạch, nhưng thủ tục triển khai khá dài, từ bước lập quy hoạch đến phương án đấu giá, xác định giá. Nếu là đất ven biển thì phải thêm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nên vừa qua, Thành phố bị chậm đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số dự án”, bà Tâm nêu.

    Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn nước ngoài đang quan tâm đến các dự án ở Đà Nẵng như cảng Liên Chiểu, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, một số dự án trung tâm thương mại đã có đất sạch, một số dự án đầu tư vào khu công nghệ cao ở các lĩnh vực điện tử, thiết bị y tế, trung tâm dữ liệu…

    Để triển khai thu hút đầu tư trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Đồng thời, Thành phố khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu.

    Các sở, ngành sẽ rà soát tiến độ thực hiện các thủ tục về quy hoạch, lập phương án đấu giá đất, chủ động xây dựng phương án đấu giá để sẵn sàng kêu gọi nhà đầu tư. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy trình, tiêu chí đấu thầu với các dự án lớn mà hiện chưa có quy định về đấu thầu chuyên ngành như khu công nghiệp, cảng biển.

    Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang tập trung triển khai hiệu quả đề án nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào những khu công nghiệp mới trên địa bàn Thành phố.

    Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tích cực chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện thủ tục đấu giá các dự án thương mại. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 Khu thể thao giải trí thương mại Hòa Xuân và khu đất thương mại phía Đông Nam ký túc xá sinh viên. Khu công nghệ cao cũng đang xúc tiến đầu tư, dự kiến trong thời gian tới sẽ kêu gọi thêm nhiều dự án vào các lĩnh vực như sản xuất điện tử, thiết bị y tế…

    Tạo nguồn lực từ FDI Nhật Bản

    Tại Hội thảo kết nối hợp tác Đà Nẵng – Nhật Bản mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu. Ngoài ra, còn có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác.

    Cầu vượt Mikazuki qua đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) – công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản

    “Hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đạt những kết quả tích cực. Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng”, ông Minh thông tin.

    Theo ông Minh, nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào các dự án chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp giúp tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.

    Bên cạnh đó, Nhật Bản được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) tổng lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt hơn 183.000 lượt, tăng gần 200% so với năm 2015 (92.000 lượt).

    Đại diện Công ty N&V Bridge (Nhật Bản) – doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng khu nghỉ dưỡng và sản xuất truyện tranh cho biết, mới đây đã kết hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 1 bộ truyện tranh nhận được sự quan tâm từ nhiều độc giả. Bên cạnh đó, Công ty cũng ký kết đưa thực tập sinh Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng) sang Nhật Bản thực tập; đồng thời xúc tiến xây dựng tổ chức phi chính phủ hỗ trợ du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản.

    Còn đại diện Công ty dịch vụ vận chuyển Sakai thì bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác. Công ty Sakai được thành lập từ năm 1971. Khi bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển nhà, Công ty Sakai đã nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Thời điểm đó, sự gia tăng dân số của Việt Nam tương đồng với Nhật Bản.

    Trong buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhân chuyến thăm và làm việc của Đại sứ tại Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định, Đà Nẵng cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, du khách Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, du lịch tại thành phố. Đà Nẵng cũng ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương mở rộng quan hệ hợp tác nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản.

    Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ, hiện tại, đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam đang trở nên khó khăn ở các tỉnh phía Bắc vì các vấn đề về điện lực ngày càng phát sinh. Ở các tỉnh phía Nam thì bài toán thiếu hụt nhân lực đang ngày càng trầm trọng và sự tăng giá thuê đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp. “Miền Trung với trung tâm là TP. Đà Nẵng, giá thuê khu công nghiệp vẫn còn rẻ, đảm bảo được nguồn nhân lực nên đang nhận được sự quan tâm cao từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được coi là một điểm đến đầu tư mới”, ông Yakabe Yoshinori nhìn nhận.

    Có thể nói, nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm tới Đà Nẵng, sự hiện diện của nhiều dự án tại Đà Nẵng cũng như quan hệ kết nối hữu nghị lâu nay đã chứng tỏ Đà Nẵng là địa chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Chính quyền Thành phố nên xem đây là cơ hội để tạo nền móng cho việc thu hút dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia khác trên thế giới, góp phần cải thiện tình hình thu hút FDI trên địa bàn.

  • Quảng Bình phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo

    Năm 2023, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 3-3,5 triệu lượt khách nhưng đến nay đã có gần 3,7 triệu lượt du khách đến với tỉnh này.

    Ngày 21-9, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh này đã vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của năm 2023 về tổng số khách du lịch.

     

    Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách (mức chỉ tiêu kế hoạch của năm 2023 là 3-3,5 triệu lượt khách), gấp 2,32 lần so với cùng kỳ năm 2022.

    Trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 3,5 triệu lượt khách và khách quốc tế ước đạt hơn 89.000 lượt khách (gấp 4,07 lần so với cùng kỳ năm trước).

    Về dịch vụ lưu trú, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 532 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8.475 phòng, 16.200 giường. Trong 9 tháng qua, khách lưu trú ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt hơn 454 tỉ đồng.

    Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về du lịch Quảng Bình đến các thị trường khách nội địa và quốc tế. Tích cực phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo.

    Trong đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình cho phép khai thác thử nghiệm hai sản phẩm du lịch mới gồm: “Trải nghiệm lái xe địa hình khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại rừng Lim thôn 4, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa” của công ty TNHH MTV Chua Me Đất và “Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa Đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy” của Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong.

    Qua đó, đưa tổng số sản phẩm, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lên 34 sản phẩm.

    Đặc biệt, du lịch Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế như: Lonely Planet (Mỹ), The Travel (Canada), Wanderlust (Anh), Booking.com…

  • Quảng Bình – Điểm đến được khách quốc tế yêu thích

    Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ở dịp nghỉ lễ vừa qua, Quảng Bình đón 160.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng mạnh 87,5%, mang về nguồn thu du lịch đạt 176 tỷ đồng. Điều này cho thấy Quảng Bình đang ngày càng thể hiện được sức hút của mình với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ.

    Vùng đất kỳ quan vươn mình từ khói lửa

    Trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Bình là phần đất thiêng liêng nối liền một dải non sông Việt Nam, là chiến địa khốc liệt trong các cuộc chiến tranh tương tàn. Quảng Bình chịu nhiều nỗi đau chia cắt, binh đao lửa đạn, vùng đất này cũng vì thế mà hoang sơ, những cảnh quan thiên nhiên chưa được khai phá và ít người biết đến.

    Vào khoảng trước năm 2000, hoạt động du lịch ở Quảng Bình mới chỉ dừng lại ở các cơ sở dịch vụ đơn giản như nhà khách, khách sạn, nhà nghỉ,… với lượng du khách vẫn còn hạn chế. Sau năm 2000 là giai đoạn mang tính bước ngoặt đối với quá trình phát triển du lịch tỉnh với nhiều điểm nhấn quan trọng: Năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đặt nền móng đưa Quảng Bình trở thành điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam với sản phẩm du lịch hang động. Nhờ đó năm 2012, lần đầu tiên tỉnh đón trên 1 triệu lượt khách du lịch.

    Từ năm 2013 đến nay, du lịch Quảng Bình phát triển “nhảy vọt”. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, việc đưa vào khai thác nhiều tuyến điểm du lịch quan trọng đã khẳng định được vị thế của Quảng Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa, khách du lịch đến Quảng Bình càng tăng nhanh.

    Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới được đưa vào khai thác du lịch vào năm 2013 đã trở thành tour du lịch đẳng cấp quốc tế

    Theo dòng thời gian, du lịch Quảng Bình được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt tờ The New York Times (Mỹ) bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng thứ 1/12 điểm đến trong khu vực châu Á. Hang Sơn Đoòng được Tạp chí News của Úc xếp vào điểm đến “đẹp không thể tin nổi” trên trái đất; Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ cũng bình chọn hang Sơn Đoòng là một trong Top 12 hang động kỳ vĩ nhất trên thế giới…

    Hành trình đưa văn hóa và ẩm thực trở thành “đại sứ” quảng bá du lịch

    Xưa nay Quảng Bình đã nổi tiếng với những món ăn dân dã đặc sắc như: khoai deo, bánh lọc, bánh canh Ba Đồn, cơm bồi Minh Hóa, canh nấm tràm,… Đặc biệt, biển Quảng Bình có dòng hải lưu nóng chạy qua nên hải sản ở đây có vị ngọt, thơm rất riêng. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết các món ăn được chế biến theo quy mô nhỏ, chủ yếu cho nhu cầu người bản địa.

    Từ khi du lịch tỉnh nhà có những cột mốc vượt bậc, các chính sách phát triển văn hóa ẩm thực được đẩy mạnh, mở rộng chuyển hướng dần sang khai thác phục vụ du lịch. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tiến hành công nhận, cấp biển hiệu cho các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ du khách. Đặc biệt, các hội thi ẩm thực mang đậm nét văn hóa được tổ chức, thu hút nhiều du khách quốc tế.

    Khách nước ngoài hào hứng tham quan gian hàng các món ăn tại Hội thi Ẩm thực Du lịch Quảng Bình 2022

    Không chỉ dừng lại ở ẩm thực đặc sắc, nét văn hóa Quảng Bình còn được thể hiện qua các lễ hội gắn liền với những giá trị lịch sử như lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa, hội đua thuyền Lệ Thủy, lễ hội thờ mẫu Quảng Đông,… Qua các lễ hội, thế hệ cha ông Quảng Bình đã để lại cho con cháu những giá trị quý báu về tinh thần dân tộc, về lòng yêu nước, yêu cây đa, bến nước, sân đình,… Giá trị đó góp phần làm nên sức mạnh của các thế hệ người dân Quảng Bình vượt qua muôn vàn khó khăn chống lại thiên tai, địch họa, xây dựng cuộc sống trên mảnh đất khắc nghiệt này.

    Trên đà phát triển du lịch, Quảng Bình đã đề ra những chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư. Hàng loạt khách sạn 5 sao và các khu phức hợp mới xuất hiện đã tạo ra một tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí nghìn tỷ sôi động, đưa du lịch Quảng Bình lên một tầm cao mới.

    Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Bình thu hút đông đảo lượt khách quốc tế

    Cùng với văn hóa, ẩm thực, sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng đã giúp Quảng Bình khoác lên một diện mạo hoàn toàn khác, náo nhiệt, sầm uất, đón hàng triệu lượt khách toàn cầu du lịch hàng năm.

    Mời xem thêm: Quảng Bình: Đã chọn được nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới