7 tháng đầu năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản thu hút 1,61 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ hai về thu hút vốn ngoại.
Ảnh minh họa
Thông tin trên được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2023 vừa được công bố.
Theo số báo cáo trên, 7 tháng đầu năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản thu hút 1,61 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2022.
“Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỷ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 49,8% so với cùng kỳ”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Như vậy, sau 6 tháng bị đẩy xuống vị trí thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đến tháng 7 này, ngành kinh doanh bất động sản đã dành lại ngôi vị thứ hai.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,38% GDP của Việt Nam (cùng kỳ năm ngoái ngành này chiếm 3,32%).
Về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD).
Còn theo báo cáo từ Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2023, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 58,9% và 54,1%.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022), mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực.
Đây là cơ hội tốt cho việc quảng bá TP Đà Nẵng là điểm đến đầu tư an toàn, nhiều tiềm năng với thị trường trọng điểm Mỹ, là cơ hội kết nối doanh nghiệp hai bên, góp phần tăng cường hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Ngày 3-8, tại Trung tâm hành chính thành phố, TP Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư và du lịch Đà Nẵng với các doanh nghiệp Mỹ của bang California do bà Sheng Thao, Thị trưởng thành phố Oakland làm trưởng đoàn.
Thị trường tiềm năng
Phát biểu khai mạc, bà Sheng Thao, Thị trưởng TP Oakland cho biết, đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam để giới thiệu thương mại Mỹ. Bà Sheng Thao mong muốn được đầu tư vào Việt Nam cũng như thu hút đầu tư từ Việt Nam vào TP Oakland (Mỹ).
Tại tọa đàm, lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng đã trình bày những lợi thế về môi trường đầu tư; đại diện Sở Du lịch chia sẻ tiềm năng phát triển du lịch đến đoàn doanh nghiệp Mỹ. Đoàn doanh nghiệp Mỹ cũng chia sẻ về các lợi thế, nhu cầu và mong muốn ký kết hợp tác với TP Đà Nẵng, có những hợp tác mới quan trọng hơn trong tương lai.
Tọa đàm giới thiệu đầu tư và du lịch ở thành phố Đà Nẵng
Cũng trong ngày 3-8, Thị trưởng TP Oakland Sheng Thao và đoàn doanh nghiệp Mỹ đã đến tham quan cảng Đà Nẵng. Đón tiếp đoàn, ông Trần Lê Tuấn, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, hạ tầng cảng đang được đầu tư ngày càng hiện đại, đồng bộ hơn. Năm 2006, cảng Đà Nẵng và cảng Oakland đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác trên lĩnh vực quản lý, khai thác, chia sẻ kinh nghiệm… “Chuyến thăm lần này của bà Thị trưởng là cơ sở để tái ký biên bản ghi nhớ giữa 2 đơn vị” – ông Tuấn cho biết.
Gửi lời cám ơn ban giám đốc đã đón tiếp đoàn, bà Sheng Thao cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để hai bên tiếp tục ký hợp tác từ năm 2006. Hai bên cũng sẽ trao đổi sâu hơn về việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ giữa cảng Oakland và cảng Đà Nẵng.
Chiều cùng ngày, đoàn đã tham quan khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam). Đồng thời ký kết thiết lập mối quan hệ giữa Thaco Industries và cảng Oakland; ký kết giữa Thaco Industries với Công ty California Waste Solutions Mỹ (CWS).
Cam kết tạo điều kiện cho nhà đầu tư
Trước đó, chiều 2-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đón tiếp Đoàn đến chào xã giao. Đây là lần đầu tiên bà Sheng Thao đến thăm và làm việc tại TP Đà Nẵng sau khi nhậm chức từ tháng 1-2023.
Chào đón đoàn đến tham quan, thay mặt UBND TP Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng được Trung ương xác định là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội – quốc phòng an ninh của miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… Đà Nẵng không chỉ có hệ thống trường đại học bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên, mà còn có hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch dịch vụ được thành phố xác định là một trong những ngành mũi nhọn của thành phố.
Chúng tôi đang quan tâm xây dựng thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cảng biển… phát triển. Thành phố được đánh giá là thành phố đáng sống, điểm đến du lịch hấp dẫn. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị của thành phố.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, giữa TP Đà Nẵng và TP Oakland đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2005. Trong 17 năm qua, thành phố đã đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, đoàn ngoại giao, doanh nghiệp Mỹ đến thăm, làm việc và nghiên cứu đầu tư. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 85 doanh nghiệp đang đầu tư, với tổng số vốn gần 800 triệu USD, chiếm 20% vốn FDI của thành phố.
Người đứng đầu TP Đà Nẵng kỳ vọng, nhân buổi thăm và làm việc của Thị trưởng TP Oakland Sheng Thao, đây là dịp thắt chặt tình hữu nghị giữa hai địa phương. Đồng thời cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại mối quan hệ 17 năm qua. Từ đó hướng đến những cơ hội mới, hợp tác trong tương lai.
Đoàn quan chức và doanh nhân bang California (Mỹ) chụp hình lưu niệm với Ban lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
Từ tháng 4-2004, với sự xúc tiến của ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions Mỹ (CWS) và Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) là người Mỹ gốc Việt có uy tín tại TP Oakland, cảng Đà Nẵng và cảng Oakland đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khai thác, quản lý, tiếp thị, quy hoạch, đầu tư và xây dựng, an ninh vận tải biển, cung cấp trang thiết bị và các hoạt động khác có liên quan đến cảng.
“Kế thừa kết quả hợp tác những năm qua giữa Việt Nam – Mỹ, kỳ vọng cơ hội hợp tác giữa TP Đà Nẵng và TP Oakland sẽ có những bước tiến mới” – ông Lê Trung Chinh nói.
Cũng theo ông Lê Trung Chinh, Đà Nẵng hiện đang tập trung vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, hàng không… Đây là những lĩnh vực thế mạnh các doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy ông Chinh kỳ vọng bà Thị trưởng Sheng Thao và các doanh nghiệp Mỹ nghiên cứu, đầu tư vào Đà Nẵng mà thành phố đang rất cần.
“Chính quyền TP Đà Nẵng cam kết hỗ trợ tối đa, bảo đảm quyền lợi, an toàn cho các doanh nghiệp Mỹ, các nhà đầu tư, các dự án do TP Oakland và Mỹ đầu tư trên địa bàn; cũng như bảo đảm các chuyên gia, người dân Mỹ đến du lịch, học tập, làm việc tại Đà Nẵng” – Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đề xuất thành lập 2 tổ công tác để kết nối và tạo thuận lợi trong quá trình giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế trên các lĩnh vực.
Tại buổi gặp gỡ, bà Sheng Thao, Thị trưởng TP Oakland, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CWS và VWS cùng đại diện các doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, logistics, bất động sản, du lịch, ngân hàng… đều bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.
Ông David Dương cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi là người con đất Việt được trở về quê hương, được góp sức vào việc làm sạch môi trường, tạo thêm hàng ngàn việc làm cho người dân trong nước. Chúng tôi mong sau chuyến đi này, TP Đà Nẵng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt trở về quê hương làm việc và sinh sống tại TP Đà Nẵng.”
Gửi lời cám ơn Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bà Sheng Thao kỳ vọng, chuyến thăm của đoàn đến Việt Nam lần này sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại TP Đà Nẵng, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Thị trưởng Sheng Thao cũng thống nhất thành lập 2 tổ hợp tác như đề nghị của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh.
Với thiết kế rộng rãi, linh hoạt, căn hộ 3 phòng ngủ đang được nhiều người mua săn đón để tìm nơi ở thoải mái và không gian phù hợp hơn cho gia đình.
Lựa chọn tối ưu cho nhiều gia đình
Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, trong tháng 1/2023, căn hộ chung cư thu hút lượng quan tâm lớn ở cả hoạt động bán và cho thuê. Lượt tìm mua tăng 57% và tìm thuê tăng 112%. Mức độ quan tâm đến chung cư trong thời gian gần đây tăng mạnh nhất ở phân khúc căn hộ có giá rao bán trên 55 triệu đồng/m2, với mức tăng đến 97% so với tháng 1/2022.
Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia nhận định, chính sự gia tăng của nhóm khách hàng là người trẻ và gia đình trẻ có điều kiện tài chính đã khiến gia tăng nhu cầu tìm mua và thuê chung cư tại các đô thị lớn. Khách hàng có điều kiện tài chính thường sẽ hướng đến căn hộ 3 phòng ngủ ngay từ đầu bởi đây là lựa chọn tối ưu cho nhiều gia đình.
Đối với những gia đình đa thế hệ, gia chủ có thể dễ dàng phân chia các không gian chức năng, chuyển đổi mục đích từng phòng lúc cần, yên tâm an cư lâu dài mà không phải đổi nhà khi có thêm thành viên. Còn đối với gia đình trẻ, sở hữu căn hộ 3 phòng ngủ giúp cho không gian sống thoải mái hơn. Phòng chưa sử dụng có thể bố trí làm phòng làm việc hay đáp ứng cho những sở thích cá nhân như phòng đọc sách, xem phim…
Một điểm nữa khiến các căn hộ 3 phòng ngủ được ưa chuộng bởi phần lớn là căn góc, có thiết kế thông minh, đón nắng, gió tự nhiên, có lợi cho sức khỏe gia chủ. Bên cạnh đó, số lượng căn 3 phòng luôn chiếm tỷ lệ thấp trong dự án. Chính vì vậy, dòng sản phẩm này luôn nhận được sự săn đón của người mua để ở và cả nhà đầu tư bởi đảm bảo được tính thanh khoản.
Căn hộ 3 phòng ngủ The Sang Residence hút khách
Xuất phát từ những ưu thế này, nhiều chủ đầu tư đã thiết kế các căn hộ 3 phòng ngủ kết hợp cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình. Trong số này, được quan tâm bậc nhất trên thị trường hiện tại là căn hộ 3 phòng ngủ tại dự án The Sang Residence.
Được tính toán tỉ mỉ, căn hộ 3 phòng ngủ The Sang Residence có vị trí góc với 2 mặt thoáng, không gian sống rộng rãi thoải mái cùng bài trí thông minh, phù hợp với nhiều đối tượng, từ gia đình trẻ có 3-4 thành viên tới những gia đình đa thế hệ.
Đặc biệt, sự hài hoà giữa bài trí khoa học cùng thiết kế đón ánh sáng tự nhiên khiến căn hộ trở nên khoáng đạt và như được “nới rộng”. 100% các phòng đều có cửa sổ, vách kính lớn giúp không gian riêng tư không bí bách. Mỗi thành viên đều có “khoảng trời riêng” để tận hưởng cuộc sống.
Hơn cả một mái nhà, những cư dân ưu tú sống tại The Sang Residence sẽ được thư thái tận hưởng vô vàn tiện ích đẳng cấp như: Sảnh đón tiêu chuẩn 5 sao, Bãi đỗ xe thông minh, Bể bơi vô cực, Nhà trẻ, Khu vui chơi trẻ em trong nhà và ngoài trời, Gym, Spa, Sky Park, Khu coffee sang trọng, Siêu thị thực phẩm sạch nhập khẩu, Hệ thống an ninh công nghệ cao bảo vệ 24/7…
“Vợ chồng tôi quyết định sở hữu căn hộ 3 phòng ngủ The Sang Residence để an cư và làm của để dành. Những ưu thế của The Sang Residence nói riêng và sự phát triển của Đà Nẵng nói chung sẽ đảm bảo tính thanh khoản và tiềm năng tăng giá”, chị Hoàng Thùy chia sẻ lý do chọn căn 3 phòng ngủ The Sang Residence.
Điều khiến chị Thùy và nhiều khách hàng khác “mạnh tay” hơn khi chọn căn hộ 3 phòng ngủ The Sang Residence là chính sách hỗ trợ tài chính mà chủ đầu tư đang áp dụng trong thời gian này nhằm kích cầu thị trường. Cụ thể, người mua có cơ hội nhận gói quà tặng nội thất trị giá lên đến 72 triệu đồng; tận hưởng chuỗi tiện ích chuẩn quốc tế với ưu đãi miễn phí 2 năm phí quản lý; giảm gánh nặng tài chính với chương trình hỗ trợ lãi suất 0% và thanh toán linh hoạt trong 12 tháng.
Với ưu thế vượt trội cùng chính sách bán hàng hấp dẫn, The Sang Residence trở thành lựa chọn toàn vẹn giữa an cư và đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, cả nguồn cung và lượng cầu đều giảm so với các quý trước. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới…
Thị trường trầm lắng cũng khiến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Từ đó, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án, cắt giảm lao động… Ngoài ra, việc lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, làm chi phí của doanh nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; trong khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới của doanh nghiệp ngày càng giảm mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng qua, cả nước mới hoàn thành 25 dự án nhà ở thương mại, với khoảng 10.000 căn, bằng 50% so với 6 tháng cuối 2022. Hiện đang triển khai xây dựng 659 dự án, đồng thời có 30 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và 23 dự án cấp phép mới. So với 6 tháng cuối 2022, các con số này đạt lần lượt là 60,4%; 29,41% và 37,5%.
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, có 56 dự án với 25.368 căn đang được triển khai trên cả nước, gồm: 20.470 căn hộ du lịch, 4.616 căn biệt thự du lịch và 282 căn văn phòng kết hợp lưu trú. Số lượng dự án đang triển khai ở phân khúc này chỉ bằng 44,4% quý 4/2022 và chỉ có 1 dự án được cấp phép mới.
Tâm lý muốn giữ tiền chờ giảm giá thêm
Cũng theo Bộ Xây dựng, mặc dù giá chung cư tại các địa phương đã giảm từ 2-6%, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10%, đất nền tại các dự án giảm từ 8 -11%… so với cuối năm 2022, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch thành công vẫn giảm tới 63,87%. Tổng số có khoảng 187.000 giao dịch, tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền. Tính riêng lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ thì chỉ bằng 40,69% so với nửa cuối năm qua.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc trang Batdongsan.com.vn, phân tích: tình hình giao dịch trầm lắng do niềm tin của khách mua cũng như nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cả nguồn cung và lực cầu bất động sản vẫn đang đối diện nhiều thách thức.
Mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động…, song các chính sách này vẫn chưa thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Trong quý 2/2023, hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp 3,58% (so với 8,51% cùng kỳ 2022), lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất vay còn ở mức cao trên 13%. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp thì vẫn chưa phục hồi.
Một khảo sát được Batdongsan.com.vn tiến hành với gần 1.000 môi giới bất động sản chỉ ra rằng khó khăn lớn nhất khiến các giao dịch nhà đất không thể “chốt kèo” là do người mua có tâm lý muốn giữ tiền chờ giá bất động sản giảm thêm. Một số khác cảm thấy hoang mang, nghi ngại thị trường sẽ vẫn còn tiêu cực nên chưa dám bỏ tiền vào.
Ngoài ra, việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, áp lực lãi suất lớn và giá nhà vẫn đang quá cao so với thu nhập người mua cũng là những rào cản lớn khiến thanh khoản thị trường chưa thể tốt lên. Bên cạnh đó, lệch pha cung cầu diễn ra trong những năm qua đã khiến nhiều người mua có nhu cầu ở thực, vốn chuộng sản phẩm nhà vừa túi tiền không tìm được sản phẩm phù hợp mình mong muốn.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết thêm: tại Hà Nội, thị trường căn hộ tiếp tục mất cân đối về nguồn cung khi căn hộ trung và cao cấp đang chiếm tỷ lệ cao, trong khi tỷ lệ căn hộ vừa túi tiền ngày càng giảm và ở mức thấp trong tương quan với tổng nguồn cung được chủ đầu tư tung bán trên thị trường. Mặc dù nhu cầu thực đối với phân khúc căn hộ vẫn ở mức lớn và hầu hết hướng vào phân khúc sản phẩm vừa túi tiền, có vị trí đi lại thuận tiện, tiện ích nội khu nhưng nguồn cung sơ cấp căn hộ trên thị trường hiện nay không nhiều.
Trong khi đó, nguồn cung thứ cấp của dòng sản phẩm này thì đã có tỷ lệ dân ở ổn định cũng khá cao, khiến nguồn cung cũng hạn chế. Giá trên tất cả các phân khúc từ năm 2021 đã bị đẩy lên ở mức cao khiến người mua để ở và mua để đầu tư hết sức do dự vì quan ngại bị mua phải giá cao cũng như lợi nhuận đầu tư không có hoặc không đạt như kỳ vọng….
Tiến độ quy hoạch các phân khu đô thị chậm, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt 9 quy hoạch phân khu đô thị.
Ngày 19/7, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố, đại biểu Lê Văn Dũng đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng về tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu trên địa bàn Thành phố.
Theo ông Lê Văn Dũng, rất nhiều dự án quan trọng trên địa bàn Thành phố đang chờ phê duyệt phân khu, tuy nhiên tiến độ chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Quyền lợi của người dân vì thế bị “treo” tại các dự án.
Dẫn ví dụ về dự án Ga đường sắt, đại biểu Lê Văn Dũng cho biết, hơn 2.000 hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi dự án này.
“Theo các quy định của pháp luật, quy hoạch sử dụng đất mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì người dân không bị hạn chế quyền theo quy định, được quyền xây dựng, được quyền tách thửa. Nếu có quy hoạch sử dụng đất mà quá 3 năm không thực hiện thu hồi đất thì người dân không bị hạn chế quyền lợi. Tuy nhiên, chúng ta đã hạn chế quyền lợi của người dân trong thời gian quá lớn, người dân kêu cứu rất nhiều. Chúng ta dùng cái quyền của cơ quan nhà nước để hạn chế quyền hợp pháp của người dân. Tôi cho rằng như vậy chưa thoả đáng. Cần phải thấu hiểu khó khăn của người dân tại các dự án treo”, ông Dũng phản ánh.
Thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phân khu đô thị.
Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị, Thành phố Đà Nẵng cần đẩy nhanh các quy hoạch phân khu để tháo gỡ khó khăn tại các dự án treo nhiều năm qua.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, ông Phùng Phú Phong, Thành phố đang triển khai 9 quy hoạch phân khu đô thị. Tất cả các dự án đô thị đều nằm trong 9 phân khu chức năng này. Hiện đã hoàn thành các thủ tục, đang đến giai đoạn thẩm định và trình phê duyệt.
Theo ông Phong, Thành phố đã gần 20 năm phát triển đô thị, có những khu vực phát triển rất nóng. Vì thế kéo theo chuyện điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần, tập trung dân số tại một số khu vực, hạ tầng thiếu…
Việc thực hiện các quy hoạch phân khu gặp nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều yếu tố, đồng thời phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định, rà soát tất cả các chỉ tiêu từ dân số đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thời gian thực hiện đề án phân khu kéo dài hơn 400 ngày…
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, ông Phùng Phú Phong thông tin về các quy hoạch phân khu đô thị.
“Thành phố đang xử lý những khó khăn và vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch phân khu. Đây là giai đoạn nước rút vì vậy Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND Thành phố trong năm 2023 phê duyệt 9/9 phân khu đô thị và 6/10 phân khu chức năng”, ông Phong thông tin.
Các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gồm Đô thị sườn đồi, Đô thị huyện lỵ Hoà Vang, Cảng biển Liên Chiểu, Đổi mới sáng tạo, Công nghệ cao (không bao gồm phần diện tích để triển khai dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng). Ngoài ra còn có phân khu đô thị Trung tâm lõi xanh, Sân bay, Ven vịnh Đà Nẵng, Ven sông Hàn và bờ Đông.
Thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Lễ hội Du lịch Golf 2023 và Giải đấu BRG Open Championship Đà Nẵng 2023, mong muốn đưa du lịch golf Đà Nẵng vươn tầm quốc tế.
Ngày 18/7, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023 và Giải đấu BRG Open Championship Đà Nẵng 2023.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023 sẽ diễn ra từ 25/8 – 2/9/2023. Trong đó, tâm điểm của Lễ hội là giải BRG Open Golf Championship Danang 2023 (nằm trong hệ thống Giải Golf Phát triển châu Á – Asian Development Tour) diễn ra từ ngày 29/8 – 2/9.
Giải đầu này quy tụ 144 golfer chuyên nghiệp, gồm 120 gôn thủ quốc tế và 24 gôn thủ Việt Nam; diễn ra tại sân Nicklaus Course, thuộc sân BRG Đà Nẵng Golf Resort.
Tổng giá trị tiền thưởng của Giải BRG Open Golf Championship Danang 2023 lên đến là 100.000 USD.
hành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023 và Giải đấu BRG Open Championship Đà Nẵng 2023.
Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023 đưa vào các hoạt động mới: gồm triển lãm gian hàng và check-in golf, trải nghiệm tập đánh thử golf, trình diễn thời trang và ẩm thực…
Ngoài ra, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023 còn có các hoạt động nổi bật như Giải giao lưu cùng các golfer quốc tế, trải nghiệm du lịch Đà Nẵng dành cho các gôn thủ quốc tế, Hội thảo quốc tế về golf.
“Việc đăng cai các sự kiện golf quốc tế nhằm tạo dấu ấn khác biệt đưa du lịch golf Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch MICE, khẳng định định hướng của thành phố trong việc đa dạng hóa các lễ hội sự kiện, xứng danh là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Ken Kudo, Giám đốc Ban Đối tác của Asian Tour, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong kế hoạch các giải đấu golf do Asian Tour tổ chức. Đầu năm 2023, Asian Tour đã tổ chức giải đấu The International Series Vietnam tại Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch golf.
Giải đấu BRG Open Golf Championship Đà Nẵng là một dự án dài hạn mà Asian Development Tour phối hợp cùng Đà Nẵng để tổ chức, qua đó sẽ tạo nên một giải giải đấu mới bùng nổ, đến từ 144 golfer chuyên nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.
Ông Mark Reeves, Giám đốc Khối của Tập đoàn BRG, cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp là nhà tài trợ danh xưng của giải đấu BRG Open Golf Championship Danang, Tập đoàn tin tưởng đây tiếp tục là một giải đấu thành công, mang đến những trải nghiệm khó quên cho các golfer cũng như du khách, thúc đẩy du lịch golf phát triển mạnh mẽ hơn nữa không chỉ tại thành phố Đà Nẵng mà còn trên khắp đất nước Việt Nam.
Mặc dù đang phải đương đầu với nhiều thách thức nhưng 6 tháng năm 2023, kinh tế của Đà Nẵng vẫn giữ được ổn định và tiếp tục đà phát triển.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành tăng mạnh
Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa X diễn ra sáng 17/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, TP tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng nền kinh tế – xã hội của địa phương vẫn giữ được ổn định và tiếp tục đà phát triển, đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, vượt quy mô của 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) hơn 13.000 tỷ đồng theo giá hiện hành và hơn 4.000 tỷ đồng theo giá so sánh 2010, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2019.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh.
Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP với nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội đặc sắc, sản phẩm du lịch liên tục được tổ chức, đặc biệt Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2023, Chương trình “Tận hưởng Đà Nẵng 2023”, góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với TP.
“Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tăng 32,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 3,5 triệu lượt, đạt 83% kế hoạch năm 2023 và gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2022, tăng 4,4% so với 6 tháng 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành ước đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ 2022 và tăng 12,2% so với 6 tháng 2019” – ông Hồ Kỳ Minh thông tin.
Cùng với đó, giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi (chiếm 11% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 12,3%. Doanh thu vận tải, kho bãi, bưu chính chuyển phát ước đạt 16.613 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2022 và tăng 72,2% so với 6 tháng 2019. Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông 6 tháng ước đạt 7.737 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2022 và tăng 19,7% so với 6 tháng 2019.
Giá trị tăng thêm ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (chiếm 5,8% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 7% so với cùng kỳ 2022 và tăng 32,6% so với 6 tháng 2019.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực TP Hồ Kỳ Minh, tính đến ngày 30/6/2023, Đà Nẵng đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.881,636 tỷ đồng; thu hút 27,341 triệu USD vốn đầu tư FDI. Trong đó cấp mới 67 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 2.228 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký 9.446,12 tỷ đồng.
Về lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, ông Minh cho biết TP đã có báo cáo về tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định của thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia, nhà khoa học đối với Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình HĐND TP thông qua, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay đã hoàn chỉnh hồ sơ, UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2023.
Vẫn đối mặt nhiều thách thực
Bên cạnh kết quả, Phó Chủ tịch Thường trực TP Hồ Kỳ Minh cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế và thách thức mà nền kinh tế địa phương vẫn đang phải đối mặt. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, chỉ tăng 1,5% so với 6 tháng 2022. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 6 tháng ước giảm 1,9% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng (chiếm 4,8% trong cơ cấu GRDP) ước giảm 13%, làm giảm 0,72 điểm % trong tổng tăng trưởng GRDP. Tổng vốn đầu tư thực hiện 6 tháng 2023 ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ 2022.
Nguyên nhân chủ yếu tác động đến sự tăng trưởng/sụt giảm của ngành công nghiệp – xây dựng ngoài ảnh hưởng từ tình hình khó khăn, nhiều biến động của nền kinh tế thế giới thì còn phải kể đến thị trường trong nước sức mua không lớn, phục hồi chậm, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng cần có thời gian để phát huy hiệu quả; còn chậm các thành phần hồ sơ liên quan để đảm bảo thủ tục cấp phép xây dựng như hồ sơ thẩm duyệt PCCC, hồ sơ về môi trường do quy định mới; công tác lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn chậm…
Dù đối mặt nhiều thách thức nhưng kinh tế Đà Nẵng vẫn giữ ổn định và tiếp tục đà phát triển.
Lĩnh vực dịch vụ, hoạt động bán buôn hàng hóa tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa không thuận lợi và chưa được cải thiện, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới, nhất là các thị trường lớn giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi.
Nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài thấp hơn năm 2022 do các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… càng khiến dòng đầu tư thêm chững lại.
“Bên cạnh đó, nguồn quỹ đất của TP khá hạn chế, chủ yếu thu hút vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, tuy nhiên chưa có nhiều giải pháp tích cực để thu hút nhà đầu tư vào khu vực này. Quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế. Quỹ đất sạch nằm ngoài các khu công nghiệp hầu hết là diện tích nhỏ nên khó kêu gọi thu hút các nhà đầu tư FDI lớn. Một số dự án đã có quỹ đất, có nhà đầu tư quan tâm nhưng quá trình thực hiện các thủ tục hồ sơ để tổ chức đấu giá dự án theo quy định pháp luật khá dài” – ông Minh cho hay.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Minh cho biết, Đà Nẵng tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng tốt nhằm bù đắp cho các ngành, lĩnh vực đang có xu hướng giảm sâu bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Đồng thời tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có tiềm năng, đóng góp lớn để có giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế TP.
Đặc biệt, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… Hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7/2023…
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất.
Phối cảnh Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới
BND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn số 1329/UBND – TH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến đề xuất thực hiện Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Đồng Hới của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những cảng hàng không quan trọng tại khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa đến với tỉnh Quảng Bình, khu vực phía Nam Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, công suất thiết kế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội của cả khu vực.
Theo ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV đã lập kế hoạch, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm nguồn vốn đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới công suất 3 triệu hành khách/năm.
Hiện nay, ACV nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình theo quy định của Luật Đầu tư.
Dự án này có diện tích đất dự kiến sử dụng 15,016 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.844 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ 100% vốn góp của ACV. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý I/2026, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Để triển khai đồng bộ các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhằm đẩy nhanh thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải trong đó có quy hoạch cảng hàng không, sân bay; sự phù hợp của kế hoạch đầu tư, phương án đầu tư, quy mô đầu tư dự án, tổng vốn đầu tư, diện tích sử dụng đất; các yêu cầu đối với kinh doanh nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về sự phù hợp của phương án đầu tư dự án của nhà đầu tư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; các yêu cầu đối với dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các pháp luật khác có liên quan và các nội dung khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến về tính khả thi của nguồn vốn thực hiện dự án (ACV đề xuất sử dụng 100% vốn góp của ACV); sự phù hợp của tiến độ góp vốn, huy động các nguồn vốn với tiến độ thực hiện dự án; và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị này sẽ khởi công Nhà ga hàng khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026.
ACV cũng muốn Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương cho phép ACV triển khai thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga song song với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, đơn vị đang vận hành khai thác Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 10,6 ha đất quốc phòng; sớm hoàn thiện thủ tục thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng để có thể giao mặt bằng phục vụ thi công nhà ga T2 và sân đỗ trước quý II/2024.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống và chú trọng xử lý nợ xấu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 – 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 – 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
NHNN tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên những khoản không cần thiết. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây. Từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống TCTD sẽ phải tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi nửa đầu năm để đạt được mục tiêu 14% cả năm.
Theo cập nhật mới đây của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Như vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu tăng mạnh hơn trong thời gian gần đây.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Còn trước đó, tăng trưởng tín dụng đến 15/6 mới chỉ đạt 3,36%.
Với mức tăng trưởng tín dụng 4,73% trong nửa đầu năm, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế khoảng 560 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống. Cụ thể, ngày 10/7/2023 NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Trước đó, hồi tháng 2, NHNN đã giao room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước với mức tổng 11%, với định hướng cả năm tăng 14-15%.
Ước tính, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Song song với việc nới room, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiêm túc tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Các ngân hàng tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống tổ chức tín dụng cần tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng…
NHNN cũng khẳng định thời gian tới tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời theo dõi, rà soát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống những tháng cuối năm để có giải pháp điều hành phù hợp.