Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất đầu tư hơn 1.750 tỷ đồng xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới với mục tiêu nâng công suất sân bay này lên 3 triệu hành khách/năm.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình.
Theo đó, nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới sẽ được thiết kế với công suất 3 triệu hành khách/năm (tương ứng với 1.200 hành khách/giờ cao điểm) và định hướng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu từ sau năm 2030.
Nhà ga hành khách này được thiết kế với quy mô 2 tầng nổi kết hợp tầng lửng với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ga là hơn 17.500 m2. Nhà ga sẽ có 24 quầy làm thủ tục, ký gửi hành lý truyền thống, 2 băng chuyền bốc dỡ hành lý đi và 3 băng chuyền trả hành lý đến.
Cùng với đó, ACV đề xuất xây dựng các hạng mục phụ trợ đồng bộ gồm hệ thống điện nước; cứu hoả; xử lý nước thải, tập kết chất thải rắn; nhà để xe máy, ô tô; căn tin; trạm thu phí; hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe; đường trục tiếp cận vào nhà ga…
ACV tính toán, việc xây dựng nhà ga T2, Cảng Hàng không Đồng Hới có tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 45 tỷ đồng; chi phí xây dựng 1.073 tỷ đồng; chi phí thiết bị 387 tỷ đồng…
Theo ACV, đây là công trình giao thông cấp I thuộc dự án nhóm B có thời hạn sử dụng theo thiết kế 100 năm. Nếu được phê duyệt, công trình dự kiến khởi công vào quý 3 năm nay, hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2026.
Nhà ga hành khách Cảng Hàng không Đồng Hới hiện có công suất thiết kế khoảng 500.000 hành khách/năm. Năm ngoái, sản lượng hành khách thông qua cảng đạt khoảng trên 750.000 hành khách.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 3 ngày từ 11-13/7, thành phố ghi nhận 455 chuyến bay đến địa phương. Đặc biệt, ngay trước đêm chung kết Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2024 có tới 162 chuyến bay hạ cánh, tăng hơn 40% so với ngày trong tuần.
Lễ hội Pháo hoa đã trở thành “đặc sản”, góp phần thu hút du khách đến với Đà Nẵng.
Chỉ trong đêm chung kết (13/7), các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng đã phục vụ ước khoảng 90.017 lượt khách, trong đó có khoảng 30.970 lượt khách quốc tế. Công suất buồng phòng toàn thành phố gần như đạt mức tối đa, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 95%. Công suất các tàu du lịch đạt 100% – tỷ lệ tuyệt đối.
Có thể thấy, DIFF 2024 đã trở thành sự kiện tâm điểm làm nên một mùa hè bùng nổ tại Đà Nẵng, giúp thành phố sông Hàn giữ vững ngôi vương của một điểm du lịch hàng đầu cả nước. Đây cũng là sự kiện cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân cùng sự quyết liệt của thành phố Đà Nẵng trong việc tổ chức một lễ hội quy mô và chất lượng đẳng cấp quốc tế, khẳng định thương hiệu điểm đến lễ hội hàng đầu châu Á.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, được tổ chức từ năm 2008 đến nay, Lễ hội Pháo hoa đã trở thành một sự kiện mang thương hiệu riêng, hấp dẫn của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố cũng luôn làm mới mình bằng các sản phẩm văn hóa, du lịch mới mẻ, hấp dẫn để mỗi du khách khi đến đây sẽ cảm nhận được không khí lễ hội, sự kiện luôn tràn ngập tại thành phố biển xinh đẹp, năng động này.
Khán giả thưởng thức pháo hoa tại DIFF 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung: “Khi chứng kiến niềm vui của người dân Đà Nẵng cũng như du khách đến với Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chúng tôi thấy vô cùng tự hào. Chi phí hàng trăm tỷ đồng chúng tôi đầu tư cho lễ hội là hoàn toàn xứng đáng để thấy mình là một doanh nghiệp có trách nhiệm với địa phương, và có giá trị khi đóng góp một phần nhỏ bé cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung”.
Mất đến cả một năm để chuẩn bị kịch bản và triển khai, cùng hơn 2.000 nhân lực của thành phố Đà Nẵng, trong đó có gần 400 nhân sự từ Tập đoàn Sun Group đã được huy động, DIFF 2024 đã thành công rực rỡ và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Theo Savills, kể từ năm 2020, giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.
Theo báo cáo quý II/2024 của Savills, về phân khúc căn hộ Hà Nội, nguồn cung mới ghi nhận 2.697 căn từ 7 dự án, giảm 34% theo quý và 25% theo năm. Nguồn cung sơ cấp với 10.317 căn giảm 20% theo quý và 49% theo năm.
Trong quý vừa qua, số lượng căn bán được đạt 5.085 căn, giảm 4% theo quý nhưng tăng 104% theo năm. Trong đó, hạng B chiếm 96% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 59%. Giá sơ cấp đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Theo Savills, kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.
Tại thị trường thứ cấp, với nguồn cung sơ cấp giảm tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng. Các sản phẩm thứ cấp phần lớn đã sẵn sàng để ở, có đầy đủ pháp lý và giá cả phải chăng hơn.
Về phân khúc bình dân, theo Savills, trong quý II/2024 thị trường Hà Nội không có nguồn cung mới nào dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C đã giảm 45% mỗi năm. Hạng C sẽ đóng góp 25% nguồn cung tương lai.
“Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu bất động sản trước mắt và nền tảng tăng trưởng lâu dài. Các dự án trọng điểm có thể mở ra các lựa chọn nhà ở giá phải chăng tại khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ Phận Nghiên Cứu và Tư Vấn – Savills Hà Nội chia sẻ.
Về triển vọng, bà Hằng cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, 8 đợt mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp 13.460 căn hộ hạng B và sẽ không có nguồn cung hạng A và hạng C mới. Trong đó, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm sẽ cung cấp 93% thị phần. Từ năm 2025 trở đi, gần 100.000 căn từ 105 dự án sẽ được đưa ra thị trường.
Thời gian qua, thị trường chung cư tại Hà Nội đã chứng kiến làn sóng tăng giá mạnh mẽ. Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá mua, bán và cho thuê căn hộ không ngừng tăng trong thời gian qua cũng đã phá bỏ định kiến đầu tư căn hộ là “tiêu sản”.
“Nếu như trước đây, đa phần người dân cho rằng căn hộ là loại hình mua bán không sinh lời, chỉ có lỗ, còn lựa chọn đầu tư nhà đất thổ cư, có mảnh đất cắm dùi mới là phương án tối ưu bởi dễ thanh khoản và khả năng sinh lời cao. Hiện nay, việc đầu tư căn hộ rồi cho thuê lại đã trở thành xu hướng phổ biến tại các thành phố lớn khi vừa thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê hàng tháng – cao hơn gửi tiết kiệm, vừa được hưởng lợi từ khả năng tăng giá”, TS Nguyễn Văn Đính nói.
Việc chung cư tăng giá mạnh trong những năm gần đây đã khiến nhà đầu tư thắng lớn so với lãi suất gửi ngân hàng. Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, địa ốc chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm. Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.
Như vậy, lợi nhuận từ việc đầu tư bất động sản nói chung hay chung cư nói riêng có thể giúp nhà đầu tư có lợi nhuận gấp 2,3 lần so với gửi ngân hàng và gấp gần 2 lần so với đầu tư vàng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, trên thị trường bất động sản (BĐS) có khoảng hơn 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023.
Điều đáng chú ý, mặc dù số lượng giao dịch sản phẩm trên thị trường tăng, nhưng nguồn cung sản phẩm chào bán ra thị trường còn hạn chế. Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng qua, nguồn cung nhà ở thương mại có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai.
Về giá giao dịch, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Ngoài ra, giá bán tăng ở các phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền giá giao dịch cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do giá bán căn hộ chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng tăng mạnh.
Điểm nổi bật trên thị trường BĐS thời gian qua có thể thấy, dù giá tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng giao dịch thành công vẫn tăng cao.
Cụ thể, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 6 tháng qua, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của BĐS tăng 24% so với đầu năm 2023.
Sôi động nhất trên thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm là chung cư Hà Nội. Nhu cầu tìm mua chung cư ở Thủ đô đạt đỉnh vào tháng 3/2024, tăng gần 60% so với cuối 2023. Chung cư hiện vẫn là loại hình có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Trên các nền tảng trực tuyến đặt phòng, nhiều khách sạn thông báo hết phòng dịp chung kết Lễ hội pháo hoa Quốc tế 2024.
Sự kiện Lễ hội pháo hoa Quốc tế 2024 diễn ra trong 2 tháng 6 và 7 là điểm nhấn nổi bật của du lịch hè Đà Nẵng. Các đội thi đã mang đến những màn trình diễn ấn tượng, mãn nhãn đối với khán giả. Sau những đêm thi ngoạn mục, Phần Lan và Trung Quốc là hai đội sẽ tranh hùng trong đêm chung kết Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 diễn ra vào tối 13/7.
So với những đêm thi trước, đêm chung kết quan trọng và hấp dẫn nhất nên lượng du khách đến với Đà Nẵng thời điểm này cũng có phần tăng vọt. Chính vì thế, phòng khách sạn ở Đà Nẵng rơi vào tình trạng “cháy phòng”.
Những khách sạn có vị trí đắc địa như trung tâm thành phố, quanh sông Hàn… dễ dàng ngắm trọn vẹn những màn trình diễn pháo hoa, khách đã đặt phòng cho đêm chung kết trước cả tháng. Với những khách sạn ở khu vực gần biển như Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn… cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Trên các nền tảng trực tuyến đặt phòng, phần lớn khách sạn tầm trung 3-4 sao, mức giá dưới 2 triệu đồng/đêm đều thông báo hết phòng. Đặc biệt, nhiều khách sạn khu vực gần biển Mỹ Khê cho biết dịp chung kết Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024, lượng khách đông nên hết phòng sớm, đối với khách đặt phòng đều được yêu cầu đặt cọc ít nhất 50% tổng hóa đơn để chắc chắn giữ phòng.
Hiện nay, trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến hầu hết chỉ còn lại các phòng với mức giá cao, từ hơn 2 triệu đồng/đêm trở lên.
Không chỉ riêng khách sạn tầm trung, những khách sạn, resort 4-5 sao cũng nhanh chóng thông báo hết phòng. Khách sạn Marriott đã thông báo hết tất cả các phòng trong hai ngày 13-14/7, New Orient Đà Nẵng,Olalani Resort and Condotel… là những cơ sở lưu trú đạt 4,5-5 sao cũng đưa ra thông báo tương tự cùng dòng chữ: “Ngày quý khách chọn là ngày phổ biến đối với du khách”.
Có dịp đến Đà Nẵng du lịch vào ngày 13-14/7, chị Đ.H chia sẻ: “Gia đình mình có 2 người lớn, 1 trẻ em có kế hoạch đi Đà Nẵng du lịch và xem chung kết pháo hoa. Khi chọn ngày này, mọi người đều khuyên rằng dịp chung kết pháo hoa giá vé máy bay và giá phòng sẽ cao hơn ngày thường. Mình có được nhắc nên đặt phòng từ sớm nhưng hơi chủ quan, nghĩ rằng Đà Nẵng là thành phố du lịch nên phòng nghỉ luôn sẵn, nhiều.
Trước khi bay 10 ngày, mình đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến nhưng khách sạn 3, 4 sao báo hết phòng sớm. Mình gọi điện đến khách sạn đều được báo do lượng khách dịp 13-14/7 đông nên hết phòng giá rẻ. Mình chuyển sang tìm phòng ở các homestay không có tầm nhìn đẹp cũng được báo chỉ còn phòng đơn. Gần cả ngày mình mới tìm được một khách sạn có giá cả phải chăng, không quá cao”.
Không chỉ “cháy phòng”, mức giá trong các đêm trình diễn bắn pháo hoa cũng như đêm chung kết có biến động, tăng nhẹ từ 10-15% so với ngày thường.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tổng lượng khách trong 3 đêm đầu của Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024 đạt 198.257 lượt, tăng 11,7% so với DIFF 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 80.442 lượt (tăng 29,6%), khách nội địa là 117.815 lượt (tăng 2,1%). Công suất buồng phòng toàn thành phố đạt 70-75%.
Cục Thống kê TP Đà Nẵng ước tính khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,1 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 12.932 tỷ đồng.
Sở hữu căn hộ ở đẳng cấp, siêu sang không chỉ là sự lựa chọn khôn khéo mà còn thể hiện đẳng cấp, định vị giá trị của giới thượng lưu. Với bộ sưu tập căn hộ đẳng cấp, sở hữu lâu dài bên biển, Regal Residence Luxury kiến tạo biểu tượng tinh hoa giữa dòng chảy toàn cầu.
Giới thượng lưu chọn không gian sống như thế nào?
Với phong cách sống riêng biệt, đề cao sự trải nghiệm, các tỷ phú trên thế giới thường có xu hướng chọn các không gian xa hoa gần biển, cạnh sông hoặc thậm chí trên các hòn đảo để tận hưởng chất sống riêng.
Có thể thấy điển hình như Mark Zuckerberg từng đầu tư điền trang rộng 283 ha trên hòn đảo Kauai (quần đảo Hawaii) với giá 100 triệu USD; Tỷ phú Richard Branson từng mua hòn đảo Necker (Anh) với giá 180.000 USD và biến nó thành khu nghỉ dưỡng của gia đình; Nữ ca sĩ Celine Dion chi 7 triệu USD để mua một biệt thự trên đảo Jupiter (Mỹ)…
Bên cạnh các tiêu chuẩn khắt khe về cảnh quan, môi trường sinh thái, giới nhà giàu còn quan tâm đến hệ tiện ích đẳng cấp và một cộng đồng dân cư văn minh. Chính vì có chung tiêu chuẩn khắt khe trong việc chọn nơi ở nên giới nhà giàu thường hội tụ thành một cộng đồng. Cộng đồng này thường lựa chọn những khu đô thị sang trọng, nhiều không gian xanh, cạnh biển, nhiều tiện ích cao cấp tựa các khu nghỉ dưỡng hay khu phức hợp đa chức năng cho công việc và sống.
Những căn hộ sở hữu sổ hồng lâu dài mang đậm dấu ấn cá nhân dần trở thành thước đo phong cách sống, gu hưởng thụ của tầng lớp thượng lưu toàn cầu.
Trước tiêu chuẩn lựa chọn nơi an cư của nhóm người tinh hoa ngày một khắt khe, chủ đầu tư Regal Group không ngừng ra mắt các tác phẩm nhà ở đẳng cấp, khác biệt. Những thiết kế “phiên bản giới hạn” cạnh biển lần lượt ra đời để kiến tạo cộng đồng dành riêng cho giới thượng lưu.
Nổi trội và tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây phải kể đến Regal Residence Luxury được Regal Group định hướng trở thành biểu tượng sống đẳng cấp quốc tế hàng đầu Việt Nam. Tòa tháp 40 tầng cao bậc nhất ven biển Việt Nam, hội tụ tinh hoa của miền đất di sản, thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc…hứa hẹn sẽ mang lại nét riêng độc đáo, đẳng cấp cho cư dân toàn cầu.
53 căn hộ Regal Residence Luxury trong giai đoạn 1 không thuộc về số đông
Vừa đáp ứng hoàn hảo tiêu chí của một căn Penthouse tại trung tâm thành phố và căn hộ xa hoa ven biển, Regal Residence Luxury mang đến không gian sống đẳng cấp, đậm hơi thở của thiên nhiên qua đó góp phần bồi đắp sức khỏe, tái tạo năng lượng cho gia chủ.
Tọa lạc ở vị trí đắc địa trong dự án Regal Legend, 53 căn hộ độc bản với tầm nhìn “tỷ đô” từ ban công, phòng khách, phòng bếp đều hướng biển, hướng sông, hồ. Đây là đặc quyền kỳ diệu dành cho cư dân mỗi ngày.
Đặc biệt, 53 căn hộ siêu phẩm của Regal Residence Luxury còn đem tới ấn tượng thị giác với thiết kế hướng tới sự hiện đại, đậm dấu ấn nghệ thuật viễn tưởng. Sở hữu vị trí đắc địa trong tòa tháp, các căn hộ đều có view ngắm trọn biển Bảo Ninh, sông Nhật Lệ và trung tâm siêu đô thị Regal Legend (dự án Khu đô thị Bảo Ninh 1) nhộn nhịp. Không gian bên trong được bố trí giúp chủ nhân có thể tùy ý thiết kế theo gu thẩm mỹ và sở thích riêng, đảm bảo tối ưu và cá nhân hóa phong cách kinh doanh cũng như cuộc sống sinh hoạt của chủ nhân.
Regal Residence Luxury với sự quy tụ hàng loạt tên tuổi các nhà kiến trúc hàng đầu thế giới như Studi8 (Australia), đơn vị thiết kế chiếu sáng ASA, các hãng vật liệu cao cấp như Aica, Occhio, hãng nội thất BB Italia…trong đó, 53 căn độc bản với ý tưởng tinh tế và lối đi khác biệt trong thiết kế sẽ tạo nên những căn hộ nguy nga, tráng lệ trên bán đảo tỷ phú Bảo Ninh.
Các vật liệu trong các không gian công cộng, không gian căn nhà được chọn lọc kỹ lưỡng, nhập khẩu nguyên phiến từ châu Âu, châu Mỹ, nội thất xa xỉ, ứng dụng công nghệ thông minh… để cuộc sống cư dân chạm đến sự hoàn mỹ.
Ngày 12/7 sắp tới, chủ đầu tư Regal Group sẽ tổ chức lễ khởi động kinh doanh tòa tháp Regal Residence Luxury trong đó 53 căn hộ đắc địa tại tòa tháp được giới nhà giàu săn đón, đặt nguyện vọng giữ chỗ từ sớm. Đợt này, Regal Group chỉ nhận booking 53 căn giới hạn trong bộ sưu tập Regal Luxury Collection cho khách hàng đăng ký nguyện vọng. Với mức giá khởi điểm hấp dẫn cùng hàng nghìn ưu đãi được chủ đầu tư ưu ái dành cho những vị khách đã đăng ký mua thành công một căn hộ.
Với phương châm “nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là tác phẩm nghệ thuật” Regal Group luôn chọn xây dựng giá trị, tạo niềm kiêu hãnh cho gia chủ. Chính nhờ vậy, bao năm qua các sản phẩm nhà ở thuộc thương hiệu Regal Homes luôn trở thành tâm điểm được săn đón ở phân khúc cao cấp.
Khác với những căn hộ thông thường, những căn hộ độc bản của Regal Residence Luxury sẽ được đồng bộ như một resort hạng sang với hệ sinh thái 6 sao.
Các căn độc bản khẳng định phong cách sống đỉnh cao với các đặc quyền cá nhân hoá từ vị trí đắc địa, tầm nhìn đắt giá đến không gian sống riêng tư nhưng vẫn đảm bảo mọi nhu cầu. Với số lượng giới hạn, những căn nhà độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn cá nhân này không thuộc về số đông mà hướng đến những chủ nhân tinh tế nhất.
Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết.
Với 452/459 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị quyết này dành một điều riêng (điều 13) quy định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo đó, Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Về thẩm quyền, Nghị quyết quy định Thủ tướng quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng bảo đảm đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng;
Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện như trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan và quyết định theo thẩm quyền.
Với chính sách về đất đai, Quốc hội cho phép trong trường hợp vị trí đề xuất Khu thương mại tự do Đà Nẵng chưa được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố hoặc có sự điều chỉnh về quy mô, địa điểm đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân Thành phố tổng hợp, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua.
Nghị quyết cũng quy định chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Như, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa bàn Thành phố khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế, tài chính và pháp luật có liên quan, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Quốc hội cũng cho phép căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách Thành phố, sự phù hợp với quy hoạch có liên quan, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu thương mại tự do Đà Nẵng để thúc đẩy việc hình thành và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Nghị quyết quy định, quản lý nhà nước về thị thực, xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú, lưu trú của người nước ngoài, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với khu công nghiệp.
Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan chưa được quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với khu kinh tế.
Báo cáo trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phản ánh, một số ý kiến cho rằng, khu thương mại tự do chưa chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế. Có ý kiến đề nghị mở rộng chính sách thành “thí điểm thành lập khu thương mại tài chính tự do Đà Nẵng”; thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng theo tinh thần Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam và đây cũng là Nghị quyết mang tính chất thí điểm, các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy, cần hết sức thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao. Các chính sách cần mang tính khả thi, cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của Đà Nẵng.
“Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi chính sách như dự thảo Nghị quyết”, ông Mạnh cho hay.
Sở hữu bãi tắm đẹp hàng đầu Việt Nam cùng những dịch vụ du lịch ngày càng hiện đại phong phú đã giúp Đồng Hới trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch miền Bắc trong mùa hè này.
Xu hướng du lịch biển, di chuyển bằng đường bộ “lên ngôi”
Với tâm lý, vừa có thể đi du lịch vừa có nhiều thời gian nghỉ dưỡng, trải nghiệm nên những điểm du lịch có biển, khoảng cách gần luôn là sự ưu tiên hàng đầu của du khách trong mùa hè.
Theo anh Nguyễn Đình Dũng (khách du lịch Hà Tĩnh) vào những mùa cao điểm du lịch, giá vé máy bay khá cao do đó gia đình anh thường chọn du lịch gần bằng ô tô. Nếu di chuyển đến các điểm xa như Phú Quốc, Nha Trang sẽ tốn nhiều thời gian thay vào đó gia đình anh sẽ chọn đến các bãi biển đẹp, di chuyển gần như Đà Nẵng, Quảng Bình.
“Quảng Bình không chỉ có bãi tắm đẹp, nước biển trong xanh, hệ thống hang động kỳ vĩ, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật sôi động, giao thông đi lại dễ dàng nên gia đình tôi chọn Quảng Bình để có nhiều lựa chọn trải nghiệm”- Anh Dũng chia sẻ.
Trong dịp lễ 30/4 vừa qua, Quảng Bình ghi nhận hơn 318.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch nội địa hơn 300.000 lượt, chủ yếu là khách trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội…
Thêm một điểm nhấn cho Quảng Bình hiện nay là siêu đô thị regallegend ngay trung tâm thành phố biển Đồng Hới. Với dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng 5 sao, các tuyến phố đêm gói gọn hàng trăm tiện ích để du khách không cần di chuyển nhiều nơi trong tiết trời mùa hè oi bức.
Regal Legend – Điểm ăn, chơi, lưu trú hoàn hảo tại Đồng Hới
Trước đây, vào những dịp lễ lớn hay mùa cao điểm du lịch, nếu không đặt phòng từ trước, khách đến Quảng Bình “đỏ mắt” vẫn tìm không ra phòng tốt dù sẵn sàng chi một số tiền lớn.
Với số lượng khách du lịch đến “Vương quốc hang động” ngày một đông tuy nhiên hiện nay toàn tỉnh chỉ có 532 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8475 phòng, 4 nhà hàng và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trước thực trạng khan hiếm phòng chất lượng cao, các căn hộ đẳng cấp, Quảng Bình đang khuyến khích các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, lưu trú, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển, các dịch vụ giải trí ban đêm, các hoạt động sự kiện văn hóa thể thao và du lịch chất lượng cao để phục vụ khách du lịch.
Với định hướng trở thành điểm đến toàn cầu mới, thu hút hàng triệu khách du lịch đến Quảng Bình, Regal Group đã và đang đầu tư hàng loạt tiện ích đẳng cấp từ ẩm thực, vui chơi, giải trí, đến mua sắm, lưu trú tại Regal Legend.
Nhờ vậy mà dịp 30/4 vừa qua Regal Legend (dự án Khu đô thị Bảo Ninh 1) đã đón hơn 100.000 lượt khách, chiếm 30% số lượng khách du lịch đến Quảng Bình. Hiện, dù chưa đến cao điểm mùa du lịch nhưng lượng khách đến với khu đô thị Regal Legend đã tăng mạnh, trung bình mỗi ngày nơi đây đón từ 3000 – 5000 lượt khách.
Theo ông Lê Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc tập đoàn Regal Group, Regal Legend hút khách du lịch nhờ phía trước là bãi tắm Bảo Ninh xinh đẹp, nơi lý tưởng để tắm biển, trải nghiệm các hoạt động thể thao. Còn ban đêm, các tuyến phố đêm với hàng trăm tiện ích sẽ là nơi hoàn hảo để dạo mát, vui chơi và thưởng thức nghệ thuật. Đặc biệt, khách du lịch sẽ không lo thiếu phòng cao cấp để lưu trú dài ngày.
“Với số lượng khách du lịch đến Quảng Bình ngày một đông, thời gian tới Regal Legend tiếp tục cho ra mắt hàng loạt chuỗi tiện ích như nhà hàng Hàn Quốc, Singapore, hàng trăm kiot ẩm thực, chuỗi villa cho thuê hạng sang, căn hộ cao cấp”- ông Tuấn thông tin thêm.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Regal Residence Luxury – căn hộ bên biển, sóng reo bên thềm sắp tới sẽ giải quyết được bài toán thiếu hụt những điểm lưu trú chất lượng cao cho khách du lịch. Đây hứa hẹn sẽ đóng góp vào bộ sưu tập những điểm lưu trú chuẩn quốc tế cho khách du lịch cũng như các nhà đầu tư, giới nhà giàu muốn sở hữu căn hộ ở cạnh biển.
Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024 diễn ra từ ngày 17-21/7 với hơn 14 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, độc đáo, hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm khó quên cho du khách và người dân địa phương.
Chiều ngày 3/6, Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức buổi họp báo công bố chuỗi chương trình Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024 (Enjoy Danang 2024); chương trình khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2024) và giới thiệu sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách.
ễ hội Tận hưởng Đà Nẵng là sự kiện thường niên với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc nhằm thu hút, phục vụ người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm, ẩm thực và vui chơi giải trí trong mùa du lịch hè. Năm 2024, Lễ hội diễn ra từ ngày 17-21/7 với 14 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Khai mạc Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024 (17/7) tại công viên Biển Đông; Lễ hội Ẩm thực Hương vị Việt Nam – Quốc tế (17-21/7) với hơn 50 gian hàng ẩm thực địa phương, vùng miền và quốc tế; Chương trình trình diễn diều nghệ thuật (17-19/7) với hơn 50 con diều khí động học kích thước lớn, hình dáng độc đáo về sinh vật biển tung bay trên bầu trời mang đến không gian đầy màu sắc trên bãi biển Đà Nẵng.
Cùng với đó là Lễ hội trên cát (17-21/7); Trình diễn thuyền buồm trên sông Hàn (20/7) – đây là một trong những hoạt động mới lạ của Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024 với sự xuất hiện của hơn 15 chiếc thuyền buồm cùng diễu hành dọc sông Hàn, vẽ nên bức tranh tuyệt vời của thành phố…; Không gian trải nghiệm dành cho trẻ em (17-21/7);…
Đặc biệt là sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF 2024) với chủ đề “Made in Unity – Kết nối toàn cầu – Rạng rỡ năm châu” diễn ra từ ngày 8/6-13/7. Đêm khai mạc DIFF 2024 sẽ diễn ra vào tối ngày 8/6 với chủ đề “Tinh hoa văn hóa” sẽ là cuộc so tài giữa đội đương kim vô địch DIFF 2023 – ArtEventia đến từ Pháp và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Đây sẽ là sự kiện đặc sắc tạo nên không khí rộn ràng, sôi động, góp phần tạo nên cú hích cho du lịch thành phố tiếp tục mở rộng, kết nối toàn cầu. Điểm nhấn chưa từng có trong các mùa DIFF trước đây là trong đêm khai mạc sẽ diễn ra show trình diễn nghệ thuật thể thao Jetski và Flyboards. Đây là sự kết hợp điêu luyện giữa các vũ điệu trên mặt nước, trên không trung cùng biểu diễn thể thao mạo hiểm và bắn pháo hoa. Show diễn được thực hiện bởi các vận động viên Jetski và Flyboards Top 1 thế giới nổi tiếng với các kỹ năng nhào lộn trên không trung.
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2024, khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 3,78 triệu lượt, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 45% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt hơn 2,28 triệu lượt, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần định vị “Đà Nẵng – Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”, Thành phố tiếp tục tổ chức các sự kiện có quy mô quốc tế như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Liên hoan phim châu Á; Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024; Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản; Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc;…
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cam kết, Thành phố luôn hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các sự kiện, lễ hội, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Du lịch phối hợp với các Sở, ban, ngành, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan triển khai tốt công tác chuẩn bị và tổ chức để Lễ hội được diễn ra thành công và an toàn.
Theo đề án được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ có 38 dự án du thuyền với tổng mức đầu tư khoảng 7.260 tỷ đồng.
Hơn 7.200 tỷ đồng phát triển du lịch du thuyền
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường vừa phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn” nhằm góp phần tạo động lực phát triển mới cho TP, đặc biệt phát triển du lịch vốn là lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của TP.
Giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ có khoảng 38 dự án du thuyền được ưu tiên đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.260 tỷ đồng, gồm 5 bến du thuyền quốc tế và 33 bến du thuyền thông thường.
Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền sẽ tạo ra khoảng 8.800 việc làm mới ở giai đoạn đến năm 2025; 35.00 việc làm ở giai đoạn 2025-2030 và 57.000 việc làm cho giai đoạn sau 2030.
Các dự án du thuyền đáng chú ý gồm: Bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn ở phía đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) với diện tích 1ha; Bến du thuyền quốc tế tại Khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu) với diện tích 3ha (giai đoạn 1); Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước (quận Sơn Trà); Bến du thuyền khu vực cảng biển Tiên Sa (quận Sơn Trà); Bến du thuyền DHC Marina (quận Sơn Trà); Bến du thuyền Euro Village (quận Sơn Trà); Bến du thuyền Bạch Đằng ở gần cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận Hải Châu); Bến du thuyền ở khu vực chân cầu Rồng (quận Hải Châu); Bến du thuyền tại Khu du lịch Làng Vân (quận Liên Chiểu); Bến du thuyền tại Khu nghỉ dưỡng InterContinental Peninsula Resort ở bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà),…
Với định hướng này, Đà Nẵng lựa chọn lộ trình phát triển phù hợp, lấy công nghiệp du thuyền làm nền tảng và định hướng phát triển bền vững, xây dựng các dịch vụ du thuyền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao và từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu TP Đà Nẵng…
Trên quan điểm đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động khai thác du thuyền đường thủy nội địa trên các tuyến sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cổ Cò, vùng nước vịnh Đà Nẵng và khai thác ổn định các tuyến từ bờ ra đảo kết nối với Cù Lao Chàm, Lý Sơn, nhất là nâng cao vai trò quốc tế trong lĩnh vực du thuyền của TP, khẳng định vị thế là một trong những điểm đến ưu tiên trong hải trình du lịch quốc tế tại khu vực châu Á…
Sẽ sản xuất du thuyền hiện đại
Trong giai đoạn đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung xây dựng hạ tầng bến du thuyền quốc tế gắn với dịch vụ tầm cỡ quốc tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng, từng bước hình thành hạ tầng ban đầu của công nghiệp du thuyền và kêu gọi đầu tư cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ, đảm bảo về cơ bản hoàn thiện đầu tư hạ tầng bến du thuyền quốc tế và nội địa trên địa bàn TP, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với mức đóng góp vào GRDP của TP đạt 2 -3% (trong đó, dịch vụ du thuyền đóng góp 1,5 – 2,3%, công nghiệp du thuyền đóng góp 0,5 – 0,7%);
Đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa trở thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, tiếp tục phát triển ổn định công nghiệp du thuyền đưa dịch vụ liên quan du thuyền trở thành thương hiệu đặc trưng của TP, nâng mức đóng góp vào GRDP của TP đạt khoảng 4 – 5% (trong đó, dịch vụ du thuyền đóng góp 3 – 3,5%, công nghiệp du thuyền đóng góp 1 – 1,5%).
Về phương án phát triển lĩnh vực du thuyền trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ phát triển các ngành công nghiệp đóng mới du thuyền; công nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền, thay thế phụ tùng nội thất du thuyền; công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, công nghiệp đóng mới du thuyền giai đoạn đến năm 2030, từng bước hình thành hạ tầng công nghiệp đóng mới du thuyền phù hợp với ưu thế, tiềm năng của công nghiệp, dịch vụ và sản phẩm du lịch của TP; tiếp cận nhanh nhu cầu thị trường trong nước, ưu tiên phát triển cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ, không có yêu cầu cao về mặt nước tại vị trí có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và kết nối giao thông thuận lợi, có thể tận dụng hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu công nghiệp (ưu tiên Khu công nghiệp Liên Chiểu) và các khu vực tiềm năng khác (dự kiến quỹ đất phát triển 5 – 10ha với năng lực sản xuất dự kiến đạt 20 – 30 du thuyền cỡ vừa và nhỏ/năm);
Giai đoạn đến 2050, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ngành công nghiệp sản xuất du thuyền cỡ vừa và nhỏ, đồng thời phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền hiện đại, tiếp cận các công nghệ và phân khúc sản phẩm mang tính quốc tế, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng gắn với hoạt động sản xuất du thuyền từ khâu thiết kế, gia công, lắp đặt đến hoàn thiện sản phẩm.
Dối với dịch vụ du thuyền, Đà Nẵng sẽ phát triển các dịch vụ gồm: Dịch vụ cảng bến, dịch vụ thương mại, dịch vụ vận chuyển hành khách, dịch vụ an ninh và an toàn hàng hải, dịch vụ khác. Trong đó, dịch vụ cảng bến với định hướng phát triển các dịch vụ gồm: neo đậu, hoa tiêu, lai dắt, xuất nhập cảnh, cung cấp nhân lực vận hành du thuyền như thuyền trưởng, thuyền viên, cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, vệ sinh du thuyền… tại các bến cảng Tiên Sa, bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn, Thuận Phước…
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu ưu tiên đầu tư xây dựng bến du thuyền, thuyền buồm cỡ nhỏ tại Khu du lịch làng Vân, khu vực InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà), khu vực đô thị ven sông Cổ Cò và trên sông Hàn.