Tag: bất động sản Quảng Bình

  • Quảng Bình thu ngân sách tăng mạnh

    Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đạt kết quả vượt kỳ vọng trong thu ngân sách, với dự kiến tổng thu hơn 6.960 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023…

    Theo thông tin từ Cục Thống kê Quảng Bình, tổng thu ngân sách trên địa bàn 11 tháng năm 2024 ước tính thực hiện hơn 6.117 tỷ đồng, tăng 0,8% dự toán địa phương giao và tăng 31,0% so với cùng kỳ. Trong đó, tỉnh này thu nội địa đạt 4.591 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán địa phương giao và tăng 11,8% so với cùng kỳ, Quảng Bình thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 1.526,4 tỷ đồng, tăng 118,1% dự toán địa phương giao và tăng 171,6% so với cùng kỳ năm trước, với kết quả trên thu thuế xuất nhập khẩu của tỉnh này đạt cao nhất từ trước đến nay.

    Một góc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

    Nguyên nhân thu ngân sách của Quảng Bình tăng cao là do tính từ đầu năm đến 15/11/2024, có 295 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, quy mô kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đến 93,6%. Điều đáng nói, số lượng doanh nghiệp tăng kéo theo nhiều các mặt hàng có thuế suất cao như nước tăng lực, thạch cao, máy móc thiết bị nhập khẩu tăng theo.

    Tính riêng mặt hàng máy móc thiết bị nhập khẩu thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đã đóng góp số thuế là 718,6 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng thu ngân sách tại đơn vị.

    Trong tổng số thu cân đối ngân sách 11 tháng năm 2024, Quảng Bình có 14/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí, thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thu khác trong cân đối ngân sách, thu hoa lợi công sản; thu xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và thu tiền sử dụng khu vực biển. Tỉnh Quảng Bình dự kiến năm 2024 sẽ thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.960 tỷ đồng.

    Cũng theo thông tin từ Cục Thống kê Quảng Bình, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 và 11 tháng của tỉnh này tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy toàn ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự điều hành của lãnh đạo tỉnh, cùng các cấp, các ngành đã tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 năm 2024 của Quảng Bình tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

    Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 của Quảng Bình đạt 46.842,1 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao 11,7% và đóng góp tăng 4,4 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

    Doanh thu hoạt động lưu trú của Quảng Bình 11 tháng đạt 596,3 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Số lượt khách lưu trú 11 tháng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lưu trú đạt 102.151 lượt khách quốc tế, tăng 18,0% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống của tỉnh này 11 tháng đạt hơn 4.082 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

    Doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tại tỉnh này 11 tháng qua đạt hơn 2.472 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó các nhóm ngành tăng đều từ 7,7%-10,6% so với cùng kỳ, cụ thể như sau: nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 7,9%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,6%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 7,7%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 10,6%…

  • Quảng Bình đón gần 1.4 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2024

    Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình dự ước đạt khoảng gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch của tỉnh này ước đạt hơn 1.578 tỷ đồng, tăng 73,7% so với cùng kỳ.

    Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, tháng 4/2024, các chỉ tiêu phát triển du lịch trong tỉnh đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình dự ước đạt khoảng 411.000 lượt khách, tăng 17,43% so với cùng kỳ, trong đó khách nội địa ước đạt 396.300 lượt khách, tăng 17,25%; khách quốc tế ước đạt 14.700 lượt khách, tăng 22,5%. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng hơn 472 tỷ đồng, tăng 19,51% so với cùng kỳ.

    Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình dự ước đạt khoảng gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 1.578 tỷ đồng, tăng 73,7% so với cùng kỳ.

    Về dịch vụ lưu trú, khách lưu trú tháng 4/2024 tỉnh này đạt 163.315 lượt khách, tăng 12,96% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 52,643 tỷ đồng, tăng 14,21%.

    Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng khách lưu trú Quảng Bình ước đạt 583.317 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 193,89 tỷ đồng, tăng 13,54% so với cùng kỳ.

    Được biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 532 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8.475 phòng, 16.200 giường; 4 nhà hàng và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

    Tại tỉnh này cũng có 48 đơn vị lữ hành, trong đó có 26 đơn vị lữ hành quốc tế, 22 đơn vị lữ hành nội địa; 343 hướng dẫn viên được cấp thẻ hoạt động với 169 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 174 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

    Để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm năm 2024, Sở Du lịch Quảng Bình đã tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đảm bảo công tác phục vụ khách du lịch trong dịp lễ 30/4 – 01/5, mùa du lịch Hè năm 2024 và chủ động nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch với mục tiêu tiếp tục xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hiếu khách.

    Những ngày này, dù mùa du lịch cao điểm chưa thực sự bắt đầu nhưng tại nhiều địa điểm của du lịch Quảng Bình đã rộn ràng đón nhiều du khách. Như tại trung tâm thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), đã có rất đông du khách quốc tế ở các cơ sở lưu trú hay địa điểm kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, các điểm dịch vụ du lịch dọc bờ biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh của tỉnh này đang rục rịch để chuẩn bị cơ sở vật chất, dịch vụ cho một mùa du lịch sôi động.

    Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, năm 2024, sở này sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị kêu gọi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, như: Lướt ván, mô tô nước, dù bay, đua thuyền buồm; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch lễ hội, du lịch MICE, các sản phẩm du lịch đường sông trên các tuyến thủy nội địa Nhật Lệ – Long Đại, sông Gianh, sông Son, sông Chày; các dịch vụ giải trí ban đêm…Các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch sắp diễn ra sẽ là cơ hội tốt, để du lịch biển Quảng Bình tiếp tục tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách.

    Mời xem thêm: Quý I-2024 khách quốc tế đến Quảng Bình tăng 110%

  • Quảng Bình có thêm 4 dự án lớn

    Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII vừa qua, các đại biểu thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với việc bổ sung 4 danh mục dự án…

    Hình minh hoạ

    Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII vừa qua đã xem xét tờ trình của UBND tỉnh Quảng Bình và thống nhất kế hoạch đầu tư công năm 2024, với nguồn vốn hơn 2.648 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý. Nguồn vốn ưu tiên cho hoạt động xây dựng cơ bản, bố trí vốn cho đối ứng các dự án ODA, các dự án hoàn thành trong năm 2024 và công trình trọng điểm… Nguồn vốn chủ yếu là từ nguồn ngân sách tập trung và nguồn thu cấp quyền sử dụng đất.

    Các đại biểu cũng thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với việc bổ sung 4 danh mục dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư công trình cầu Nhật Lệ 3 và 2 đầu cầu xã Bảo Ninh; Dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới.

    Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua các nội dung Nghị quyết

    Liên quan đến công tác giải ngân nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Bình năm 2023 hiện vẫn chưa theo đúng kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Đồng thời, các Tổ công tác của UBND tỉnh cũng thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư trên tinh thần tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để giải quyết khó khăn vướng mắc, hướng dẫn, xử lý, đôn đốc hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

    Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Bình cũng đã xem xét tờ trình, thông qua Nghị quyết phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách tỉnh năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, với nguồn vốn phân bổ năm 2024 hơn 163 tỷ đồng. Mức vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình cũng được thống nhất thông qua tại kỳ họp.

    Cũng tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII thông qua 25 Nghị quyết quan trọng về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế năm 2024 cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,0 – 7,5%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0 – 3,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,0 – 8,5%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,5 – 8,0; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản: 18,8%, công nghiệp – xây dựng: 32,2%, dịch vụ: 49,0%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.100 – 6.300 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 65 – 66 triệu đồng.

    Mời xem thêm: Du lịch Quảng Bình vững bước ra thế giới

  • Quảng Bình sẽ đón chào năm mới 2024 bằng nhiều sự kiện tầm quốc tế

    Loạt sự kiện mới, lạ, tầm vóc quốc tế trong khuôn khổ các chương trình chào đón năm mới 2024 tại Quảng Bình được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

    Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch tổ chức Chương trình Chào đón năm mới 2024 với nhiều chương trình du lịch, hoạt động xúc tiến, quảng bá hấp dẫn và đặc sắc. Theo đó, Chương trình Chào đón năm mới 2024 gồm có các hoạt động nổi bật như: chương trình đếm ngược (Countdown), hoạt động nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại thị trấn Phong Nha; hội thi ẩm thực du lịch với sự tham gia của khoảng 20 – 25 đơn vị hoạt động du lịch cùng các chương trình kích cầu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới.

    Nhiều lễ hội hấp dẫn chào đón năm mới 2024 tại Quảng Bình.

    Đặc biệt, ngoài các chương trình do địa phương tổ chức thì không thể thiếu sự chung tay, cộng hưởng của nhiều doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, những sự kiện quy mô, hoành tráng, tầm vóc quốc tế sẽ là điểm nhấn rực rỡ trong bức tranh lễ hội cuối năm tại Quảng Bình.

    Đại diện Công ty CP Regal Group – trình bày kế hoạch tổ chức Chương trình Chào đón mới 2024 tại Khu đô thị du lịch quốc tế Regal Legend với UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

    Trong suốt thời gian qua, chính quyền, Sở Du lịch và những doanh nghiệp tiên phong như Regal Group vẫn đang tiếp tục nỗ lực làm mới và ra mắt thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút và tăng trải nghiệm cho du khách khi đặt chân đến Quảng Bình. Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình, Chương trình Chào đón năm mới 2024 là sự kiện nổi bật để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, phát động thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Quảng Bình là điểm đến toàn cầu mới.

    Nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo thu hút du khách khi đến với Quảng Bình

    Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, dịp nghỉ lễ từ 1 – 4/9, Tỉnh đã đón 160.000 lượt khách du lịch, tăng 60% so với dịp lễ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng 87,5% so với dịp lễ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng, tăng 53% so với kỳ lễ trước.

    Chi tiết mờ xem thêm tại: Chuỗi sự kiện hấp dẫn chào đón năm mới 2024 tại Quảng Bình

  • Quảng Bình phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới thích ứng thời tiết, thoát tính mùa vụ

    Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề của các hiện tượng thời tiết đặc biệt, để du lịch phát triển thích ứng và thoát tính mùa vụ, Quảng Bình đã có những giải pháp, bước đi phù hợp.

    Khi yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến du lịch

    Quảng Bình – Điểm đến du lịch đang rất được du khách trong nước và quốc tế yêu thích trong những năm gần đây. Đầu năm 2023, chuyên trang đặt phòng nổi tiếng booking.com đã công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023. Theo đó, Phong Nha và Đồng Hới là 2 địa danh của tỉnh Quảng Bình nằm trong Top 10 được vinh danh.

    Một góc làng Tân Hóa

    Vừa qua, Tân Hóa (Minh Hoá) được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới. Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.

    Tuy nhiên, du lịch vốn là ngành kinh tế nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào các điều kiện môi trường tự nhiên, điều kiện thời tiết, khí hậu đang khiến ngành Du lịch địa phương phải đối mặt nhiều thách thức.

    Mặc dù khá bận rộn vào mùa hè và các dịp lễ lớn nhưng từ cuối tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, các hoạt động du lịch tại Quảng Bình lại sụt giảm do chịu ảnh hưởng của mưa bão và không khí lạnh mùa đông, lượng du khách cũng giảm dần, phần lớn các hoạt động du lịch trong tỉnh sẽ đóng cửa hoặc rất thưa thớt… Thực tế này đòi hỏi ngành Du lịch phải thích ứng, thay đổi để phát triển.

    Tìm các hướng đi và quyết sách phù hợp

    Các bãi biển tại Đồng Hới với những sản phẩm du lịch hấp dẫn luôn là điểm đến yêu thích của du khách

    Để thoát tính mùa vụ trong du lịch, khai thác các sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách mà không quá phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, Quảng Bình đã có những hướng đi và quyết sách phù hợp như:

    Quảng Bình đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại như: Xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam; xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ Cảng hàng không Đồng Hới; mở đường du lịch Đồng Hới đi Phong Nha, nâng cấp cảng biển tổng hợp quốc tế Hòn La, cùng nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sông kết nối các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh…

    Đại lộ biển Võ Nguyên Giáp rộng 60m được tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng tại bán đảo Bảo Ninh.

    Hỗ trợ, đầu tư, tuyên truyền quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch an toàn, độc đáo, đáp ứng nhu cầu du khách và thích ứng với điều kiện thời tiết khác nhau, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách mà không quá phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Tung ra các chương trình kích cầu nhằm hỗ trợ du khách và thúc đẩy tăng trưởng thị trường du lịch của địa phương…

    Các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn bốn mùa đang hút du khách

    Các sản phẩm du lịch mùa mưa lũ, mùa thu-đông đặc biệt thu hút du khách thời gian qua như: tham quan hang động Chà Lòi, thung lũng Còi Đá trong mùa mưa; đưa vào khai thác hệ thống lưu trú Tú Làn Lodge và homestay nhà nổi tại Tân Hóa, huyện Minh Hóa, nhiều hoạt động trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở vùng Hung Trâu, bản đồng bào Rục của xã Thượng Hoá…

    Các tuyến phố đi bộ 4 mùa sầm uất tại Regal Legend sẽ là điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh du lịch hấp dẫn tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình.

    Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng mùa đông suối nước nóng Bang (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), và bộ đôi tuyến phố đi bộ ven hồ và phố đêm ven biển với nhiều hoạt động kinh doanh thương mại, giải trí sầm uất, náo nhiệt tại Khu đô thị du lịch quốc tế Regal Legend (TP. Đồng Hới) đã mang đến những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

    Đại diện Regal Group – Đơn vị phát triển dự án Regal Legend Quảng Bình đánh giá: “Việc Quảng Bình xây dựng và hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như du lịch thể thao, mạo hiểm, leo núi, sinh thái, trị liệu nước nóng và giải trí, nghỉ dưỡng… là một bước đi mang tính kịp thời và phù hợp trong bối cảnh du lịch địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính mùa vụ. Điều này không chỉ góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương mà qua đó, cuộc sống của người dân cũng có những đổi thay, phát triển đi lên”.

    Mời xem thêm:Những giá trị thương mại từ hai tuyến phố đi bộ tại Regal Legend Quảng Bình

  • Hết tháng 9/2023, Quảng Bình thu hút đầu tư gần 10.000 tỷ đồng

    Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng vốn đầu tư 9.896,6 tỷ đồng.

    Trong đó, bao gồm 18 dự án ngoài khu kinh tế với tổng vốn đầu tư 2.229,1 tỷ đồng và 2 dự án trong khu kinh tế với tổng vốn 29,5 tỷ đồng; 5 dự án khu đô thị với tổng vốn 7.638 tỷ đồng.

    Nổi bật nhất là dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Đồng Hới của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP với tổng mức đầu tư 1.844 tỷ đồng. Đây là 1 trong 3 dự án động lực của tỉnh Quảng Bình.

    Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 45 dự án, trong đó có 28 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN) – khu kinh tế và 17 dự án trong khu công nghiệp – khu kinh tế.

    Du Lich Quang Binh 2

    Cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đối với 3 dự án. Ngoài ra, Sở cũng đã báo cáo UBND tỉnh chấm dứt hoạt động đối với 2 dự án do nhà đầu tư không có khả năng thực hiện và xin chấm dứt hoạt động dự án.

    Đối với các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các buổi làm việc với các nhà đầu tư để yêu cầu báo cáo giải trình, chứng minh năng lực tiếp tục thực hiện và cam kết tiến độ cụ thể để giám sát, theo dõi.

    Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư.

    Về xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đoàn đi thăm và làm việc tại tỉnh Yamanashi, Nhật Bản từ ngày 19- 20/9/2023. Thông qua chuyến thăm và làm việc, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết với Chính quyền tỉnh Yamanashi biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Yamanashi. Trong đó, hai tỉnh thống nhất thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực du lịch. Tổ chức “Tọa đàm kết nối Quảng Bình – Tokyo” tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 22/9/2023, trong đó đã giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch Quảng Bình, kêu gọi hợp tác đầu tư trên lĩnh vực du lịch;

    Hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của tỉnh tham gia các sự kiện đối ngoại của tỉnh trong và ngoài nước.

    Tổ chức làm việc và khảo sát các doanh nghiệp dệt may, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cụm công nghiệp để xây dựng Đề án phát triển ngành Dệt may và Giày da tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng cơ sở dữ liệu các cụm công nghiệp trên địa bàn theo phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bám theo phương án phát triển cụm công nghiệp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đề xuất một số dự án mới như: Dự án nhà máy xử lý nước thải An Thành tại KCN Tây Bắc Đồng Hới và KCN Bắc Đồng Hới; Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh hệ thống kho bãi dịch vụ tại cửa khẩu Quốc tế Chalo của Công ty CP đầu tư kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Nghi- Thiên Trường; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Lý Trạch của Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ và Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng….

    Chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Bình khảo sát điểm đến các thị trường tiềm năng; làm việc với các hãng hàng không, Sở Du lịch Quảng Ninh để đánh giá nhu cầu thị trường, xúc tiến mở đường bay mới.

    Cung cấp thông tin, giới thiệu, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh xem xét việc hợp tác, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch tại Thái Lan, Nhật Bản, Israel, Qatar, Iran, Ấn Độ, Úc, Italia, Hung ga ri, Thụy Sĩ,…

    Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

    Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận, tra cứu và thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời, đúng quy định và  rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục.

    Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh như phát triển sản xuất chế biến nông lâm sản; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ  rừng trồng, gắn với trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.

    Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; rút ngắn tiến độ thẩm định chủ trương/ điều chỉnh chủ trương đầu tư, khảo sát, đánh giá hiện trạng, chuyển mục đích sử dụng rừng; thủ tục giao đất cho thuê đất…để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh.

    Theo Báo đầu tư

    Mời xem thêm: Những giá trị thương mại từ hai tuyến phố đi bộ tại Regal Legend Quảng Bình

  • Tọa đàm “Gặp gỡ, hợp tác Quảng Bình-Tokyo”

    Ngày 22.09.2023, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức chương trình tọa đàm “Gặp gỡ, hợp tác Quảng Bình-Tokyo”.

    Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm và ông Hitoshi Honna, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP EREX trao biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối.

    Tham dự buổi tọa đàm, về phía Việt Nam có đại diện ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đại sứ quán, Trưởng bộ phận đầu tư, bà Vũ Nhật Hà.

    Về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Lương Bình, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, DN.

    Tham dự còn có ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các  doanh nghiệp (DN).

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm.

    Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm trân trọng cảm ơn sự kết nối, hỗ trợ của ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam trong việc tổ chức chương trình tọa đàm. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình tổ chức một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với mong muốn đưa Quảng Bình đến gần hơn với các DN Nhật Bản để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực, giúp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh gửi lời chào mừng đại biểu, các vị khách quý đến tham dự buổi tọa đàm.

    Giới thiệu khái quát những tiềm năng, thế mạnh nổi bật và những lĩnh vực lợi thế của tỉnh, đồng chí nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Bình mong muốn mở ra các cơ hội để DN hai bên có dịp trao đổi, đề xuất các ý tưởng hợp tác đầu tư trong tương lai. Với phương châm “Sự thành công, phát triển của DN cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư; đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu phát triển của tỉnh thành hiện thực.

    Ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại buổi tọa đàm.

    Tiếp đó, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ, ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu. Đánh giá cao sự kiện đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình đã chủ động tổ chức chuyến đi hết sức quan trọng, thiết thực, hiệu quả và đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

    Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, là đối tác lớn thứ ba về đầu tư và du lịch, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Đến nay, hầu hết các tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

    Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, với những tiềm năng, thế mạnh rất nổi bật, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng qua buổi tọa đàm, đại biểu, các tổ chức, DN sẽ thấy được bức tranh tổng thể của Quảng Bình về môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đầy đủ thế mạnh thu hút đầu tư của các DN Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các DN Nhật Bản tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, DN… để cùng tạo dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực trong tương lai.

    Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành JETRO bày tỏ sự tâm huyết, cảm ơn sâu sắc của cá nhân và JETRO đối với Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng bởi quá trình đồng hành, giúp đỡ, hợp tác đối với các DN Nhật Bản. Nêu bật những con số thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản-Việt Nam, ông Nakazawa Katsunori cũng chia sẻ về những nhu cầu của các nhà đầu tư, DN Nhật Bản tại thị trường Việt Nam như nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường…

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng trao đổi với Phó Chủ tịch điều hành JETRO Nakazawa Katsunori.

    Cùng với các tập đoàn lớn, hiện các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đang sở hữu công nghệ và kỹ thuật hàng đầu trên thế giới. Ông Nakazawa Katsunori tin tưởng về những cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư, DN Nhật Bản với Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng trong tương lai.

    Đại diện các nhà đầu tư, DN Nhật Bản và Việt Nam đã chia sẻ, thảo luận về mối quan tâm và các lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác. Tiêu biểu là Công ty CP EREX với mong muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối tại Quảng Bình. Ông Hitoshi Honna, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EREX Nhật Bản nhấn mạnh những ưu điểm của điện sinh khối và khẳng định, Quảng Bình là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng thế mạnh và thuận lợi lớn trong đầu tư điện sinh khối, đặc biệt là tỷ lệ che phủ rừng lớn. Nhà máy điện sinh khối có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông, lâm nghiệp để phục vụ sản xuất. Công ty CP EREX cũng có các kiến nghị, đề xuất cụ thể và mong muốn tỉnh đồng hành để cùng đẩy nhanh quá trình xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Bình.

    Đại biểu tham dự tọa đàm.

    Nhà máy điện sinh khối Quảng Bình với công suất 50MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 3.256 tỷ đồng (tương đương 135 triệu USD), địa điểm thực hiện tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Một số DN Nhật Bản và Việt Nam đã thảo luận và trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác trong dịp này.

    Qua chia sẻ của các DN, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm khẳng định, Quảng Bình sẽ phối hợp, đồng hành hiệu quả cùng nhà đầu tư, DN trong việc thúc đẩy các quy trình thủ tục để triển khai các dự án và áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư lớn nhất bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả hai bên. Quảng Bình mong muốn và sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, DN Nhật Bản triển khai các hoạt động đầu tư tại địa phương.

    Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đến thời điểm này, Quảng Bình chưa có DN Nhật Bản đầu tư. Tuy nhiên hiện tỉnh đang hỗ trợ rất lớn đối với Tập đoàn Mitsubishi Corporation đang tham gia xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Tập đoàn đánh giá cao vai trò của tỉnh trong thực hiện các thủ tục để DN triển khai dự án. Và trong định hướng phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước, tỉnh đã phối hợp với nhiều DN Nhật Bản. Qua quá trình trao đổi, đàm phán, tỉnh đã hợp tác với Công ty cổ phần EREX để triển khai dự án nhà máy điện sinh khối trong thời gian rất sớm. Hiện Quảng Bình cũng đang đàm phán với DN Nhật Bản để chuyển nhượng một nhà máy rác thải và điện rác tại địa phương.

    Đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Những ví dụ cụ thể trên nhằm khẳng định các DN Nhật Bản đến Quảng Bình sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ hiệu quả của tỉnh. Quan trọng hơn, vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Yamanashi, là địa phương nổi bật về lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản. Đây là nền tảng hết sức quan trọng để các cơ quan, chính quyền, doanh nghiệp Quảng Bình có những đổi thay, trở thành điểm đến gần gũi, thân thiện, tin tưởng và hiệu quả với Nhật Bản nói chung, các DN nói riêng.

    Dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nakazawa Katsunori, Phó Chủ tịch điều hành JETRO về các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Quảng Bình. Theo đó, với 2 văn phòng đại diện của JETRO tại Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm của tổ chức đối với Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. Hai bên đã trao đổi sâu sắc về vai trò, định hướng, tiềm năng, mong muốn của JETRO và Quảng Bình, thống nhất những hoạt động tổng thể trong tương lai và cách thức triển khai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã trân trọng gửi lời mời Phó Chủ tịch điều hành JETRO thăm Quảng Bình trong thời gian sớm nhất.

  • Đưa Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch quốc tế

    Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được thông qua đã vạch ra chiến lược mới cho ngành kinh tế xanh Quảng Bình, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm quốc tế.

    Tiềm năng du lịch phong phú

    Hiếm nơi nào có hệ thống hang động đồ sộ và kỳ vĩ như ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình. Với hàng ngàn hang động lớn nhỏ, trong đó động Phong Nha được mệnh danh là “Thiên Nam đệ nhất động”, động Thiên Đường được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”, hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới… Nhờ sở hữu số lượng hang động đồ sộ, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được truyền thông thế giới mệnh danh là “Vương quốc hang động”.

    Du lịch Quảng Bình dần khởi sắc.

    Không chỉ có hang động, Quảng Bình còn sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp ở cả 3 khu vực núi non, bình địa và ven biển, thích hợp để phát triển các loại hình du lịch tham quan, khám phá, trải nghiệm, mạo hiểm.

    Trong những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đại trà, Quảng Bình từng bước xuất hiện nhiều sản phẩm trải nghiệm mới, gắn với các thắng cảnh nổi tiếng. Điển hình như các tour: khám phá hang Chà Lòi, sông Chày – hang Tối, hang Va, hang Ô Rô, hang Hoàn Mỹ, động Châu – khe Nước trong, suối Tiên; chinh phục thác Cổng trời – bãi Đạn… Bên cạnh đó là các tour tham quan trải nghiệm khu vực rừng già Trường Sơn, khu vực cát trắng ven biển huyện Lệ Thủy.

    Trong những năm gần đây, Quảng Bình liên tục được các tạp chí, trang web du lịch hàng đầu thế giới như Lonely Planet, Telegraph, Trip Advisor… đánh giá là một trong những nơi đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam; là phim trường của các bộ phim, chương trình truyền hình lớn trên thế giới.

    Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Netin Travel, đơn vị khai thác “độc quyền” 2 tour du lịch khám phá hang Chà Lòi – hang Kiều, khám phá động Châu – khe Nước trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng trời – bãi Đạn cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các địa điểm tham quan truyền thống bị giảm khách, thì với 2 tour mới này, Netin vẫn duy trì được nguồn khách ổn định, trung bình 1-2 tour mỗi tháng, mỗi tour có số lượng khách 20-30 người (mức phí 1,5 – 5 triệu đồng/khách).

    “Chúng tôi tiếp tục khảo sát thêm một số điểm tham quan trải nghiệm mới tại khu vực rừng già Trường Sơn, phía Tây các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tiến tới có thể tổ chức, đưa vào khai thác một số tour mới. Ngoài ra, nhiều đoàn khách đến địa phương có nhu cầu được tham quan trải nghiệm hay tổ chức dã ngoại cắm trại tại địa điểm tự chọn nào đó thì chúng tôi cũng đáp ứng luôn công tác tổ chức cho du khách”, ông Cương chia sẻ.

    Quảng Bình còn có nhiều doanh nghiệp lữ hành khác cũng đang khai thác các tour tham quan, khám phá trải nghiệm như Oxalis (hang Sơn Đoòng, hang Tú Làn, hang Tiên…), Jungle Boss (hố sụt Kong, hang Hung Thoòng).

    Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Bình giao Công ty TNHH Đầu tư Đoàn Gia Quảng Bình khai thác thử nghiệm hang Ô Rô – hang Hoàn Mỹ; giao Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng liên kết với Công ty Jungle Boss tiếp tục khai thác sản phẩm du lịch khám phá hang Đại Ả – hang Over – hang Pigmy.

    Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, tuy mới khai thác, nhưng các tour này đã có hàng ngàn lượt khách tham quan.

    Phấn đấu thành trung tâm du lịch châu Á

    Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được định hướng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ là một trong 4 đầu tàu tăng trưởng du lịch của Quảng Bình trong giai đoạn mới, với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao.

    Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc thù dựa vào những lợi thế khác biệt, riêng có của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

    Theo đó, các sản phẩm du lịch chính bao gồm: tham quan hệ thống hang động (động Thiên Đường, động Phong Nha, Tiên Sơn, hang Tối…); thám hiểm hang động (hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va – hang Nước Nứt, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy cung…); du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng (tham quan, ngắm cảnh sông Chày, rừng Gáo, thác Gió, thác Mơ, Trung tâm cứu hộ linh trưởng, vườn thực vật, tuyến sinh thái nước Moọc…); du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng: hang Tám Cô, bến phà Xuân Sơn, sân bay Khe Gát, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các di tích lịch sử trên đường tỉnh 562 và hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại…

    Bên cạnh đó là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn như Khe Ngang, Bồng Lai và các sản phẩm du lịch bổ trợ như đi bộ dã ngoại, đạp xe theo các tuyến đường mòn, thể thao, vui chơi giải trí, bơi lội, chèo thuyền trên sông, du lịch gắn với lễ hội như đua thuyền, Lễ hội đập trống Ma Coong.

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tăng cường thu hút vốn FDI, đặc biệt ở những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như du lịch, trong đó có Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

    “Tỉnh sẽ mời gọi các nhà đầu tư du lịch mạo hiểm tầm cỡ trên thế giới nhằm khai thác phát huy được các lợi thế của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Từ đó, tăng hơn nữa số lượng khách đến với địa phương”, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

    Theo báo Đầu tư

  • Kiến trúc đồi cát ‘hóa thân’ vào nhà ga sân bay Đồng Hới gần 2.000 tỷ

    Thiết kế kiến trúc có phần mái của nhà ga T2 được thiết kế lượn sóng, nhấp nhô khiến người nhìn liên tưởng đến những đồi cát chang chang của Quảng Bình.

    Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả lựa chọn kiến trúc nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới. Đơn vị đạt giải nhất về thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới vừa được công bố thuộc về Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) và Công ty AZUSA SENKKEI CO.LTD.

    Những đồi cát Quảng Bình được “hoá thân” vào nhà ga hành khách T2 của sân bay Đồng Hới.

    Đây là nhà ga được giới chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là hiện đại của khu vực Bắc Trung Bộ, do ACV làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, công suất đạt 3 triệu hành khách/năm.

    Trước đó, tháng 7, ACV đã thông báo mời thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà ga hành khách T2, sân bay Đồng Hới. Có 3 đơn vị tham gia thi tuyển kiến trúc, và ý tưởng lấy những đồi cát trùng trùng, điệp điệp của Quảng Bình đưa vào ngôn ngữ kiến trúc công trình đã chiến thắng.

    Phương án thiết kế với quy trình đi và đến tách biệt.

    Theo đó, phương án thiết kế với quy trình hành khách đi và đến tách biệt, được liên kết bởi đường tầng, gồm 3 tầng: Tầng 1, tầng lửng, tầng 2. Với phần mái của nhà ga T2 được thiết kế lượn sóng, nhấp nhô khiến người nhìn liên tưởng đến những đồi cát chang chang của Quảng Bình.

    Hồi tháng 6, Cảng hàng không Đồng Hới được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất 3 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050, công suất 5 triệu hành khách/năm.

    Phối cảnh sân bay Đồng Hới trong anh chiều tà.
    Phối cảnh sân bay Đồng Hới về đêm.

    Dự kiến sẽ khởi công dự án thành phần 1 Nhà ga hành khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026. Tổng mức đầu tư dự án trên chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.968 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng nhà ga khoảng 1.750 tỷ đồng và sân đỗ máy bay khoảng 218 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 94 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 124 tỷ đồng).

    Toàn bộ chi phí đầu tư nói trên sẽ được ACV huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại.

    Theo Tiền phong

  • Du lịch Quảng Bình đang phục hồi mạnh mẽ

    Riêng trong tháng 7, ngành du lịch Quảng Bình đón hơn 695.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt khoảng 9.000 lượt khách.

    Ngày 7-8, thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong tháng 7 vừa qua, ngành du lịch tỉnh này đón hơn 695.000 lượt khách (gấp 2,31 lần so với cùng kỳ năm 2022).

    Trong đó, khách nội địa ước đạt khoảng 686.000 lượt khách và khách quốc tế ước đạt khoảng 9.000 lượt khách (gấp 2,57 lần so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 785,3 tỉ đồng (gấp 2,27 lần so với cùng kỳ năm 2022).

    Lượng khách lưu trú trong tháng 7 tại Quảng Bình ước đạt khoảng 220.239 lượt khách, với doanh thu ước đạt hơn 75 tỉ đồng.

    Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phong Nha-Kẻ Bàng.

    Nhiều địa điểm du lịch tại Phong Nha-Kẻ Bàng thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong tháng 7 như: Động Phong Nha hơn 74.100 lượt khách, suối Nước Moọc hơn 20.700 lượt khách, Sông Chày-Hang Tối hơn 12.800 lượt khách…

    Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục là một trong ba đại diện của Việt Nam được tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust (Anh) bình chọn thuộc 16 di sản UNESCO ấn tượng nhất cần khám phá ở khu vực Đông Nam Á.

    Đáng chú ý, nhờ lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao nên các hoạt động vận tải và dịch vụ khác trong tháng 7 cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 đạt hơn 476 tỉ đồng (tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ).

    Trong tháng 7, Quảng Bình đã đón khoảng 9.000 lượt khách quốc tế.

    Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Bình ước đạt hơn 2,7 triệu lượt khách (gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 2,6 triệu lượt khách.

    Lượng khách lưu trú trong 7 tháng ước đạt hơn 1 triệu lượt khách (gấp 1,54 lần so với cùng kỳ) với doanh thu ước đạt hơn 341,2 tỉ đồng.

    Những năm qua, ngành du lịch Quảng Bình tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới.

    Trong đó, chú trọng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

    Thời gian tới, ngành du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch và duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường bằng nhiều hình thức thông qua các nền tảng số.

    Mời xem thêm: Quảng Bình: Gần 63.500 tỉ đồng đầu tư cho phát triển