Tag: bất động sản Quảng Bình

  • Đầu tư 1.844 tỷ đồng xây nhà ga T2, sân đỗ tàu bay Cảng hàng không Đồng Hới

    Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất.

    Phối cảnh Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới

    BND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn số 1329/UBND – TH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến đề xuất thực hiện Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Đồng Hới của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).

    Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những cảng hàng không quan trọng tại khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa đến với tỉnh Quảng Bình, khu vực phía Nam Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, công suất thiết kế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội của cả khu vực.

    Theo ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV đã lập kế hoạch, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm nguồn vốn đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới công suất 3 triệu hành khách/năm.

     Hiện nay, ACV nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình theo quy định của Luật Đầu tư.

    Dự án này có diện tích đất dự kiến sử dụng 15,016 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.844 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ 100% vốn góp của ACV. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý I/2026, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

    Để triển khai đồng bộ các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhằm đẩy nhanh thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải trong đó có quy hoạch cảng hàng không, sân bay; sự phù hợp của kế hoạch đầu tư, phương án đầu tư, quy mô đầu tư dự án, tổng vốn đầu tư, diện tích sử dụng đất; các yêu cầu đối với kinh doanh nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về sự phù hợp của phương án đầu tư dự án của nhà đầu tư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; các yêu cầu đối với dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các pháp luật khác có liên quan và các nội dung khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

    Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến về tính khả thi của nguồn vốn thực hiện dự án (ACV đề xuất sử dụng 100% vốn góp của ACV); sự phù hợp của tiến độ góp vốn, huy động các nguồn vốn với tiến độ thực hiện dự án; và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực của ngành.

    Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị này sẽ khởi công Nhà ga hàng khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026.

    ACV cũng muốn Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương cho phép ACV triển khai thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga song song với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

    Đặc biệt, đơn vị đang vận hành khai thác Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 10,6 ha đất quốc phòng; sớm hoàn thiện thủ tục thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng để có thể giao mặt bằng phục vụ thi công nhà ga T2 và sân đỗ trước quý II/2024.

    Theo Báo đầu tư

    Mời xem thêm: Làn sóng đầu tư mới vào Quảng Bình

  • Hà Nội – Quảng Bình kết nối cùng phát triển

    Với hệ thống hang động kỳ vĩ ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cùng các bãi biển đẹp và hải sản tươi ngon, Quảng Bình là một trong những điểm đến của du khách Hà Nội.

    Chiều ngày 7/7, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại tại Quảng Bình. Hoạt động nhằm thực hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, đồng thời giới thiệu tiềm năng, quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Nội và liên kết với các tỉnh miền Trung và vùng lân cận. Chương trình còn có sự tham gia của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng…

    Hà Nội đặc biệt quan tâm đến du lịch Quảng Bình, nơi người Hà Nội thích thú với tham quan hệ thống hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và nghỉ dưỡng, tắm và thưởng thức hải sản ở vùng biển Nhật Lệ, Bảo Ninh…

    Không gian Hà Nội tại chương trình xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại tại Quảng Bình – Kết nối cùng phát triển

    Chương trình lần này cũng nhằm kết nối giao thương giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Quảng Bình, giới thiệu tiềm năng, quảng bá hình ảnh, hợp tác, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại giữa Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung bộ. Từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Gần 100 doanh nghiệp sản xuất từ Hà Nội và 6 tỉnh Bắc Trung bộ, 30 doanh nghiệp là nhà phân phối, mua hàng Thái Lan và hơn 10 doanh nghiệp Lào đã đến với chương trình.

    Nhiều khu không gian quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư và du lịch ở Hà Nội được trình bày thêm tiểu cảnh, trang trí tổng thể khá sinh động. Trong đó, nổi bật là giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn và một số sản phẩm du lịch mới, những tour mang lại trải nghiệm mới được xây dựng trên cơ sở những điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội.

    Theo Du lịch TP.HCM

    Mời xem thêm:Quảng Bình quy hoạch hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

  • Quảng Bình quy hoạch hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

    Phát huy tiềm năng, lợi thế, Quảng Bình đã và đang tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là những công trình có vai trò kết nối, liên kết vùng để tạo sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

    Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là định hướng quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình

    Đầu tư vào hạ tầng giao thông trọng điểm

    Là điểm tựa của “chiếc đòn gánh” miền Trung gánh hai đầu đất nước, Quảng Bình có vị trí cực kỳ quan trọng trên trục giao thông Bắc – Nam. Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định: “Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp, nhưng cũng có một số ‘điểm yếu’ nổi bật, đó là xa các trung tâm phát triển lớn, thiếu hạ tầng kết nối đúng tầm để lan tỏa, dẫn dắt phát triển”.

    Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, trong bối cảnh mới hiện nay, nếu tiếp tục phát triển theo mô thức cũ, Quảng Bình sẽ khó bứt phá, khó tạo sự xoay chuyển. Do vậy, tỉnh cần có cách tiếp cận phát triển mới, trên cơ sở tầm nhìn chiến lược dài hạn.

    Một trong những định hướng dài hạn mà PGS-TS. Trần Đình Thiên góp ý cho Quảng Bình là tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để hình thành tuyến liên kết phát triển vùng “chặt chẽ và mạnh mẽ; gắn trước hết với trục xuyên suốt là du lịch, với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế – là những đối tác chủ lực”.

    Có thể thấy, Quảng Bình là địa phương hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông quan trọng. Cụ thể, Quảng Bình nằm trên các tuyến giao thông chính của trục Bắc – Nam, như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh… Cùng với đó, Quảng Bình còn có sân bay Đồng Hới (đang được quy hoạch nâng công suất lên 3 triệu lượt khách/năm) và hệ thống cảng biển (Hòn La, Nhật Lệ, cảng Gianh).

    Nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phát huy các thế mạnh nội tại, Quảng Bình đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 76 km với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có một dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được đầu tư xây dựng, đó là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

    Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tại Quảng Bình, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm 3 dự án thành phần, với tổng chiều dài 126 km, đi qua các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới.

    “Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua tỉnh càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo sự đột phá và là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế – xã hội của tỉnh nhà”, ông Thắng khẳng định.

    Liên kết không gian kinh tế từ hạ tầng giao thông

    Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua việc phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

    Trong đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) – Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km.

    Về hệ thống đường sắt, ngoài tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng – Mụ Gia – Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021 – 2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 – 2040).

    Hệ thống đường quốc lộ sẽ bao gồm 9 tuyến: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 12A, 12C, 15, 9E, 9B, 9C, 9G. Đối với hệ thống đường tỉnh lộ, toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 31 tuyến và đường ven biển gồm 8 tuyến (tổng chiều dài khoảng 137 km).

    Về hệ thống cảng biển, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Quảng Bình thuộc Nhóm cảng biển số 2, là cảng biển loại II, gồm các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc – chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 – 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); Khu bến Sông Gianh và một số khu neo đậu tránh, trú bão khác…

    Về đường hàng không, phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…

    Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ những ưu tiên phát triển của tỉnh, trong đó có 3 hành lang kinh tế, cũng là định hướng liên kết không gian đối với các hoạt động kinh tế – xã hội thông qua các tuyến giao thông.

    Thứ nhất, là hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển và cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc – Nam ở phía Đông của tỉnh (hành lang Quốc lộ 1A, hành lang đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc dự kiến và hành lang ven biển) kết nối các đô thị hạt nhân.

    Thứ hai, là hành lang kinh tế Đông – Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo – thị xã Ba Đồn – cảng biển Hòn La. Đây là trục được hình thành chủ yếu trên cơ sở của Quốc lộ 12A trên địa bàn thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa; phía Tây là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và phía Đông là Khu kinh tế Hòn La, gắn với cảng biển Hòn La, kết nối với cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tỉnh.

    Thứ ba, là hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

    Ông Trần Thắng cho biết, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, có đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực.

    “Đây là những bước đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Tuy vậy, để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới”, ông Trần Thắng nhấn mạnh.

    Theo Báo đầu tư

    Mời xem thêm: Đô thị Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Du lịch Quảng Bình “phấn khởi” đón lễ 30/4 – 1/5

    Dù chưa đến kỳ nghỉ lễ nhưng nhiều điểm lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã “cháy” phòng, ngành du lịch cũng chuẩn bị cho nhiều hoạt động văn hóa – du lịch sôi động tại các trung tâm đón khách.

    “Hút” khách

    Với các kết nối giao thông thuận lợi trên tuyến đường Bắc – Nam, cùng nhiều sản phẩm du lịch thiên nhiên độc đáo và duy nhất, Quảng Bình đang dần định vị hình ảnh du lịch trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó, trong dịp lễ 30/4 – 1/5 lần này, nhiều du khách đã lên kế hoạch và lựa chọn đến với Quảng Bình.

    Khách du lịch check-in tại Quảng Bình

    Tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu tháng khi khách du lịch đã đặt kín phòng tại các địa điểm, đơn vị lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được lấp đầy. Theo ông, đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Quảng Bình chuẩn bị cho việc đón khách trước mắt cũng như góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu du lịch trong năm 2023.

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 531 cơ sở lưu trú du lịch với 8.475 phòng, hơn 16.000 giường. Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên có 1.744 phòng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong đó 08 nhà hàng và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

    Lượng khách quốc tế đến Quảng Bình trong quý I/2023 tăng cao

    Trong đầu năm 2023, ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ với gần 650 nghìn lượt khách, gấp 4,45 so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,09 lần so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 20 nghìn lượt khách, gấp 17,59 lần với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch trong quý I năm 2023 đạt hơn 733 tỷ đồng, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 300 nghìn lượt khách, gấp 2,12 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú 3 tháng ước đạt hơn 94 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

    Hầu hết các đơn vị du lịch đã từng bước quay trở lại hoạt động bình thường sau thời gian bị đình trệ và phục hồi sau đại dịch.

    Việc đón nhận những con số tổng kết du lịch ấn tượng trong quý I/2023 và các chỉ báo tích cực trong dịp lễ 30/4 – 1/5 tới đây đã minh chứng cho sự thu hút của du lịch Quảng Bình, với các sản phẩm du lịch thiên nhiên độc đáo riêng có. Cùng với đó, ngành du lịch của tỉnh cũng như các địa phương đã và đang chuẩn bị chu đáo cho lễ hội văn hóa – du lịch nhằm tiếp đón du khách trong kỳ nghỉ lễ tới.

    Khám phá thiên nhiên – Trải nghiệm văn hóa

    Vào hè, với thời tiết lý tưởng thì những địa điểm du lịch thiên nhiên như động Phong Nha, động Tiên Sơn,… suối nước Moọc, sông Chày, hang Tối,… là điểm đến được khách du lịch thập phương yêu thích, phù hợp với đa dạng các đối tượng du khách. Bên cạnh đó, khách du lịch với mong muốn “chạm” vào thiên nhiên và khám phá các khu rừng hoang sơ cũng có thể lựa chọn các tour du lịch trải nghiệm với thời gian lưu trú trong các cánh rừng.

    Nhiều hoạt động du lịch – văn hóa diễn ra trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tại Quảng Bình

    Nhằm đa dạng các hoạt động trải nghiệm, ngành du lịch của tỉnh cũng như các địa phương cũng xây dựng chương trình tuần du lịch – văn hóa với đa dạng các hoạt động. Tại TP. Đồng Hới, tuần lễ Văn hóa – Du lịch được tổ chức từ ngày 25/4 đến 1/5/2023 với các hoạt động như triển lãm ảnh “Đồng Hới xưa và nay”, lễ hội ẩm thực “Hương quê”, các chương trình liên hoan âm nhạc, trò chơi dân gian, lễ hội đường phố, lễ hội Chèo cạn múa bông. Đặc biệt, sáng ngày 30/4 sẽ diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, là điểm hẹn văn hóa đặc sắc mang dấu ấn văn hóa cầu đảo vùng sông nước Nhật Lệ. Đây cũng là chương trình diễn ra thường niên, nét văn hóa đặc sắc của người dân thành phố và các vùng lân cận.

    Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đặc trưng của vùng như hội thi cá trắm sông Son, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch…

    Nguồn Người làm báo

    Mời xem thêm: Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung

  • Xem xét bố trí ngân sách đầu tư tuyến đường 3.500 tỉ đồng nối sân bay Chu Lai đến TP.Quảng Ngãi

    Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét cân đối nguồn vốn để bố trí cho địa phương thực hiện tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi kết nối sân bay Chu Lai với TP.Quảng Ngãi.

    Hoang Sa Doc Sôi
    Hướng tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi

    Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận, chỉ đạo một số nội dung quan trọng trong đó trả lời kiến nghị của tỉnh ủy về việc đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh

    Đối với dự án đầu tư tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, Thủ tướng đồng ý sự cấp thiết của dự án nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế động lực, đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu kinh tế, đặc biệt là khu vực cảng Dung Quất, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1 và tạo quỹ đất, hình thành không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Ngãi là cần thiết.

    Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí, quán triệt triển khai, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện dự án Hoàng Sa – Dốc Sỏi khi có chủ trương sử dụng nguồn này theo quy định.

    Được biết, dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi có chiều dài toàn tuyến 28,22km. Điểm đầu của dự án sẽ giao với đường Hoàng Sa tại Đập sông Trà Khúc (thuộc xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi) và kết thúc tạo nút giao Dốc Sỏi, kết nối với sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Tuyến đường đi qua địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi.

    Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Khu Kinh tế Dung Quất đến TP.Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam.

    Công trình được coi là tuyến giao thông động lực, giúp giảm tải áp lực giao thông qua tuyến QL1 đồng thời là bệ phóng để khai phá các vùng đất nông thôn, đồi núi phía đông QL1 trở thành đô thị và đô thị công nghiệp trong tương lai. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến khi công trình hoàn thành sẽ tạo được nguồn quỹ đất dọc hai bên tuyến với diện tích khoảng 7.000ha thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp, mở rộng và hình thành các khu đô thị mới.

    Theo kế hoạch, dự án được thiết kế quy mô 8 làn xe với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2027. Về kinh phí đầu tư dự án, Tỉnh Quảng Ngại đề xuất huy động 3.000 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và và 500 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.

    Theo Cafeland

    Mời xem thêm: 17 dự án bất động sản lớn ở Quảng Ngãi sẽ tổ chức đấu giá trong năm 2023

  • Năm 2022 Quảng Bình đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch

    Năm 2022, khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 2.110.330 lượt khách, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Du Lich Quang Binh 3
    Du lịch Quảng Bình đã được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao.

    Chiều 24/12, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong năm 2022, khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 2.110.330 lượt khách, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021

    Du Lich Quang Binh 2
    Du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và là một trong những điểm đáng trải nghiệm nhất tại khu vực châu Á và trên thế giới

    Trong đó, khách quốc tế ước đạt 33.731 lượt khách, gấp 5,92 lần so với cùng kỳ năm 2021, khách nội địa ước đạt 2.076.599 lượt khách, gấp 3,68 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Cũng theo ông Quý, tổng số khách lưu trú trong năm 2022 ước đạt 1.333.157 lượt khách, tăng gấp 5,13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú dự ước đạt 450,6 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Đặc biệt, du lịch Quảng Bình đã được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao. Cụ thể, Quảng Bình xếp thứ 7 trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021; Phong Nha – Kẻ Bàng được AFAR (Mỹ) vinh danh là 1 trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022.

    Du Lich Quang Binh 1
    Năm 2023, du lịch Quảng Bình phấn đấu đón từ 3 – 3,5 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách quốc tế là 100.000 lượt.

    Hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày 14/04 với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người. Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2023, du lịch Quảng Bình phấn đấu đón từ 3 – 3,5 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách quốc tế là 100.000 lượt.

    Đặc biệt, du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và là một trong những điểm đáng trải nghiệm nhất tại khu vực châu Á và trên thế giới.

    Theo giáo dục thời đại

    Mời xem thêm: Quảng Bình: Những thiên đường du lịch trong mơ phải một lần ghé thăm

  • Quảng Bình: Đề xuất xây đường 2.800 tỉ đồng từ TP.Đồng Hới vào VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

    Với tổng mức đầu tư khoảng 2.815 tỉ đồng, tuyến đường du lịch tăng cường khả năng kết nối TP. Đồng Hới với VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, biển Bố Trạch và cao tốc Bùng – Vạn Ninh.

    UBND tỉnh Quảng Bình mới đây đã có buổi làm việc với Tập đoàn Đèo Cả về đề xuất thực hiện dự án tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha- Kẻ Bàng.

    Phong Nha Ke Bang
    Hình minh họa

    Báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết dự án tuyến đường du lịch có tổng chiều dài 20km, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu dự án tài đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại Km974+400 thuộc xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Dự án yêu cầu mức kinh phí 2.815 tỷ đồng, đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công – tư).

    Dự án sẽ tạo không gian để phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch; tạo điều kiện để kết nối từ cao tốc Bùng – Vạn Ninh vào tới trung tâm TP.Đồng Hới và đi biển Bố Trạch, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Bình; quảng bá, thúc đẩy du lịch biển đối với du khách trong và ngoài nước.

    Trong đó, đặc biệt là phát huy hết tiềm năng của các bãi biển dài và đẹp tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) và xã Trung Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch).

    Lắng nghe báo cáo, Lãnh đạo tỉnh cơ bản thống nhất với phương án ban đầu về phương án thực hiện dự án của nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng phối hợp với nhà đầu tư để tiến hành các bước thủ tục liên quan trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về việc triển khai thực hiện dự án.

    Theo Cafeland

  • Bất động sản Quảng Bình có gì hấp dẫn nhà đầu tư?

    Trong vài năm gần đây, bất động sản Quảng Bình tạo được sức hút với các nhà đầu tư trên cả nước nhờ hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, sức thanh khoản trên thị trường khá tốt.

    Hạ tầng làm điểm tựa

    Các chuyên gia lĩnh vực bất động sản đánh giá, chưa bao giờ tốc độ đô thị hóa của Quảng Bình diễn ra nhanh chóng như những năm gần đây.

    Theo UBND tỉnh Quảng Bình, tính đến nay, hệ thống đô thị trên toàn tỉnh đạt gần 30% với 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh cũng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện với nhiều công trình trọng điểm như: Nâng cấp Quốc lộ 1A, xây dựng cầu Nhật Lệ 2, xây dựng trục đường chính Bắc – Nam rộng 60 m tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới) và sắp tới là tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh.

    Nhờ sự đồng bộ, hoàn thiện về hạ tầng, Quảng Bình dần trở thành thỏi nam châm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư bất động sản trên cả nước, đặc biệt với các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện nay, một số dự án lớn nổi bật trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng như khu nghỉ dưỡng Pullman, Movenpick, TMS Resort, Sandy Hills… Đặc biệt là dự án Regal Legend của Đất Xanh Miền Trung tại khu đô thị Bảo Binh 1.

    Phối cảnh Regal Legend ban ngày
    Phối cảnh Regal Legend ban ngày

    Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 37 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị được cấp chủ trương đầu tư và đã triển khai. Trong đó bao gồm 29 dự án khu nhà ở thương mại, 5 dự án khu đô thị, 3 dự án nhà ở shophouse kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại và chức năng hỗn hợp cao tầng.

    Các chuyên gia đánh giá: “Không chỉ có số lượng lớn, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều được đầu tư với hạ tầng khá đồng bộ, chất lượng, được đánh giá là hình mẫu cho các dự án tại khu vực miền Trung”.

    Sức hấp dẫn của thị trường nội tại

    Không chỉ ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ ưu thế về biển, về du lịch và về các cơ chế chính sách ưu đãi… mà chính nội tại thị trường Quảng Bình với mức thanh khoản rất tốt cũng đang trở thành một lý do quan trọng giúp nhiều nhà đầu tư bất động sản sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.

    Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý I, II, III/2020 là thời điểm phân khúc đất lẻ trên thị trường Quảng Bình có lượng giao dịch mua bán khá lớn, đặc biệt là khu vực Đồng Hới, bất chấp tình trạng ảm đạm chung của thị trường cả nước và khu vực miền Trung. Đến quý VI/2020, sức hút trên thị trường tập trung vào các dự án khu dân cư mới, khi các dự án này được chính quyền địa phương đưa ra đấu giá. Chỉ trong tháng 12/2020, tại Quảng Bình đã diễn ra 3 đợt đấu giá đất tại 3 dự án khác nhau và ghi nhận sự tham gia rất lớn của người dân, trong đó huyện Bố Trạch 2 dự án và Đồng Hới 1 dự án. Riêng đợt đấu giá 131 lô đất tại một dự án ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) đã có gần 3.000 phiếu đăng ký đấu giá của hơn 1.000 nhà đầu tư và khách hàng.

    Một hội viên Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực bất động sản. Sau Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Bình đang dần trở thành thị trường với quy mô toàn quốc khi lượng khách hàng và nhà đầu tư tham gia không chỉ gói gọn trong phạm vi tỉnh, mà khắp cả nước.

    Phối cảnh Regal Legend
    Phối cảnh Regal Legend

    “Nếu tiếp tục được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giá cả được kiểm soát tốt, không bị đẩy quá cao thì thị trường bất động sản Quảng Bình sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa”, nhận định của giới chuyên gia.

    Một điểm nhấn nữa, dự kiến cũng có tác động lớn và tạo thêm sức hút đến thị trường bất động sản Quảng Bình, đó là sắp tới đây, Bộ Giao thông – Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi động Dự án mở rộng sân bay Đồng Hới, mà trước mắt là nâng từ 4 sân đỗ máy bay hiện nay lên 8 sân đỗ. Đến cuối năm 2021, khu vực nhà ga sân bay Đồng Hới cũng được khởi công xây dựng để nâng công suất phục vụ từ 500.000 lượt khách lên 5 triệu lượt, hướng tới chuyển đổi thành sân bay quốc tế.

    “Khi trở thành sân bay quốc tế sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho Quảng Bình phát triển, thu hút khách du lịch. Đây là cơ hội để Quảng Bình có thể thu hút thêm các nhà đầu tư và các dự án lớn đến với tỉnh, góp phần tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa đối với bất động sản Quảng Bình”, giới chuyên gia nhìn nhận nhìn nhận.

    Để hiểu rõ hơn về tiềm năng bất động sản Quảng Bình kính mời Quý khách tham gia sự kiện Kiệt tác nhà ở xứng tầm thượng lưu được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26.06.2022