TP Yokohama của Nhật Bản đã có 10 năm hỗ trợ Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững.
Chiều 16-1, UBND TP Đà Nẵng phối hợp chính quyền TP Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ 12.
Đà Nẵng và TP Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ 12.
Theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, hai TP bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 2013. Cả hai TP đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển bền vững và nhiều lần được gia hạn.
Trên cơ sở đó, Diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng đầu tiên được tổ chức vào năm 2014, đến nay đã có 11 diễn đàn diễn ra tại Đà Nẵng và Yokohama.
Đây là sự kiện quan trọng, giàu ý nghĩa cho các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Yokohama và Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng để giúp Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững.
Với những điều kiện địa lý và định hướng phát triển khá tương đồng nhau, Đà Nẵng đã chọn Yokohama là TP kiểu mẫu để tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển, vận hành cảng biển, quy hoạch đô thị, phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam phát biểu tại diễn đàn.
Tại diễn đàn, các cơ quan liên quan của hai TP đã cùng trao đổi về các chủ đề như phát triển khu công nghiệp sinh thái, quản lý chất thải rắn, phát triển đô thị thông minh, giảm phát thải carbon…
Đây là những cơ sở để Đà Nẵng nghiên cứu, đưa ra những giải pháp giúp xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Đồng thời giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra như môi trường, giáo dục, y tế… phục vụ đời sống nhân dân an toàn, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa từ chính quyền và các doanh nghiệp tại Yokohama.
Qua đó giúp Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững, vươn lên trở thành một điểm sáng trong mạng lưới đô thị ở châu Á.
Theo ông Nam, thời gian tới Đà Nẵng sẽ tập trung ứng dụng công nghệ để phát triển và quản lý khu công nghiệp sinh thái, nâng cao chất lượng quản lý chất thải rắn và xử lý chất thải hợp lý, phát triển các dự án năng lượng sạch.
Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng, phát triển TP thông minh, nâng cao giá trị khu đô thị hiện có. Đồng thời phát triển giao thông đô thị, xây dựng hệ thống không gian ngầm, phòng chống lũ lụt, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Thành phố Đà Nẵng đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho hơn 40 dự án, khơi thông gần 60.000 tỷ đồng.
Chiều 12/1, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2024.
Tại Hội nghị, Chủ tịch TP.Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết, năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn của thành phố Đà Nẵng về nỗ lực phát triển kinh tế sau đại dịch. Những thành quả này có sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Chủ tịch TP.Đà Nẵng thông tin, trong năm 2023, Thành phố đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho trên 40 dự án. Qua đó đã khơi thông gần 60.000 tỷ đồng.
“Những dự án này sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội thành phố trong các năm 2024 – 2025. Vì vậy, lãnh đạo thành phố mong muốn gặp mặt các doanh nghiệp và nhà đầu tư để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn. Đồng thời trực tiếp lắng nghe những tâm tư, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cho các dự án”, ông Lê Trung Chinh phát biểu.
Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2024.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng, Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, thành phố chú trọng triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành phê duyệt 9/9 phân khu đô thị, 7/10 phân khu xây dựng khu chức năng.
Thành phố sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, đôn đốc hoàn tất thủ tục trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với KCN Hòa Ninh, tháo gỡ vướng mắc dự án mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 1. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Khu công nghệ cao trong khi chờ các thủ tục pháp lý liên quan mở rộng Khu công nghệ cao
Doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng cho biết, Thành phố sẽ tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố. Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào thành phố; ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao để đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn; triển khai thủ tục tháo gỡ các dự án để khơi thông nguồn lực theo Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”…
Mục tiêu trên được UBND TP Đà Nẵng đưa ra tại Đề án Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế
UBND TP Đà Nẵng vừa cho biết, hiện Đề án Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực đã được Thường vụ Thành uỷ thông qua và gửi các bộ ngành Trung ương xin ý kiến.
Phối cảnh ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng
Theo nội dung Đề án, mô hình trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ phát triển trung tâm tài chính quốc tế hướng đến hình thành trung tâm tài chính offshore; trung tâm tài chính gắn với tiến trình phát triển kinh tế số quốc gia, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ tài chính, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính; tạo sự gắn kết giữa trung tâm tài chính với các hoạt động và dịch vụ tiện ích cao cấp để tạo thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Mô hình trung tâm tài chính tại Đà Nẵng có 3 phần, gồm: Trung tâm tài chính Offshore, nhằm tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực; trung tâm Fintech, sẽ ứng dụng các công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các starups trong các lĩnh vực kinh doanh khác; Và các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác.
Trong giai đoạn 2023-2024: Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, đồng thời đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam;
Giai đoạn 2024-2030: Tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, thu hút các định chế tài chính quốc tế và các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn triển khai dần các hoạt động của trung tâm tài chính offshore, phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho Fintech, cấp phép thí điểm Fintech, thúc đẩy các hoạt động starups về Fintech;
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ chuyển đổi mô hình trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hướng đến trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm Fintech của khu vực vào năm 2045.
Mục tiêu sau năm 2045, Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo UBND TP Đà Nẵng, địa phương có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi; sở hữu nhiều điều kiện hạ tầng tốt về đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản vượt trội; được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để hình thành 1 trung tâm Fintech. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có quỹ đất sạch khá lớn, được quy hoạch phục vụ thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt.
Tuy nhiên, do đặc điểm quy mô nền kinh tế nhỏ, thị trường tài chính còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và hiện đại đang là thách thức của Đà Nẵng trong việc hiện thực hoá Đề án Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Để sớm đạt được mục tiêu đặt ra, TP Đà Nẵng đề xuất Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào trung tâm tài chính; ưu đãi cho các tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế; có chính sách phát triển thị trường vốn; cơ chế huy động vốn của các tổ chức thông qua trung tâm tài chính; khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng tại trung tâm tài chính; các chính sách về ngoại hối; cơ sở về hạ tầng, dịch vụ phụ trợ; chính sách xuất nhập cảnh;…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1160/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Phó Trưởng Ban.
Các Ủy viên bao gồm lãnh đạo: Bộ KH&ĐT (Ủy viên Thường trực); Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT&;TT, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, UBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Việt Nam nói chung và các TP HCM, TP Đà Nẵng nói riêng.
Đà Nẵng dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ với tổng số lượt tìm kiếm tăng 1.141%, gấp đôi TP đứng thứ hai.
Theo báo cáo về xu hướng du lịch của Skyscanner tại Ấn Độ, Đà Nẵng dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ với tổng số lượt tìm kiếm tăng 1.141%, gấp đôi TP đứng thứ hai – Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.
Đà Nẵng mở đường bay trực tiếp đến các TP lớn của Ấn Độ
Theo Skyscanner, TP Đà Nẵng đứng đầu trong danh sách tìm kiếm của du khách Ấn Độ, kế đến là Krabi (Thái Lan) và Mahe (Seychelles) do du khách Ấn Độ quan tâm nhiều tới các điểm đến có khoảng cách ngắn, có bãi biển để tận hưởng ánh nắng và thư giãn.
Yếu tố thu hút và quyết định lựa chọn điểm đến đối với du khách Ấn Độ tập trung ở ẩm thực (71%), thời tiết (65%) và trải nghiệm văn hóa điểm đến (65%), trong đó mua sắm (49%), tham quan lịch sử (45%) và nếm thử món ăn địa phương (38%) là những trải nghiệm văn hoá được quan tâm nhất.
Cũng theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tính đến hết tháng 9/2023, Đà Nẵng có 34 đường bay trực tiếp, trong đó có 8 đường bay nội địa và 26 đường bay quốc tế (15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến), tần suất 110-118 chuyến bay/ngày đến Đà Nẵng, trong đó 45-48 chuyến quốc tế, 65-70 chuyến nội địa.
Tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng tính đến tháng 9/2023 là 34.485 chuyến, bằng 93,77% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 13.688 chuyến bay quốc tế, bằng 82,09% so với cùng kỳ năm 2019 và 20.797 chuyến bay nội địa, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Một góc bãi biển du lịch Đà Nẵng
Nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 9 tháng qua gồm: Hàn Quốc (đạt 770.211 lượt khách, chiếm tỷ lệ 48,1%), Thái Lan (đạt 147.724 lượt khách, chiếm 9,2%), Đài Loan (đạt 123.936 lượt khách, chiếm 7,7%), Mỹ (đạt 74.503 lượt khách, tỷ lệ 4,7%), Ấn Độ (đạt 67.456 lượt khách, chiếm 4,2%)…
Để tiếp tục thu hút và mở rộng thị trường quốc tế, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục xúc tiến, quảng bá, kết nối để mở các đường bay mới đến với các thị trường tiềm năng.
Mục tiêu đến năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ xúc tiến, khôi phục các đường bay quốc tế thường kỳ, charter (thuê chuyến) từ Trung Quốc; đường bay Đà Nẵng – Doha (Qatar) để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; mở rộng đường bay đến Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Phuket… Và năm 2025 xúc tiến mở đường bay từ các thành phố lớn của Úc – Đà Nẵng.
Ngày 6-10, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Lữ hành Indonesia tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Jakarta, Indonesia. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, Đại sứViệt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông, cùng hơn 100 khách mời là đại diện hãng hàng không, lữ hành của hai bên.
Tại sự kiện, Sở Du lịch giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng, trong đó tập trung quảng bá chuyên sâu các sản phẩm phù hợp thị hiếu của khách Indonesia như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng), golf, du lịch sinh thái, khám phá các di sản văn hóa, ẩm thực, dịch vụ giải trí đêm và các sự kiện, lễ hội nổi bật của thành phố.
Thông qua sự kiện kết nối lần này, cùng với sự ủng hộ và quan tâm của Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Hiệp hội Lữ hành Indonesia, các doanh nghiệp du lịch của Indonesia và của Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường tin rằng việc trao đổi thông tin của các doanh nghiệp hai bên sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối, xúc tiến mở đường bay từ Indonesia đến Đà Nẵng trong thời gian đến, góp phần phát triển, tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng của hai nước.
Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Jakarta, Indonesia.
Thời gian qua đã có lượng lớn khách Indonesia đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng, nhưng đây là một trong những thị trường tiềm năng mà du lịch Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông chia sẻ, Đà Nẵng là một thành phố rất đẹp, có sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của thị trường khách du lịch Indonesia. Để thúc đẩy nhanh chóng mở đường bay thẳng từ Indonesia đến Đà Nẵng, cũng như tăng cường sự trao đổi khách giữa hai bên, Đại sứ quán sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ thành phố trong việc kết nối với các đối tác hàng không, lữ hành tại Indonesia.
Tại chương trình, đoàn xúc tiến nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi và giải đáp thông tin của các doanh nghiệp lữ hành Indonesia.
Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành Indonesia đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ các đoàn khách MICE của Đà Nẵng và mong muốn thành phố sớm thúc đẩy việc mở đường bay trực tiếp từ Indonesia đến Đà Nẵng, đồng thời đề nghị Đà Nẵng bổ sung thêm các phòng cầu nguyện và đầu tư các nhà hàng có chứng chỉ Halal phục vụ khách thị trường Hồi giáo.
Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại Đà Nẵng đã có sự kết nối, trao đổi và giới thiệu thông tin sản phẩm đến các doanh nghiệp lữ hành, hàng không của Indonesia.
Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Lữ hành Indonesia khai ký kết hợp tác, liên kết trao đổi nguồn khách giữa hai bên và xúc tiến đường bay Indonesia – Đà Nẵng.
Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là nền tảng để Đà Nẵng thay đổi tình hình thu hút FDI tích cực hơn.
Thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đà Nẵng đạt thấp, các dự án cấp mới đều có quy mô nhỏ lẻ. Nhiều tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.
Đà Nẵng đang được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn là điểm đến đầu tư
Được biết, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước luôn được Đà Nẵng quan tâm và chú trọng, Thành phố thành lập riêng một đơn vị thuộc UBND thành phố trong việc kêu gọi và xúc tiến đầu tư. Song, tình hình thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng không mấy khả quan, khi chỉ thu hút được 27,3 triệu USD, trong đó cấp mới 64 dự án, tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD, đạt 46,3% so với cùng kỳ năm 2022.
“Con số này không như kỳ vọng, chủ yếu là dự án nằm ngoài khu công nghiệp, quy mô nhỏ lẻ”, bà Tâm cho hay.
Theo bà Tâm, nguyên nhân là các tập đoàn lớn trên thế giới bị ảnh hưởng chung của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nên đang cẩn trọng xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam. Nguyên nhân nữa là sau đại dịch Covid-19, đầu tư toàn cầu giảm mạnh, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao. Từ đó, tâm lý của nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới để giảm thiểu rủi ro và bảo toàn vốn.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường, thông minh, công nghiệp công nghệ cao, nên việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp cũng cần có sự chọn lọc kỹ công nghệ, xem xét kỹ về quy mô và đánh giá về tác động môi trường.
Bà Tâm cũng cho biết, một số quy định của Trung ương vẫn còn thiếu tính thống nhất trong chính sách về đất đai, xác định giá đất khi lựa chọn nhà đầu tư, hành lang pháp lý về đấu thầu, một số lĩnh vực chuyên ngành chưa được đầy đủ.
Ngoài ra, Thành phố đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu và đang chờ kết quả. Do vậy, các vấn đề về quy hoạch, đất đai… chưa đảm bảo sẵn sàng để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án ngay.
“Quá trình kêu gọi nhà đầu tư đối với một số dự án Thành phố đã có quỹ đất sạch, nhưng thủ tục triển khai khá dài, từ bước lập quy hoạch đến phương án đấu giá, xác định giá. Nếu là đất ven biển thì phải thêm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nên vừa qua, Thành phố bị chậm đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số dự án”, bà Tâm nêu.
Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn nước ngoài đang quan tâm đến các dự án ở Đà Nẵng như cảng Liên Chiểu, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, một số dự án trung tâm thương mại đã có đất sạch, một số dự án đầu tư vào khu công nghệ cao ở các lĩnh vực điện tử, thiết bị y tế, trung tâm dữ liệu…
Để triển khai thu hút đầu tư trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Đồng thời, Thành phố khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu.
Các sở, ngành sẽ rà soát tiến độ thực hiện các thủ tục về quy hoạch, lập phương án đấu giá đất, chủ động xây dựng phương án đấu giá để sẵn sàng kêu gọi nhà đầu tư. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy trình, tiêu chí đấu thầu với các dự án lớn mà hiện chưa có quy định về đấu thầu chuyên ngành như khu công nghiệp, cảng biển.
Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang tập trung triển khai hiệu quả đề án nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào những khu công nghiệp mới trên địa bàn Thành phố.
Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tích cực chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện thủ tục đấu giá các dự án thương mại. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 Khu thể thao giải trí thương mại Hòa Xuân và khu đất thương mại phía Đông Nam ký túc xá sinh viên. Khu công nghệ cao cũng đang xúc tiến đầu tư, dự kiến trong thời gian tới sẽ kêu gọi thêm nhiều dự án vào các lĩnh vực như sản xuất điện tử, thiết bị y tế…
Tạo nguồn lực từ FDI Nhật Bản
Tại Hội thảo kết nối hợp tác Đà Nẵng – Nhật Bản mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu. Ngoài ra, còn có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác.
Cầu vượt Mikazuki qua đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) – công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản
“Hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đạt những kết quả tích cực. Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng”, ông Minh thông tin.
Theo ông Minh, nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào các dự án chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp giúp tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.
Bên cạnh đó, Nhật Bản được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) tổng lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt hơn 183.000 lượt, tăng gần 200% so với năm 2015 (92.000 lượt).
Đại diện Công ty N&V Bridge (Nhật Bản) – doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng khu nghỉ dưỡng và sản xuất truyện tranh cho biết, mới đây đã kết hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 1 bộ truyện tranh nhận được sự quan tâm từ nhiều độc giả. Bên cạnh đó, Công ty cũng ký kết đưa thực tập sinh Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng) sang Nhật Bản thực tập; đồng thời xúc tiến xây dựng tổ chức phi chính phủ hỗ trợ du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản.
Còn đại diện Công ty dịch vụ vận chuyển Sakai thì bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác. Công ty Sakai được thành lập từ năm 1971. Khi bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển nhà, Công ty Sakai đã nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Thời điểm đó, sự gia tăng dân số của Việt Nam tương đồng với Nhật Bản.
Trong buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhân chuyến thăm và làm việc của Đại sứ tại Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định, Đà Nẵng cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, du khách Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, du lịch tại thành phố. Đà Nẵng cũng ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương mở rộng quan hệ hợp tác nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản.
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ, hiện tại, đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam đang trở nên khó khăn ở các tỉnh phía Bắc vì các vấn đề về điện lực ngày càng phát sinh. Ở các tỉnh phía Nam thì bài toán thiếu hụt nhân lực đang ngày càng trầm trọng và sự tăng giá thuê đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp. “Miền Trung với trung tâm là TP. Đà Nẵng, giá thuê khu công nghiệp vẫn còn rẻ, đảm bảo được nguồn nhân lực nên đang nhận được sự quan tâm cao từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được coi là một điểm đến đầu tư mới”, ông Yakabe Yoshinori nhìn nhận.
Có thể nói, nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm tới Đà Nẵng, sự hiện diện của nhiều dự án tại Đà Nẵng cũng như quan hệ kết nối hữu nghị lâu nay đã chứng tỏ Đà Nẵng là địa chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Chính quyền Thành phố nên xem đây là cơ hội để tạo nền móng cho việc thu hút dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia khác trên thế giới, góp phần cải thiện tình hình thu hút FDI trên địa bàn.
Samsung hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Trưa 12-9, Samsung Việt Nam (VN) phối hợp cùng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp (DN) VN tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo TP Đà Nẵng năm 2023 khai mạc sáng cùng ngày.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp VN tại Đà Nẵng và miền Trung.
Tiếp nối thành công tại khu vực phía Bắc và phía Nam, dự án phát triển nhà máy thông minh cho DN VN tiếp tục được nối dài tới khu vực miền Trung với điểm đến đầu tiên là Đà Nẵng.
Dự án nhằm nâng cao năng lực của các DN VN tại Đà Nẵng thông qua việc tư vấn thiết lập nhà máy thông minh, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN. Từ đó giúp các công ty VN đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo biên bản ghi nhớ, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: sàng lọc các DN sản xuất và lập danh sách các DN địa phương tiềm năng cho dự án, tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy.
Ngoài ra còn có việc lựa chọn DN và nhân lực phù hợp tham gia dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn, hay thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.
Trước khi triển khai tại miền Trung, từ năm 2022, dự án phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai tại năm tỉnh/TP phía Bắc và bốn tỉnh/TP phía Nam. Dự án góp phần hỗ trợ đào tạo 87 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại VN và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 38 DN trên cả nước.
Đây là dự án được Samsung và Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2-2022 với mục tiêu nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của DN.
Theo biên bản ghi nhớ, giai đoạn 2022 – 2023, chương trình sẽ hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 DN và đào tạo 100 chuyên gia VN trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh.
Trong khi giá chung cư tăng, biệt thự và nhà liền kề ở Đà Nẵng vẫn duy trì mức giá khá tốt, không có nhiều thay đổi. Thực tế, thị trường bất động sản nơi này hơn 3 năm qua gần như đi ngang.
Bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, Đà Nẵng khá khác biệt nếu so với các thị trường nghỉ dưỡng khác trong khu vực. Nếu như Phuket hay Bali chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng thì Đà Nẵng lại có sự kết hợp với nghỉ dưỡng và ở lâu dài.
Bất động sản Đà Nẵng là thị trường đặc biệt và tiềm năng
Bà Dung nhấn mạnh, bất động sản Đà Nẵng hiện nay là một thị trường khá đặc biệt. Trong 3 năm qua, giá bất động sản nơi này vẫn giữ sự ổn định bất chấp những cơn sốt nóng lạnh ở các vùng đất khác. Tuy nhiên, thị trường nơi này lại có sự thay đổi khá nhiều về loại hình sản phẩm. Ngoài những sản phẩm nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, Đà Nẵng hiện nay còn xuất hiện thêm nhiều phân khúc khác như: Căn hộ chung cư cao cấp, nhà biệt thự và liền kề để ở.
Trong 3 năm qua, giá bất động sản Đà Nẵng vẫn giữ sự ổn định bất chấp những cơn sốt nóng lạnh ở các vùng đất khác.
Trong khi những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khá trầm lắng, bất động sản để ở tại Đà Nẵng vẫn thu hút sự quan tâm của người mua, giá cả có sự biến động nhất định. Giá của căn hộ chung cư đã tăng khoảng 30% so với 1 năm trước, nhưng đây là những căn hộ thuộc phân khúc sang trọng hơn, cao cấp hơn.
Trong khi giá chung cư tăng, biệt thự và nhà liền kề ở Đà Nẵng vẫn duy trì mức giá khá tốt, không có nhiều thay đổi. Thực tế, thị trường bất động sản nơi này hơn 3 năm qua gần như đi ngang.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định: “Hiện tại thị trường vẫn còn một lượng nhà đầu tư lướt sóng trong giai đoạn này. Nếu bán ra, sự giảm giá sẽ không đáng kể. Bất động sản Đà Nẵng hiện nay khá tốt cho người mua để ở. Người mua để ở có thể cân nhắc những dự án đang chào bán, hoặc mua tại thị trường sơ cấp với những sản phẩm đẹp, có pháp lý tốt”.
Nếu chờ đợi thêm 1-2 năm nữa, người mua sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Theo ước tính, nguồn cung giai đoạn 2023-2025 có thể đón nhận 6.000 căn chung cư mới và 500 căn thấp tầng. Tuy nhiên, mức giá sẽ cao hơn hiện tại bởi thị trường đang có xu hướng hồi phục.
Xét về dài hạn, Đà Nẵng không chỉ có tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng. Khu vực này sẽ mở rộng không gian phát triển, thu hút vốn FDI và hình thành các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, thu hút đông đảo người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài. Theo bà Dung, sự phát triển của căn hộ cao cấp và biệt thự để ở là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh chất lượng sống ở Đà Nẵng ngày càng tăng cao.
Thời gian qua, Đà Nẵng là khu vực đô thị được nhiều người giàu hướng đến sinh sống, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài.
Thời gian qua, Đà Nẵng là khu vực đô thị được nhiều người giàu hướng đến sinh sống, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài. Nơi đây có không gian sống rộng rãi, khí hậu dễ chịu, tiện nghi tiện ích đầy đủ. Vì thế, bất động sản Đà Nẵng không chỉ phát triển ở phân khúc nghỉ dưỡng mà còn phát triển mạnh nhà ở cao cấp và định cư lâu dài. Chưa kể, Đà Nẵng đang thu hút nguồn vốn FDI rất mạnh, nên thị trường nhà ở cao cấp ở đây vô cùng tiềm năng. Thị trường này không chỉ phục vụ khách là người nước ngoài mà còn các nhà đầu tư từ Hà Nội, TPHCM mua để phục vụ cho việc đầu tư cho thuê.
Hiện nay, Đà Nẵng đang xuất hiện nhiều dự án ven sông view đẹp, phục vụ khách hàng có nhu cầu về chất lượng sống cao cấp, đúng chuẩn quốc tế. Theo bà Dung, xu hướng bất động sản chung cư, biệt thự cao cấp tại Đà Nẵng trong tương lai rất phổ biến, thu hút nhiều nhà đầu tư từ các nơi đến mua để ở, kết hợp đầu tư.
Thời điểm thích hợp để “chốt” bất động sản Đà Nẵng
Theo nhiều ý kiến, bất động sản Đà Nẵng đang thấp hơn so với thị trường Nha Trang hoặc một số thị trường ven biển khác. Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, rất khó để tiến hành so sánh giá cả giữa các thị trường. Dễ dàng thấy được, tại Nha Trang chủ yếu là những sản phẩm nghỉ dưỡng, ở Đà Nẵng lại là kết hợp khách mua để nghỉ dưỡng cùng với ở lâu dài. Những dự án tại ven biển Nha Trang rất đắt nhưng tại Đà Nẵng, nhiều người lại thích các dự án ven sông hơn ven biển, bởi điều mà họ hướng đến là để ở.
Thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm bất động sản tại Đà Nẵng đang được rao bán với giá tốt.
Nếu như xét trong khu vực, hiện tại không có nhiều thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, Phuket hay Bali chỉ đơn thuần là một thị trường nghỉ dưỡng mà thôi. Những thị trường này không có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng cùng với ở lâu dài như Đà Nẵng. Đà Nẵng nếu so sánh với các thị trường nghỉ dưỡng trong khu vực thì khá đặc biệt, bởi đây là một thị trường giàu tiềm năng.
Bà Dung cũng cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện đang ở mức giá tốt nhất. Chu kỳ hồi phục của bất động sản nơi đây sẽ bắt đầu từ giữa năm sau, tiếp đến sẽ nhanh chóng chuyển sang một chu kỳ phát triển mới. Đương nhiên, giá cả khi đó sẽ tăng lên, đặc biệt là căn hộ chung cư, biệt thự để ở sẽ chứng kiến được sự tăng trưởng.
Thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm bất động sản tại Đà Nẵng đang được rao bán với giá tốt. Đây có thể là thời điểm thích hợp cho những người có tài chính dư giả muốn đầu tư. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mọi người tìm được sản phẩm tốt. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể chờ đợi đến giai đoạn 2024, lúc này số lượng sản phẩm được chào bán ra nhiều hơn, nhưng mức giá sẽ cao hơn.
Là thành phố hút khách hàng đầu Việt Nam và đang trên lộ trình vươn tới điểm đến toàn cầu nhưng Đà Nẵng được đánh giá có nhiều yếu tố vượt trội hơn so với Phuket, Bali về tiềm năng của thành phố đáng sống tầm cỡ.
Nhận diện đô thị du lịch khác biệt của khu vực
Phuket, Bali hay Maldives đều là “thiên đường” du lịch hàng đầu, những điểm đến thường xuyên góp mặt trên những bảng xếp hạng du lịch danh giá. Tại Việt Nam, xét về tự nhiên, sinh thái hay hạ tầng… Đà Nẵng có không ít “tài nguyên” về tự nhiên, hạ tầng, hay thu hút đầu tư… để đưa “Việt Nam ra với thế giới” và cạnh tranh trực tiếp cùng Phuket, Bali hay Maldives trên bản đồ khu vực.
Sở hữu đường bờ biển dài đến 92km, cùng các đảo, bán đảo; hệ sinh thái đa dạng sông – biển – rừng – núi, thành phố sông Hàn cũng là thủ phủ kinh tế miền Trung với đủ bộ hạ tầng kết nối liên vùng, liên quốc gia gồm đường thủy – bộ – không – sắt.
Suốt những năm qua, Đà Nẵng liên tiếp được đầu tư sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp như khu du lịch Sun World Ba Na Hills, công viên châu Á Asia Park; các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort hay loạt sự kiện lễ hội quy mô như Lễ hội Pháo hoa quốc tế DIFF, Liên hoan phim châu Á hay các carnival đường phố, lễ hội âm nhạc… góp phần giúp du lịch Đà Nẵng thăng hạng nhanh và chắc.
Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên và sản phẩm du lịch
Trước Covid-19, doanh thu từ du lịch đóng góp đến 80% giá trị kinh tế của Phuket. Con số này với Bali cũng dao động ở mức 60-80% GDP. Với 2 điểm đến này, du lịch là ngành “xương sống”. Trong khi, quy chiếu về Đà Nẵng, năm 2019, du lịch đóng góp hơn 30% vào GRDP của thành phố. Nhìn trên cơ cấu kinh tế địa phương, du lịch được xem là ngành chiếm tỷ trọng cao; nhưng so với Bali hay Phuket (xấp xỉ 80%), sự phụ thuộc vào du lịch của Đà Nẵng có phần hạn chế hơn. Xét trên cơ cấu chung, các ngành tạo ra nguồn thu cho thành phố còn bao gồm công nghiệp, nông nghiệp… góp phần thu hút nguồn vốn FDI cùng lực lượng lao động, sáng tạo, chuyên gia đến thành phố làm việc, sinh sống.
Trong định hướng phát triển đến năm 2045 Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Điều đó đồng nghĩa, Đà Nẵng hướng tới hình mẫu phát triển đa chiều, đa cực. Không chỉ là đô thị biển quốc tế; Đà Nẵng với dòng sông Hàn và hệ sinh thái đa dạng còn hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh – một thành phố đáng sống, đáng đầu tư tầm cỡ.
Thành phố hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh.
Hướng đi này có thể đánh giá là một trong những điểm khác biệt rõ rệt của thành phố sông Hàn khi so với các đô thị du lịch điển hình như Phuket hay Bali. Và theo đánh giá từ bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, đây cũng là lợi thế riêng biệt của Đà Nẵng khi “Nhìn trong khu vực, hiện không có nhiều thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, Phuket hay Bali chỉ đơn thuần là thị trường nghỉ dưỡng. Các thị trường này không có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng và ở lâu dài như Đà Nẵng. So với thị trường nghỉ dưỡng trong khu vực, Đà Nẵng khá đặc biệt. Đây là một thị trường giàu tiềm năng”.
Để khác biệt trở thành riêng biệt
Không chỉ được trao tặng loạt giải thưởng danh giá về du lịch như “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” (WTA bình chọn); Top 10 điểm đến năm 2020 của Google; Top 21 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 của Tripadvisor… năm 2018, Đà Nẵng còn xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên để trở thành 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới do Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas bình chọn. Sự công nhận của các chuyên gia quốc tế với Đà Nẵng xuất phát từ nhiều lợi thế khác biệt của thành phố mỗi năm thu hút đến 16.000 người nhập cư, với tỷ lệ tăng dân số cơ học lên tới gần 16% này.
Trước tiên, nếu xét trên lợi thế về vị trí, thành phố sông Hàn khá vượt trội, bởi nếu Phuket, Bali hay Maldives đều là các thành phố đảo; thì Đà Nẵng sở hữu vị trí chiến lược cả kinh tế lẫn an ninh – quốc phòng; là mắt xích quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây. Tuy nhiên, lợi thế khác biệt của Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở vị trí.
Đà Nẵng từng được bình chọn là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới.
Nền tảng về hạ tầng đô thị và dân sinh được đánh giá góp phần không nhỏ tạo ra sức bật để thành phố biển dần vươn tới tiêu chuẩn “đáng sống”. Nhiều năm qua Đà Nẵng theo đuổi mục tiêu thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã cải thiện đáng kể cuộc sống người dân, mang đến góc nhìn tích cực, thiện cảm tốt đẹp từ du khách. Bên cạnh đó, hệ thống y tế và giáo dục địa phương cũng được đẩy mạnh rõ rệt với 21 bệnh viện công/tư, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đứng thứ 2 cả nước; thành phố hiện có 9 trường quốc tế đào tạo đa cấp và 7 trường cao đẳng, đại học quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục chất lượng cao ngày một tăng.
Ý thức được những lợi thế này, Đà Nẵng đã đưa mục tiêu trở thành thành phố đáng sống vào quy hoạch, định hướng phát triển đến năm 2030. Nhưng theo nhiều chuyên gia, để biến khác biệt thành lợi thế riêng biệt, thực sự trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp cao; Đà Nẵng còn nhiều việc cần làm. Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Làm được những nhiệm vụ đó, phải có liên minh phát triển giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Đà Nẵng cần là một hình mẫu để thu hút “đại bàng”, trở thành tổ ấm của những “đại bàng” lớn”.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đà Nẵng không chỉ phải đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ cùng kinh tế số mà còn cần phải là nơi “đáng sống theo nghĩa “anh hùng” chọn là nơi để sống” – nói cách khác phải trở thành “miền đất hứa” của giới chuyên gia, người thành đạt đến sống, định cư và làm việc lâu dài. Đà Nẵng cần phát triển thêm các đô thị để ở chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu mua hay thuê nhà của các công dân toàn cầu.
Đô thị chất lượng cao là những mảnh ghép cần bổ sung để Đà Nẵng thực sự đáng sống. Ảnh Istock
Nhìn về tương lai thị trường nhà ở cao cấp tại Đà Nẵng, chuyên gia từ CBRE cũng đánh giá “miếng bánh” này rất tiềm năng khi những khu đô thị “all in one” phục vụ mọi nhu cầu của cư dân“sẽ không chỉ phục vụ khách là người nước ngoài, mà còn kéo theo những nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM mua để đầu tư cho thuê”. Đặc biệt, trong bối cảnh các trào lưu như workcation, staycation, digital nomad đang ngày càng phổ biến.
Tạp chí Lonely Planet từng giới thiệu Đà Nẵng là một trong những đô thị thú vị nhất Việt Nam. Sự thú vị của “thủ phủ miền Trung” đến từ ưu ái của tạo hóa ban cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp; sự thú vị cũng có thể đến từ vị trí địa lý chiến lược, văn hóa hay cả lịch sử. Trong tương lai, nếu thành phố sông Hàn giải được bài toán về đầu tư, thu hút chất xám đến với địa phương; không lâu nữa; sự thú vị của nơi đây sẽ tăng thêm nhiều phần trong diện mạo của một thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư hàng đầu Việt Nam./.
Tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng với đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, mặt đường cao cấp A1.
Ngày 8/9, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công công trình Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan.
Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 2,963km, mặt cắt ngang 30m, gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60Km/h, kết cấu mặt đường cấp cao A1 với tổng vốn đầu tư 1.203 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng).
Các công trình chính gồm xây dựng các cầu vượt khác mức tại nút giao đầu tuyến với đường sắt Bắc – Nam và đường Nguyễn Văn Cừ (Quốc lộ 1A), cầu vượt khác mức tại nút giao cuối tuyến với đường tránh Hải Vân – Túy Loan đảm bảo các dòng xe ra vào cảng độc lập, không giao cắt khi qua nút.
Công trình còn có hạng mục xây dựng cầu qua kênh theo quy hoạch và xây mới cầu Liên Chiểu, xây dựng hầm chui đường vào Suối Lương và hầm chui đường nội bộ Khu Công nghiệp Liên Chiểu.
Cạnh đó, xây dựng mới, đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật cấp điện, chiếu sáng, cây xanh, cáp thông tin, thoát nước và các công trình phụ trợ khác.
Công trình tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu do Ban Quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên làm chủ đầu tư.
Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Dacinco – Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh – Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả – Công ty CP Xây dựng Xuân Quang – Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Nhất Huy – Công ty CĐ ĐT Việt Anh là đơn vị thi công.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Phối cảnh tuyến đường ven biển kết nối cảng Đà Nẵng với đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ góp phần tăng khả năng khai thác cảng Liên Chiểu, kết nối nhanh, an toàn với hệ thống giao thông quốc gia và giao thông đô thị trong khu vực.
Đồng thời, tuyến đường cũng tạo lợi thế thu hút đầu tư, kết nối các khu công nghiệp ở Đà Nẵng và các địa phương miền Trung, Tây Nguyên với cảng Liên Chiểu.