Tag: the sang residence

  • Đà Nẵng đầu tư thực hiện nhiều dự án giao thông lớn trong thời gian tới

    UBND thành phố Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện các dự án lớn như: di dời ra đường sắt và tái thiết đô thị; công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn; đầu tư xây dựng hầm qua sân bay…

    Cụ thể, theo Báo cáo số 223/BC-UBND ngày 28/6/2024, dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên qua ra khỏi trung tâm thành phố là một trong những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và an ninh – quốc phòng của thành phố Đà Nẵng.

    Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực đầu tư dành cho ngành đường sắt còn khó khăn, cùng với việc Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư mạng lưới tuyến đường bộ cao tốc nên dẫn đến kéo dài thời gian di dời ga đường sắt Đà Nẵng đến vị trí mới theo quy hoạch (chỉ xem xét nghiên cứu đầu tư sau năm 2030).

    Trong khi chờ Trung ương triển khai theo quy hoạch, UBND thành phố Đà Nẵng đã lựa chọn đơn vị tư vấn, nghiên cứu, lập hồ sơ phương án di dời ra đường sắt, báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thông qua phương án: toàn bộ phần hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt của ga Đà Nẵng sẽ dời ra ga Kim Liên, phần hành khách ga Đà Nẵng sẽ dời ra khu vực hồ Trung Nghĩa.

    Hiện thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan, dự kiến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 và đến tháng 10/2025 sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi…

    UBND thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị HĐND thành phố cho phép tách dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng thành 2 dự án: dự án Di dời ga hàng hóa, công trình phụ trợ, các cơ quan ngành đường sắt, ga hành khách và dự án Đầu tư xây dựng ga mới theo quy hoạch; trong đó, dự án Đầu tư xây dựng ga mới theo quy hoạch sẽ được thực hiện sau và do Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện.

    Cũng theo Báo cáo, công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa – Trần Phú (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), hay còn gọi là hầm qua sông Hàn nằm trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

    Hiện Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng phối hợp các đơn vị tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; dự kiến hoàn thành trình cấp có thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 12/2024. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND thành phố thống nhất chủ trương bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn trong Kế hoạch vốn công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vốn năm 2024 làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

    Đối với công trình Hầm qua sân bay Đà Nẵng cũng được UBDN thành phố Đà Nẵng đề xuất bố trí vốn năm 2024 đế thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện. Sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng sẽ lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự kiến tháng 9/2024); dự kiến hoàn thành trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý I/2025 và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2025.

    Ngoài ra, dự án Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan có tổng chiều dài 11,5 km, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 951 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải đã tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng do UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện. Chủ đầu tư Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng là Ban quản lý các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng.

    Đến nay, tại Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng đã kiểm đếm 1.207/1,216 hồ sơ, kiểm đếm 2,758 mồ mả; đã chi trả và bàn giao mặt bằng 832 hồ sơ, bàn giao 2.450 mồ mả. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bàn giao cho dự án trên tuyến chính là 8,32 km/11,5 km (đạt 72,3%) và 2 tuyến đường gom là 13 km/20 km (đạt 65%).

    Đối với việc bố trí tái định cư, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết dự kiến bàn giao đất thực tế để bố trí tái định cư đợt 1 trong tháng 5/2025, bàn giao từng đợt theo tiến độ bố trí đất tái định cư và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.

    Mời xem thêm: Đà Nẵng lên kế hoạch xây dựng hầm chui qua sông Hàn

  • Đầu tư căn hộ chung cư lợi nhuận cao gấp 2 lần so với gửi ngân hàng và mua vàng

    Theo Savills, kể từ năm 2020, giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.

    Theo báo cáo quý II/2024 của Savills, về phân khúc căn hộ Hà Nội, nguồn cung mới ghi nhận 2.697 căn từ 7 dự án, giảm 34% theo quý và 25% theo năm. Nguồn cung sơ cấp với 10.317 căn giảm 20% theo quý và 49% theo năm.

    Trong quý vừa qua, số lượng căn bán được đạt 5.085 căn, giảm 4% theo quý nhưng tăng 104% theo năm. Trong đó, hạng B chiếm 96% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 59%. Giá sơ cấp đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Theo Savills, kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.

    Tại thị trường thứ cấp, với nguồn cung sơ cấp giảm tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng. Các sản phẩm thứ cấp phần lớn đã sẵn sàng để ở, có đầy đủ pháp lý và giá cả phải chăng hơn.

    Về phân khúc bình dân, theo Savills, trong quý II/2024 thị trường Hà Nội không có nguồn cung mới nào dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C đã giảm 45% mỗi năm. Hạng C sẽ đóng góp 25% nguồn cung tương lai.

    “Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu bất động sản trước mắt và nền tảng tăng trưởng lâu dài. Các dự án trọng điểm có thể mở ra các lựa chọn nhà ở giá phải chăng tại khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ Phận Nghiên Cứu và Tư Vấn – Savills Hà Nội chia sẻ.

    Về triển vọng, bà Hằng cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, 8 đợt mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp 13.460 căn hộ hạng B và sẽ không có nguồn cung hạng A và hạng C mới. Trong đó, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm sẽ cung cấp 93% thị phần. Từ năm 2025 trở đi, gần 100.000 căn từ 105 dự án sẽ được đưa ra thị trường.

    Thời gian qua, thị trường chung cư tại Hà Nội đã chứng kiến làn sóng tăng giá mạnh mẽ. Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá mua, bán và cho thuê căn hộ không ngừng tăng trong thời gian qua cũng đã phá bỏ định kiến đầu tư căn hộ là “tiêu sản”.

    “Nếu như trước đây, đa phần người dân cho rằng căn hộ là loại hình mua bán không sinh lời, chỉ có lỗ, còn lựa chọn đầu tư nhà đất thổ cư, có mảnh đất cắm dùi mới là phương án tối ưu bởi dễ thanh khoản và khả năng sinh lời cao. Hiện nay, việc đầu tư căn hộ rồi cho thuê lại đã trở thành xu hướng phổ biến tại các thành phố lớn khi vừa thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê hàng tháng – cao hơn gửi tiết kiệm, vừa được hưởng lợi từ khả năng tăng giá”, TS Nguyễn Văn Đính nói.

    Việc chung cư tăng giá mạnh trong những năm gần đây đã khiến nhà đầu tư thắng lớn so với lãi suất gửi ngân hàng. Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, địa ốc chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm. Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.

    Như vậy, lợi nhuận từ việc đầu tư bất động sản nói chung hay chung cư nói riêng có thể giúp nhà đầu tư có lợi nhuận gấp 2,3 lần so với gửi ngân hàng và gấp gần 2 lần so với đầu tư vàng.

    Mời xem thêm: Hơn 253.000 giao dịch bất động sản thành công 6 tháng đầu năm 2024

  • Quy định về đất xây dựng khu chung cư theo Luật Đất đai 2024

    Điều 197 Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định về đất xây dựng khu chung cư.

    Cụ thể, đất xây dựng khu chung cư bao gồm đất ở để xây dựng nhà chung cư, xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho đời sống của người dân trong khu chung cư và đất để xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng theo quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Đất xây dựng khu chung cư phải bảo đảm đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

    Bên cạnh đó, tại Điều 49 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định rõ chế độ sử dụng đất xây dựng nhà chung cư. Cụ thể như sau:

    (1) Đất xây dựng nhà chung cư, nhà chung cư có mục đích hỗn hợp để ở và làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ (sau đây gọi chung là nhà chung cư) bao gồm đất xây dựng khối nhà chung cư, đất làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà chung cư, đất xây dựng các công trình hạ tầng.

    (2) Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất thuộc dự án theo quy định sau đây:

    Đối với diện tích đất xây dựng nhà chung cư và đất xây dựng công trình hạ tầng do chủ đầu tư sử dụng để kinh doanh theo dự án đầu tư và quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    Đối với diện tích đất làm đường giao thông, các công trình hạ tầng khác phục vụ cho người dân ở cả trong và ngoài nhà chung cư mà chủ đầu tư không sử dụng để kinh doanh dịch vụ theo dự án đầu tư thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để quản lý, xây dựng công trình và không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bàn giao cho địa phương quản lý đối với diện tích đất đó sau khi đã hoàn thành xây dựng theo dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.

    (3) Quyền sử dụng đất và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các dự án xây dựng nhà chung cư để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được thực hiện theo quy định sau đây:

    (i) Diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là căn hộ) bao gồm diện tích đất xây dựng khối nhà chung cư, làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà và đất xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài nhà chung cư nhưng để phục vụ trực tiếp cho nhà chung cư được chủ đầu tư bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ tự tổ chức quản lý, sử dụng theo dự án đầu tư.

    Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung trong dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế mặt bằng công trình để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong các hợp đồng mua bán nhà ở và bản vẽ hoàn công công trình để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua.

    (ii) Quyền sử dụng đất quy định tại (i) là quyền sử dụng chung theo phần không thể phân chia. Tỷ lệ phần quyền sử dụng đất được tính bằng tỷ lệ diện tích căn hộ chia cho tổng diện tích sàn của các căn hộ trong nhà chung cư. Việc sử dụng và định đoạt đối với quyền sử dụng đất khu chung cư do đa số người chiếm tỷ lệ phần quyền sử dụng đất quyết định nhưng phải phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và phù hợp với quy định của pháp luật.

    Chủ sở hữu căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất sử dụng chung quy định tại (i) theo thời hạn ổn định lâu dài; diện tích căn hộ được xác định theo hợp đồng mua bán căn hộ.

    (iii) Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ thì Giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư quy định tại (2) phải được chỉnh lý biến động để chuyển sang hình thức sử dụng đất chung đối với phần diện tích đất quy định tại (i).

    Mời xem thêm: Đẩy các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản

  • Đà Nẵng được phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do

    Bộ Chính trị cho phép Đà Nẵng triển khai thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Đây là một điểm rất mới mà hiện nay cả nước chưa có một địa phương nào thực hiện.

    Thông tin được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/4.

    Ông Quảng cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng để làm cơ sở, xem xét, sửa đổi Nghị quyết 119.

    Vừa qua, Bộ chính trị đã nghe Ban Kinh tế Trung ương và TP. Đà Nẵng báo cáo kết quả. Bộ Chính trị đã thảo luận và đánh giá rất cao quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của TP. Đà Nẵng, bước đầu ghi nhận những kết quả.

    Theo Bí thư Đà Nẵng, Bộ Chính trị cũng chia sẻ những khó khăn của Đà Nẵng trong quá trình triển khai, đặc biệt Nghị quyết 43 triển khai trong bối cảnh Đà Nẵng bước vào giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2020-2025 với những khó khăn, thách thức hết sức lớn và chưa có tiền lệ đó là đại dịch Covid-19. Những khó khăn, thách thức này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai, thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 43 nêu ra.

    Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đánh giá, mặc dù Nghị quyết 43 đã ban hành nhưng sự quan tâm để có những cơ chế, chính sách đột phá cho việc thực hiện các mục tiêu chưa đủ để đảm bảo cho việc này.

    Bí thư Đà Nẵng cho hay thành phố trong thời gian vừa qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phải giải quyết, khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án. Các khó khăn này chậm được giải quyết, chậm được khắc phục, trong đó nhiều nội dung vượt thẩm quyền của thành phố. Đây là một trong những việc mà Bộ Chính trị cũng ghi nhận, đánh giá. Hiện nay Bộ Chính trị đang cho chủ trương đề án của Ban cán sự Đảng trình tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

    Bộ Chính trị cũng đánh giá điều kiện, không gian, dư địa phát triển của Đà Nẵng sau một thời gian phát triển khi tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hiện nay các dư địa cũng như nguồn lực, động lực cho sự phát triển đang bị hạn chế, cần có những động lực mới, những định hướng mới cho việc đó.

    Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43. Trong đó, cho phép Đà Nẵng chính thức thực hiện chính quyền đô thị và kèm theo đó có một số cơ chế để đảm bảo cho mô hình chính quyền đô thị này, để tổ chức triển khai có hiệu quả.

    “Cùng với Hà Nội và TP. HCM, nếu tới đây Quốc hội thông qua, chúng ta có mô hình chính quyền đô thị cấp quận, phường không có HĐND và bộ máy được tinh gọn hơn”, ông Quảng nói thêm.

    Đồng thời, Bộ Chính trị cũng cho ý kiến và kết luận cần phải tìm động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng với việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể hơn.

    “Đà Nẵng chúng ta được Trung ương, Bộ Chính trị xác định cái gì cũng là trung tâm, trung tâm của các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu bây giờ thành phố triển khai tất cả các mục tiêu này thì rất khó để thực hiện. Bộ Chính trị đề nghị xác định rõ một số trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có cho phép Đà Nẵng triển khai thí điểm việc hình thành khu thương mại tự do. Đây là một điểm rất mới mà hiện nay cả nước chưa có một địa phương nào thực hiện. Nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

    Theo Bí thư Đà Nẵng, Bộ Chính trị cũng cho phép xây dựng các cơ chế chính sách để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học công nghệ cao của cả nước và trước mắt tập trung vào một số ngành mới nổi như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, một ngành và lĩnh vực đang có ưu thế thu hút nhà đầu tư lớn vào thành phố; cho chủ trương để hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và một số ngành, lĩnh vực khác.

    Theo đề xuất của Đà Nẵng, khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại – dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho thành phố.

    Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng quyết định chủ trương đầu tư và thành lập khu thương mại Đà Nẵng, có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đối với khu vực khu thương mại tự do theo quy hoạch thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư để xây dựng khu thương mại tự do.

    Nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu thương mại tự do được giao đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất tương tự như đối với khu kinh tế hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất.

    Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách của khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý.

    Mời xem thêm: Những cơ chế đặc thù để Đà Năng cất cánh 

  • Giá liên tục xác lập “kỷ lục” mới, chung cư đã được xem là một tài sản thay vì quan điểm “tiêu sản” như trước kia

    Quan điểm căn hộ là “tiêu sản” dường như đã là câu chuyện của ngày trước, hiện nay quan điểm này đã thay đổi, người mua dần nhận thấy rằng dòng sản phẩm căn hộ tại các đô thị lớn cũng là một tài sản.

    Đã qua thời coi chung cư là “tiêu sản” 

    Báo cáo Thị trường Bất động sản Hà Nội quý 1/2024 của Savills cho thấy, nguồn cung căn hộ ghi nhận trong quý 1/2024 tăng 41% theo quý và 99% theo năm với 4.062 căn. Nguồn cung sơ cấp trong quý đạt 12.928 căn, tăng 9% theo quý nhưng giảm 34% theo năm.

    Can Ho Chung Cu 293

    Tình trạng mất cân bằng cung – cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại. Thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 (Hạng C), các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và đã được bán hết. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C giảm 47% mỗi năm.

    Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định: “Nguồn cung tập trung chủ yếu về căn hộ hạng B là chiếm đến gần 90%. Phân khúc căn hộ hạng C trên thị trường sơ cấp và căn hộ hạng A chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Hơn nữa, từ nay cho đến cuối năm, mặc dù các đạo luật lớn cũng đã được thông qua, nhưng nguồn cung mới vẫn chưa thể được cải thiện”.

    Trong khi đó, tại cả hai thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở là khoảng 50.000 ngôi nhà. Đây là kết quả của nhập cư, ra ở riêng của những người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm… Con số về nguồn cầu này đã không được đáp ứng bởi hạn chế nguồn cung trong một thời gian, khiến nhu cầu về nhà ở bị dồn nén. Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô như thị trường vàng biến động đi kèm lãi suất ở ngưỡng thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư hợp lý và có tính dài hạn, vô hình chung khiến nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại thị trường Hà Nội càng tăng cao.

    Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý 1/2024. Báo cáo của Savills trong quý cho thấy, giá sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đạt 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 14% theo năm.

    Hơn nữa, trong điều kiện giá sơ cấp neo ở mức cao, thị trường thứ cấp cũng ghi nhận lượng giao dịch tăng trưởng và giá cũng đã có mức tăng so với giá trước đó. Thị trường thứ cấp trong thời gian trước cũng có mặt bằng giá hợp lý hơn so với giá sơ cấp, tuy nhiên trước nhu cầu về nhà ở ngày một lớn, giá thứ cấp trong những tháng đầu năm 2024 đồng thời ghi nhận mức tăng.

    Cũng theo bà Hằng, tâm lý người mua đã có sự chuyển biến. Quan điểm căn hộ là “tiêu sản” dường như đã là câu chuyện của ngày trước, hiện nay quan điểm này đã thay đổi, người mua dần nhận thấy rằng dòng sản phẩm căn hộ tại các đô thị lớn cũng là một tài sản. Thậm chí, nếu như trước kia, quyết định mua căn hộ cần được cân nhắc khá lâu bởi đây cũng được xem là một khoản có giá trị lớn thì gần đây người mua nhà hiện nay không đợi quá lâu để đưa ra quyết định mua. Quyết định mua hiện được đưa ra nhanh hơn và việc đặt cọc cũng diễn ra nhanh hơn.

    Tuy nhiên, bà cũng giải thích, đây không phải là câu chuyện của toàn bộ thị trường: “Đối với các dự án căn hộ mà giá không đi đôi với với chất lượng sản phẩm thì chưa chắc người mua đã đưa quyết định nhanh chóng. Các dự án trong quý 1/2024 thu hút sự quan tâm của thị trường đều là những dự án từ chủ đầu tư uy tín với sản phẩm một khi được tung ra thị trường có sự đảm bảo nhất định về chất lượng cũng như các yếu tố pháp lý khác. Đồng thời, những chủ đầu tư này thường sử dụng các thương hiệu cũng như các đơn vị tư vấn hàng đầu, từ đơn vị thiết kế, đơn vị thiết kế cảnh quan, thiết kế sản phẩm. Thậm chí nhiều dự án đã được chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị nước ngoài có tên tuổi nhằm nâng tầm uy tín cho chính dự án. Những dự án tốt, chủ đầu tư uy tín, pháp lý đảm bảo là những dự án ghi nhận lượng giao dịch khả quan”.

    Sự dịch chuyển của nguồn cầu tới các khu vực có giá hợp lý

    Trước những diễn biến leo thang về giá, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, bà Hằng đưa ra lưu ý người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý của dự án.

    “Nhìn chung, nếu giá còn tăng, người mua sẽ xem xét bài toàn tài chính của mình. Trong khi nhu cầu ở thực vẫn chiếm tỷ trọng chính, nếu giá tiếp tục đẩy lên cao, người mua có thể cân nhắc và lựa chọn phương án thuê chung cư nội đô, hoặc chấp nhận dịch chuyển nhu cầu tới nguồn cung tại các tỉnh lân cận Hà Nội có giá hợp lý”, bà Hằng cho biết.

    Người mua nhà với nhu cầu ở thực có thể chọn lựa nguồn cung tại những địa phương lân cận như Hưng Yên hay Bắc Ninh, vùng vành đai 4 hoặc vành đai 3,5, nhờ vào sự phát triển cơ sở hạ tầng. Hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp thời gian di chuyển giảm đi. Hơn hết, tại các tỉnh lân cận hoặc khu vực ngoại ô, chủ đầu tư có thể tiếp cận nguồn đất với chi phí thấp hơn, tạo ra nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hơn.

    Được biết, các sản phẩm tại các tỉnh lân cận sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở của Hà Nội. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024 đến năm 2026. Các luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và mang tới cải thiện nhất định cho nguồn cung. Từ năm 2025 trở đi, thị trường sẽ có khoảng 84.400 căn hộ từ 101 dự án sẽ được mở bán.

    Theo Đời sống pháp luật

    Mời xme thêm: Có nên đầu tư vào bất động sản thời điểm này?

  • Có nên đầu tư vào bất động sản thời điểm này?

    Theo chuyên gia, với xu hướng dòng tiền rẻ từ tiết kiệm ngân hàng sẽ có cơ hội đầu tư bất động sản, tuy nhiên, đây không phải là giai đoạn đầu tư ngắn hạn.

    Chuyên gia bất động sản Trần Minh cho rằng, đầu tư tài chính nói chung và đầu tư bất động sản nói riêng dành cho người có kiến thức, am hiểu kinh tế, hiểu thị trường bất động sản, có nhiều trải nghiệm thực tế thì lúc nào cũng có thể đầu tư.

    Còn người chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức và trải nghiệm thực tế thì trước khi đầu tư cần phải xác định rõ mục tiêu, lợi nhuận và rủi ro khi đầu tư. Đồng thời, người đầu tư cần xác định một giới hạn an toàn về tài chính không vượt qua để tránh sai lầm đáng tiếc, gây ra mất mát không thể làm lại.

    Cũng theo ông Trần Minh, thị trường bất động sản hiện nay có 3 tín hiệu tích cực là lãi suất thấp, đầu tư công mạnh, Chính phủ tích cực hỗ trợ thúc đẩy thị trường.

    “Lãi suất thấp khiến dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng chảy một phần sang thị trường bất động sản”, theo ông Minh đây là tín hiệu tích cực nhất.

    Trả lời câu hỏi có nên đầu tư vào bất động sản thời điểm này, với quan điểm chuyên gia đầu tư cá nhân, ông Minh cho rằng với xu hướng dòng tiền rẻ từ tiết kiệm ngân hàng sẽ có cơ hội đầu tư bất động sản.

    Nhưng cơ hội sẽ tập trung ở một số phân khúc như các loại bất động sản hiện hữu, bất động sản đón đầu hạ tầng đầu tư công, bất động sản gần khu công nghiệp cảng biển hay khi du lịch phục hồi là bất động sản du lịch.

    Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cần đi theo dòng tiền để an toàn, khi có dấu hiệu khối lượng mua đột biến, có chủ đầu tư lớn triển khai, có cơ sở hạ tầng triển khai thực tế. Đồng thời, chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần luôn quản trị rủi ro khi đầu tư bất động sản, như kiểm tra pháp lý, quy hoạch. Đặc biệt cần biết lý do tăng giá và thời điểm chốt lời phù hợp.

    Cũng chia sẻ về cơ hội mua bất động sản thời gian này, các nhà đầu tư lâu năm cũng đồng quan điểm cho rằng đây là cơ hội tốt để mua nhà.

    Tuy nhiên, theo ông Trung, trong giai đoạn này những ai muốn đầu tư ngắn hạn thì không nên. Thay vì đó, chúng ta nên đầu tư vào trung hạn, tức là ít nhất là từ 2 năm trở lên để đón được nhịp thị trường cũng như cân đối được dòng tiền.

    Mời xem thêm: Lãi suất cho vay giảm, kích thích nhu cầu mua bất động sản

  • Nhiều nguyên nhân khiến lãi suất giảm nhưng giá nhà chung cư không giảm?

    Có nhiều nguyên nhân tác động khiến giá nhà chung cư cao ngất ngưỡng mà vẫn ít có dấu hiệu hạ nhiệt dù lãi suất đi vay đã giảm mạnh.

    Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng trung ương đã đồng loạt giảm lãi suất điều hành vào năm 2024 nhằm kích thích nền kinh tế.

    Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm qua, giúp hệ thống ngân hàng giảm chi phí đi vay và dồi dào nguồn vốn hơn.

    Theo đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

    Lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 8-9%/năm, giảm gần 2% so với đỉnh điểm vào giữa năm 2023. Điều này dự kiến sẽ khiến chi phí vay mua nhà của người dân giảm đáng kể, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản.

    Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, giá nhà tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là phân khúc nhà chung cư, vẫn giữ ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm trong năm 2024. Thực tế này đã khiến nhiều chuyên gia nhận định thị trường nhà ở vẫn chưa thực sự khởi sắc.

    Có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà chung cư cao ngất ngưỡng mà vẫn ít có dấu hiệu hạ nhiệt dù lãi suất đi vay đã giảm mạnh.

    Thứ nhất, nguồn cung mới sản phẩm nhà ở vẫn rất hạn chế do tồn tại nhiều rào cản pháp lý trong quy trình đầu tư, xây dựng. Quy định về việc phải xây dựng hạ tầng đồng bộ trước còn gây ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung tại nhiều dự án.

    Thứ hai, giá đất tại các khu đô thị sôi động vẫn ở mức rất cao. Đây là yếu tố quyết định chính chi phí đầu vào của các dự án bất động sản nên gây áp lực lớn lên giá bán nhà chung cư. Việc chuyển nhượng đất, tái định cư dân đi khỏi khu vực này cũng rất khó khăn, hạn chế nguồn cung quỹ đất mới.

    Thứ ba, chi phí xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhân công vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Nguồn cung nhân lực xây dựng chất lượng cao còn thiếu và phân bổ không đồng đều tại các đô thị lớn làm tăng giá thành các công trình.

    Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khiến chi phí không giảm theo lạm phát trong nước.

    Nguyên nhân quan trọng thứ tư là kỳ vọng về sự tăng giá nhà đất của các nhà đầu tư và cư dân khi nền kinh tế phục hồi và lạm phát được kiểm soát. Lượng tiền mặt dồi dào trong xã hội cũng kích thích dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá lên cao bất chấp lãi suất vay đã giảm.

    Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng việc vay mua nhà vẫn còn nhiều rào cản về điều kiện tín dụng, thủ tục cho vay. Nhiều ngân hàng duy trì điều kiện khắt khe về vay mua bất động sản để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang ở mức cao.

    Tình trạng giá nhà chung cư không giảm theo lãi suất đã gây ra nhiều khó khăn cho người mua nhà lần đầu và các hộ gia đình có thu nhập thấp, trung bình.

    Dòng tiền khó khăn, nợ xấu ngân hàng có nguy cơ gia tăng trở lại cũng là những rủi ro không nhỏ đối với thị trường.

    Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía chính quyền để đẩy nhanh quá trình tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tạo nguồn cung mới lớn, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đô thị để giảm chi phí đầu vào cho các dự án.

    Đồng thời, các gói vay ưu đãi cho người mua nhà lần đầu, các chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng cần được đẩy mạnh để tăng khả năng tiếp cận đối với đại đa số cư dân.

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần chủ động tìm kiếm nguồn cung vật liệu xây dựng giá rẻ, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí cũng như tăng năng suất lao động.

    Cùng với đó, cần thay đổi chiến lược kinh doanh, chú trọng vào phân khúc nhà ở vừa tầm, hiện đại nhưng vẫn phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

    Tóm lại, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh, nhưng giá nhà chung cư vẫn chưa có dấu hiệu giảm là điều đáng báo động đối với thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024.

    Vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ các nút thắt cung – cầu, hạ nhiệt các kỳ vọng đầu cơ, qua đó đưa giá nhà trở lại đà hợp lý và đáp ứng được nhu cầu thực của đại bộ phận người dân.

    Mời xem thêm: The Sang Residence – “Resort tại gia” dành riêng cho cư dân tinh hoa

  • Những cơ chế đặc thù để Đà Nẵng cất cánh

    Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.

    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.

    Quy hoạch thành phố Đà Nẵng (quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt ngày 2 tháng 11 năm 2023) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cụ thể gồm: (i) quan điểm, mục tiêu phát triển; (ii) phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế- xã hội; (iii) phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; (iv) phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật kèm theo 10 phụ lục với hàng trăm các dự án đầu tư; (v) phương án phát triển hạ tầng xã hội kèm theo 4 phụ lục các dự án đầu tư; (vi) quy hoạch phát triển vùng huyện…

    Thực hiện quy hoạch là một khối lượng công việc khổng lồ, toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy vậy, thời gian còn lại chỉ 7 năm với nguồn lực và năng lực có hạn, cần phải có sự lựa chọn ưu tiên với những thể chế đặc thù khác biệt. Như vậy mới có hy vọng tạo ra bước ngoặt cho phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch.

    Về huy động vốn đầu tư, dự kiến số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch là 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 32 tỷ đô la Mỹ, bằng khoảng 40% GRDP Đà Nẵng. Trong đó, vốn đầu tư nhà nước khoảng 25%, ngoài nhà nước 60-65% và FDI từ 10-15%. Đây là số vốn rất lớn so với năng lực hiện có (vốn đầu tư xã hội năm chỉ bằng hơn 23% GRDP), khoảng 32000 tỷ, bằng 40% số cần huy động.

    Do đó, cơ chế, chính sách huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả nhất là yếu tố quyết định thành công tiếp theo của Đà Nẵng.

    Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đồng ý chủ trương cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ đó, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, nhất là trong phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính – ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương. Nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

    Theo tinh thần quyết liệt thực hiện tốt nhất mục tiêu đã định và chủ trương mà Bộ Chính trị đã quyết định đối với Đà Nẵng, sau đây là một số đề xuất về giải pháp nhằm tăng thêm động lực, nguồn lực góp phần đưa Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng thần kỳ như kỳ vọng.

    Mở rộng không gian phát triển thành phố Đà Nẵng

    Đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng lên ít nhất 25 triệu hành khách/năm để Đà Nẵng thành địa điểm đến và trung chuyển, phân phối khách du lịch cho cả khu vực Trung trung bộ và Tây nguyên, và trung tâm logistics hàng không của cả vùng (hoàn thành trước năm 2028).

    Đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và chuyển tương ứng công năng cảng Tiên Sa.

    Đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B và 14G để kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên, Lào và Myanmar (hoàn thành trước năm 2028).

    Thành lập hội đồng hợp tác phát triển Trung trung bộ và Tây nguyên với chức năng chủ yếu là xác định và phối hợp điều phối thực hiên các dự án ưu tiên đầu tư phát triển của vùng. Hội đồng có bộ máy giúp việc chuyên trách và đủ mạnh về chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề phát triển.

    Huy động vốn đầu tư

    Tăng thêm vốn đầu tư nhà nước, nhất là vốn đầu tư do Trung ương quản lý cho thành phố Đà Nẵng bằng cách tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về ngân sách Trung ương (cho đến năm 2030). Cách này nhằm đảm bảo vốn đầu tư nhà nước đạt 25% tổng vốn đầu tư xã hội của Đà Nẵng như quy hoạch phát triển thành phố đã xác định. Đồng thời, bố trí đủ vốn thực hiện dự án quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên.

    Cho phép Đà Nẵng thực hiện thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Đặc biệt, khuyến khích trong đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch và đô thị hoá như đã nói trên.

    Có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt, vượt trội đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) cùng với điều kiện sống và làm việc thuận lợi tương đương khu vực để hội tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động trình độ cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố.

    Kinh tế thành phố vẫn tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột chính. Đó là: (i) Đô thị hoá theo hướng hiện đại, xanh và thông minh; (ii) Du lịch với đầy đủ hệ sinh thái có các loại dịch vụ đa dạng, chất lượng cao… (iii) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với công nghiệp chế tạo công nghệ cao, nhất là công nghiệp bán dẫn…

    Để thực hiện được định hướng phát triển nói trên, cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là:

    Thứ nhất, áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, tổ hợp thương mại và văn phòng, trung tâm mua sắm, xử lý chất thải rắn và nước thải, bảo vệ môi trường.

    Thứ hai, cho phép thành phố Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh trên hai bên bờ sông Hàn, dự án đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, các trung tâm thương mại đa chức năng, dự án xử lý chất thải.

    Thứ ba, cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch. Số lượng, quy mô các cơ sở casino do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

    Thứ tư, có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo ngoài công lập áp dụng các chương trình đào tạo quốc tế tốt, đào tạo song ngữ (Tiếng Việt và một tiếng nước ngoài phổ biến).

    Thứ năm, đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao khác cho Đại học Đà Nẵng, nhất là trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng và các trường đại học khác.

    Thứ sáu, thành lập quỹ (không giới hạn quy mô với đóng góp của ngân sách địa phương, doanh nghiệp và các nguồn khác) về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; được tự chủ hoạt động theo mục tiêu, các KPIs và theo điều lệ do Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành.

    Thứ bảy, áp dụng thuế thu nhập cá nhân 10% đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động có trình độ cao… làm việc tại doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao khác.

    Cuối cùng, bên cạnh quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo, cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều này góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

    Ngày 24 tháng 1 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 43 NQ/TW về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ngày 2 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.

    Hiện nay, mọi nỗ lực tập trung vào triển khai thực hiện nội dung hai văn kiện nói trên. Hy vọng, những động lực sẽ tiếp tục được phát huy để Đà Nẵng trở thành động lực phát triển của vùng đất miền Trung.

    Chi tiết mời xem thêm: Du lịch Đà Nẵng tăng dần sức nóng

  • Du lịch Đà Nẵng tăng dần sức nóng

    Đón 260.000 lượt khách vào dịp chào năm mới 2024 và hơn 360.000 lượt khách vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, du lịch Đà Nẵng có bước chạy đà ấn tượng cho mùa du lịch cao điểm dịp hè năm nay.

    Liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới với mức giá ưu đãi, đi kèm nâng cao chất lượng dịch vụ, Đà Nẵng kỳ vọng thu hút lượng khách lớn vào cao điểm mùa hè. Đây được coi là bước khởi động rất đúng thời điểm để du lịch Đà Nẵng đạt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách trong năm 2024.

    Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Khu du lịch Sun World Ba Na Hills cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, khách du lịch đến với Sun World Ba Na Hills hoàn toàn thay đổi cảm xúc khi được hòa mình vào xứ sở muôn sắc hoa mùa xuân với vô vàn loài hoa bung nở rực rỡ giữa không gian núi rừng rộng lớn. Đó là thảm hoa tulip với hàng trăm bông hoa đủ sắc màu, cùng rất nhiều loài hoa đã gắn với thương hiệu khu du lịch này như hoa hường, cẩm tú cầu, thu hải đường…

    Du khách đến đây còn được hòa vào không khí lễ hội cuồng nhiệt với những vũ điệu tango, samba quyến rũ, thưởng thức những giai điệu mùa xuân rộn rã, vũ hội đường phố huyên náo trong các minishow diễn ra ở hầu hết các khung giờ trong ngày.

    Hưởng ứng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, khu du lịch Sun World Ba Na Hills cũng chính thức khởi động chương trình tri ân người dân Quảng Nam – Đà Nẵng với mức giá vé ưu đãi hấp dẫn. Ngay trong tháng 3 này, du khách có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ được hưởng ưu đãi tới 50%, chỉ còn 350.000 đồng/vé người lớn và 250.000 đồng/vé trẻ em.

    “Đi cùng chương trình ưu đãi về giá là rất nhiều trải nghiệm độc đáo, những sự kiện, lễ hội hấp dẫn được làm mới, hoặc lần đầu tiên có tại Sun World Ba Na Hills. Chúng tôi mong rằng, tất cả sẽ đem đến một Bà Nà mới mẻ với những mùa lễ hội tưng bừng, hứng khởi. Đây cũng là động lực cho du khách mới đến với khu du lịch và những du khách từng đến sẽ quay trở lại để tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ”, ông An chia sẻ.

    Một điểm đến nổi tiếng khác nằm ở phía Tây TP. Đà Nẵng là Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài cũng bắt đầu chiến dịch thay đổi “khẩu vị” cho du khách. Từ năm 2024, khu du lịch đưa vào hoạt động hàng loạt dịch vụ và sản phẩm mới, như vườn chim (bird garden), cầu uyên ương, rừng tình yêu, vườn tình yêu, khu dã ngoại mở rộng, khu công viên khủng long mở rộng.

    Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài cho biết, đầu tháng 3, khu du lịch tổ chức chương trình ưu đãi dành riêng cho phái nữ với chủ đề “Happy Women’s Day – Tôn vinh phái đẹp”. Chương trình được bắt đầu từ ngày 1/3 đến ngày 10/3 với giá vé ưu đãi dành cho phụ nữ. Cùng với đó, trong dịp này, khu du lịch cũng trao tặng hơn 2.000 vé gói phổ thông trị giá gần 1 tỷ đồng cho cán bộ nữ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng.

    Cũng trong tháng 3, các địa phương trong Thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, như lễ hội Cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, lễ hội Đình làng, hoạt động mừng ngày giải phóng. Chính quyền Thành phố phát động nhiều chương trình như bảo vệ môi trường, dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại các bãi biển trên địa bàn để góp phần tuyên truyền cho người dân và du khách có ý thức giữ gìn cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

    Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách, tăng hơn 13,8% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt, tăng 26%; khách nội địa đạt 5,92 triệu lượt, tăng 9,3% so với năm 2023.

    Cùng với đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu đạt hơn 30.800 tỷ đồng. Ngành du lịch sẽ tổ chức các sự kiện lễ hội đặc sắc quy mô lớn nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút khách; tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch ẩm thực, du lịch kết hợp sự kiện (MICE), du lịch golf, du lịch cưới, du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng…

    Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong năm 2024, hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi các sở, ngành, doanh nghiệp chung tay hành động bằng trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất để tiếp tục phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của điểm đến”.

    Mời xem thêm: Đà Nẵng kiến tạo ‘mặt tiền tỷ đô’ bên sông, hướng biển

  • Đà Nẵng kiến tạo ‘mặt tiền tỷ đô’ bên sông, hướng biển

    Đột phá mở rộng không gian đô thị về hướng sông, hướng biển cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ đã và đang đưa “thành phố đầu biển, cuối sông” vươn mình trở thành đô thị hiện đại của đất nước. Biển và sông sẽ tiếp tục là động lực để đưa Đà Nẵng vươn tầm đô thị quốc tế.

    Định vị mặt tiền hướng sông, biển

    Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Đà Nẵng được định hướng trở thành một đô thị sinh thái đặc thù hướng biển, hướng núi, hướng sông. Việc quy hoạch đô thị hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển là hết sức cần thiết. Vì vậy, sau hơn 25 năm, Đà Nẵng đã khai thác có hiệu quả “mặt tiền” sông, biển để đưa thành phố lên tầm cao mới.

    Nếu như cách đây hơn 25 năm, dòng sông Hàn thơ mộng nằm giữa lòng thành phố và biển ôm trọn Đà Nẵng bị lãng quên, hoang sơ và nhếch nhác, thì nay đã “thay da đổi thịt” trở thành điểm nhấn quan trọng nhất của bộ mặt đô thị Đà Nẵng. Xác định được tầm quan trọng đó, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển không gian, hạ tầng và kiến trúc đô thị theo định hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”, chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình cầu vượt sông, mở mới các tuyến đường ven sông, ven biển, quy hoạch lại hết các khu dân cư hai bên bờ sông, ven biển.

    Đặt nền móng cho đô thị hướng sông, hướng biển đó là dấu ấn của cầu Sông Hàn. Đây là công trình có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng thể hiện ý chí của lãnh đạo thành phố và khao khát của người dân vươn mình ra biển lớn và làm thay đổi tư duy của hệ thống chính trị thành phố lúc bây giờ.

    Nhìn về quá khứ, nhiều người sẽ hiểu vì sao cầu Sông Hàn trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Bởi có giai đoạn, Đà Nẵng quay lưng về phía sông, biển. Cả thành phố chỉ gói gọn trong không gian nhỏ bé của quận Hải Châu. Phần còn lại của thành phố là những tuyến đường vắng vẻ, những cồn cát trải dài đến những khu nghĩa địa đìu hiu; đặc biệt là những dãy nhà “chồ” nhếch nhác, những khu ổ chuột tạm bợ và khốn khó của cư dân nghèo sống ven sông, ven biển.

    Là người có công kiến tạo đô thị Đà Nẵng có diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Đà Nẵng, cho hay: “Đà Nẵng có những lợi thế nhất định về cảnh quan tự nhiên như có dòng sông Hàn chảy trong lòng thành phố, có núi, có bờ biển dài đẹp. Vì vậy, công tác quy hoạch thành phố phải hướng ‘mặt tiền’ ra sông ra biển, kéo dài bờ sông bờ biển” để phục vụ phát triển kinh tế.

    Thế rồi, cuộc xoay mình về hướng sông, biển bắt đầu. Năm 2000 ghi dấu cho sự chuyển mình của Đà Nẵng, khi các khu nhà “chồ” được giải tỏa, cầu Sông Hàn khánh thành, rồi lần lượt nhiều cây cầu khác được xây dựng đã đưa Đà Nẵng hướng mặt tiền ra sông, ra biển. Từ đó, đô thị được mở rộng gấp đôi về phía Đông, phía Bắc, bãi biển nhếch nhác thuở trước đã lọt vào top những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Những con đường ven sông, ven biển vốn hoang tàn bỗng chốc trở thành “con đường tỷ USD” với hàng trăm khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4, 5 sao mọc lên lung linh soi mình xuống sông, biển.

    Sự lớn mạnh của du lịch Đà Nẵng là một hành trình đầy cảm xúc và gây kinh ngạc cho chính những người trong cuộc. Từ một tỉnh lỵ nhỏ, Đà Nẵng vươn mình trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch thế giới, hình thành những dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn luôn chiếm trên 65% GDP của thành phố trong nhiều năm qua.

    Thành phố Đà Nẵng liên tiếp được nhiều tổ chức du lịch quốc tế có uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đều xuất hiện tại Đà Nẵng như InterContinental, Novotel, Hyatt, Hilton, Pullman… Nhiều sản phẩm của thành phố đã đạt những giải thưởng lớn. Hàng loạt công trình lớn được nhà đầu tư rót vốn xây dựng, hoàn thành đã tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng và đẳng cấp. Năm 2009, tuyến cáp treo Bà Nà – Suối Mơ của Sun Group chính thức đi vào hoạt động, mang lại cho thành phố một Sun World Ba Na Hills thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Dự án cũng mở đường cho rất nhiều nhà đầu tư lớn như: Vingroup, Sovico, Thành Đô, BRG, DHC… góp phần thay da đổi thịt cho diện mạo, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.

    Du lịch phát triển bùng nổ đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản của Đà Nẵng. Số vốn khổng lồ mà nhiều doanh nghiệp rót vào Đà Nẵng để triển khai các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khu phố thương mại hay các khu đô thị đã giúp không gian đô thị thành phố ngày càng mở rộng. Đà Nẵng trở thành đô thị sông, biển tầm cao của đất nước.

    Sứ mệnh “đô thị đáng sống”

    Lịch sử Đà Nẵng bước sang một chương mới và ngành du lịch Đà Nẵng từ một vùng trũng vụt sáng trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước; đô thị “đáng đến và đáng sống”.

    KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, từng nhận định: Với địa hình có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch, mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới.

    Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để kiến tạo bước nhảy vọt của Đà Nẵng. “Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”, ông Chinh khẳng định.

    Vùng đất ven biển Đà Nẵng hiện nay được nhiều người ví “vùng đất 5 sao”. Con đường du lịch ven biển nối Đà Nẵng với Hội An, Quảng Nam được gọi là “con đường tỷ USD”. Biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, rồi đến hàng loạt dự án resort, khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế mọc lên dọc bờ biển tô điểm thêm cho “mặt tiền” Đà Nẵng. Chạy dọc theo đường “tiền sảnh biển”, là những khu nghỉ dưỡng 5 sao làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng.

    Diện mạo Đà Nẵng giờ đây đang thay đổi từng ngày, đô thị Đà Nẵng như đang “khoác” lên mình một chiếc áo rực rỡ đầy sức hút, một Đà Nẵng hôm nay đang tạo dựng được thương hiệu không những trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế.

    Mời xem thêm: Đà Nẵng sắp đón hàng trăm triệu USD từ nhiều ‘ông lớn’