Tag: tin bất động sản

  • Những “điểm nhấn” để thị trường bất động sản bước vào kỷ nguyên mới

    Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, hành lang pháp lý được tháo gỡ, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) không ngừng nỗ lực tái cấu trúc… đã tạo nên một diện mạo mới cho thị trường BĐS khi bước vào “kỷ nguyên mới”.

    Nhiều khó khăn được tháo gỡ

    Điểm nhấn tạo “bản lề” cho thị trường BĐS khi bước vào năm 2025 đó là hàng loạt các dự bán luật sửa đổi, bổ sung (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) kèm theo đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đã chính thức có hiệu lực và triển khai trong thực tế, đã tạo ra “bước ngoặt” trong công cuộc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường BĐS. Đồng thời cũng thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, cùng các bộ, ngành trong việc thúc đẩy thị trường sớm hồi phục.

    Cùng với đó, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ (ở mức trên 7%) đã tạo ra các động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính phủ cũng chú trọng và đẩy mạnh phát triển những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, không chỉ mở ra cơ hội đầu tư BĐS bền vững mà còn mở ra nhiều lựa chọn về nhà ở với mức giá phải chăng hơn đối với người mua nhà.

    Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp BĐS trong việc tái cấu trúc, chuẩn bị cho “cú chuyển mình” vào năm 2025, sau giai đoạn khủng hoảng kể từ giữa năm 2022. Thay vì đối phó một cách bị động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc thay đổi để thích nghi, đảm bảo không “chết trên đống tài sản”. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc xoay chuyển dòng tiền, đẩy mạnh đầu tư và tái khởi động các dự án “đắp chiếu”.

    Qua đó, tổng dư nợ vay của 20 doanh nghiệp BĐS niêm yết đạt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm 2024 và tăng 20% so với năm 2022. Tỷ trọng nợ vay trái phiếu tăng nhẹ, khoảng 2% so với thời điểm đầu năm, khi hoạt động phát hành trái phiếu có tín hiệu tích cực hơn…

    Những “điểm nhấn” cơ bản

    Thị trường BĐS Việt Nam sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên mới” với một số vấn đề cơ bản được quan tâm như sau: Thứ nhất, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chủ động hành động của cộng đồng doanh nghiệp BĐS. Thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất với các kết quả tích cực về nguồn cung, lượng giao dịch.

    Thứ hai, việc hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm. Không chỉ tháo gỡ sớm những vướng mắc, khó khăn hiện tại của các dự án, mà còn thúc đẩy các bên tham gia thị trường điều chỉnh năng lực, hành vi theo hướng tích cực, ổn định hơn sau thời gian dài trầm lắng, phát triển không kiểm soát. Đây sẽ là nền tảng tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển trong Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

    Thứ ba, trong năm qua, Bộ Xây dựng đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đưa ra giải pháp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án BĐS, với hàng trăm dự án được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang nằm “chờ” do trình tự, thủ tục còn phức tạp, quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến vẫn còn ách tắc trong triển khai dự án.

    Thứ tư, phân khúc BĐS nhà ở vẫn dẫn dắt tiến trình phục hồi. Song còn nhiều yếu tố chưa tích cực như nguồn cung yếu, cục bộ, giá bán tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng cao mới; thiếu trầm trọng nhà ở giá bình dân… Nhà ở xã hội đã có thêm nhiều bước tiến mới, với nhiều địa phương được đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án hoàn thiện 1 triệu căn nhà ở xã hội. Mặc dù nguồn cung không thể “đột phá” trong ngắn hạn nhưng những thông tin tích cực về phân khúc này phần nào đã tiếp thêm niềm tin cho người mua nhà.

    Thị trường BĐS thương mại vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với trợ lực quan trọng từ nhu cầu của dòng vốn đầu tư ngoại, đang không ngừng gia tăng theo hướng có chọn lọc. Mặc dù đã có thêm một vài kết quả tích cực, nhưng thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn phát triển tương đối chậm chạp và phải đối mặt với các thách thức về pháp lý, niềm tin của nhà đầu tư. BĐS công nghiệp vẫn được coi là ngôi sao triển vọng của thị trường.

    Thứ năm, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường BĐS vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thị trường có thể “vươn mình” phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên nền tảng kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, với sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng, cùng quá trình đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, có thể khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên mới.

    Mời xem thêm: Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy

  • Thị trường bất động sản 2025: “Một chu kì tăng trưởng mới sắp xuất hiện”

    Tại toạ đàm bất động sản năm 2025: “Đường đến thập kỷ tăng trưởng mới” do Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) tổ chức tại Tp.HCM, các chuyên gia trong ngành đã có những góc nhìn sâu sắc về thị trường BĐS trước tác động của các chính sách mới.

    Ông Nguyễn Học Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cho hay, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Tp.HCM đón nhận nhiều thông tin tích cực. Từ khi 3 luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở mới chính thức có hiệu lực… thị trường đang dần thấy những kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền Thành phố. Hàng tuần, các tổ công tác vẫn thường xuyên làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm phương án gỡ khó pháp lý cho các dự án.

    Báo cáo mới nhất từ lãnh đạo UBND Tp.HCM cho thấy, hiện đã có 34/64 dự án bất động sản đã được tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thị trường bất động sản Tp.HCM đang dần phục hồi, từ mức âm năm 2023 đã tăng trưởng dương những tháng đầu năm 2024.

    Theo số liệu thống kê, tổng thu ngân sách trên địa bàn Tp.HCM 9 tháng qua ước đạt 371.307 tỷ đồng, trong đó thu liên quan đến lĩnh vực đất đai khoảng 5.900 tỷ đồng, dự kiến vượt 2% kế hoạch.

    Theo đại diện HUBA, thị trường bất động sản đang được trợ lực khá tốt từ các Luật mới có hiệu lực

    Theo ông Hoà, với những diễn biến dần tích cực, năm 2024 được xem là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo từ 2025. Thị trường bất động sản năm 2025 được nhận định sẽ bước sang một thập kỷ 10 năm tiếp theo phát triển đầy hứa hẹn.

    Chia sẻ tại tọa đàm, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2024 thị trường bất động sản chứng kiến sự chuyển mình. Dù sự chuyển mình này chưa rõ nét nhưng cho thấy đà phục hồi tích cực trong vòng 3 năm qua.

    Nếu năm 2023, thị trường suy giảm cả về giá và nguồn cung thì bước sang năm 2024 thị trường chứng kiến sự tăng trưởng về giá và nhích nhẹ về nguồn cung ở cả hai thị trường là Hà Nội và Tp.HCM. Dự báo trong năm 2025, thị trường sẽ đón nhận khoảng 30.000 căn hộ. Dù cần một thời gian nữa thị trường mới trở về mức cao điểm như giai đoạn trước nhưng tín hiệu phục hồi đã tích cực thể hiện niềm tin về một chu kì tăng trưởng mới sắp xuất hiện.

    Thị trường bất động sản đang bước vào nhịp tăng trưởng. Nguồn: CBRE

    Theo bà Dung, 10 năm trước, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng. Đến năm 2013-2014, thị trường dần phục hồi và nguồn cung tăng trưởng trở lại. Từ 20.000 căn hộ được chào bán trong năm 2013 đã tăng lên 30.000 – 40.000 căn trong các năm tiếp theo và đỉnh điểm là tăng lên 80.000 căn vào năm 2018 ở cả Hà Nội và Tp.HCM. Trong giai đoạn đó, mỗi năm thị trường hai TP lớn đón trung bình 40.000 căn hộ mới ra thị trường và hấp thụ khá tốt.

    Các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, lãi suất cho vay mua nhà thấp, tác động tích cực của các Luật, Hiệp định… đã hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng của thị trường. Đặc biệt, Luật đất đai năm 2014 ra đời thay thế Luật 2003 là cú hích lớn cho thị trường trong giai đoạn này.

    Bà Dung cho hay, diễn tiến của thị trường giai đoạn 2011-2012 khá tương đồng với thời điểm BĐS khủng hoảng trong 2 năm qua. Vì thế, hiện tại chu kì này có dấu hiệu lặp lại. Giai đoạn 2022-2023 thị trường bất động sản gặp thách thức nguồn cung và nguồn cầu giống hệt năm 2012 – 2013. Ngoài tác động tiêu cực của Covid-19 thì thị trường bị cản trở bởi yếu tố chậm cấp phép, bất cập chồng chéo về các Luật. Theo đó, năm 2024 khi các Luật mới ra có hiệu lực, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự chuyển mình. Sự phục hồi nguồn cung và sức cầu đã thấy rõ kì vọng cho một chu kì mới xuất hiện.

    Dẫu vậy, theo chuyên gia CBRE, thị trường có một số điểm khác biệt giữa hai thời kì. 10 năm trước, khi thị trường bước vào giai đoạn khởi sắc thì phân khúc căn hộ chủ yếu được đầu tư phát triển ở Tp.HCM. Đến nay, thị trường dẫn dắt bởi nguồn cung tại Hà Nội. 80-90% nguồn cung thị trường trong năm 2024 đến từ thị trường Hà Nội. Điều này cho thấy, những thách thức liên quan đến cấp phép, nút thắt pháp lý vẫn tồn đọng tại thị trường Tp.HCM. Trong khi tại Hà Nội câu chuyện này được giải quyết tốt.

    Nhìn vào chặng đường phát triển của thị trường bất động sản trong vòng 10 năm tới, bà Dung khẳng định: “Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Thị trường sẽ có nhiều dự án được cấp phép, nguồn cung mở rộng hơn. Đồng thời, dòng vốn từ người mua đổ vào thị trường bất động sản phía Nam năm 2025 chủ yếu đến từ phía Bắc”.

    Lý giải cho việc giá bất động sản sẽ khó giảm, bà Dung khẳng định, hiện tại không có lý do hay yếu tố nào khiến bất động sản có thể giảm giá bán. Câu chuyện làm sao để có được bất động sản vừa túi tiền ra thị trường và thỏa mãn khả năng chi trả của số đông, vừa là câu hỏi khó, vừa là bài toán thách thức không nhỏ của thị trường.

    Khi nhìn vào nguồn cung hiện nay có đến 80% sản phẩm nằm ở phân khúc cao cấp, hạng sang thì bài toán nhà vừa túi tiền tại Tp.HCM càng trở nên khó khăn. Có chăng, bài toán này chỉ được giải quyết khi tăng cường giãn dân về các khu lân cận. Để giãn dân thì bài toán đầu tư hạ tầng kết nối phải đi trước một bước. Theo bà Dung, nếu chưa giãn dân thì mức giá bất động sản còn tiếp tục tăng.

    “Thực tế thị trường đã minh chứng, tại Tp.HCM có khu vực giá căn hộ lên đến 100-200 triệu đồng/m2 nhưng có một số nơi như Bình Chánh, Bình Tân giá chỉ 40-50 triệu đồng/m2. Nếu di dân ra xa thì mức giá bất động sản sẽ hạ nhiệt, đáp ứng được nhu cầu chi trả của số đông”, chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.

    Mời xem thêm: VREF 2025: Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

  • VREF 2025: Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

  • UOB: Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% vào năm 2025

    UOB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,4% năm 2024 và sẽ tăng lên mức 6,6% năm 2025, nhờ các yếu tố nội tại mạnh mẽ và cải thiện từ nhiều lĩnh vực kinh tế….

    Tiếp đà tăng trưởng ổn định trong quý 3/2024, ngân hàng UOB đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam quý 4 tiếp tục tăng trưởng tốt. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,4% trong năm 2024 và tăng lên mức 6,6% trong năm 2025.

    Quỹ đạo tăng trưởng đi đúng hướng 

    Theo UOB, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đạt kết quả tốt hơn dự kiến trong quý 3 năm 2024, tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1% và mức dự báo trước đó của UOB trước đó là 5,7%.

    Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 của một số tổ chức (cập nhật đến ngày 2/12/2024).

    “Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý 3 năm 2022, khi các hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch. Kết quả mới nhất này đã góp phần tạo nên mức tăng tích lũy trong 9 tháng đầu năm 2024 là 6,82% so với cùng kỳ năm trước”, chuyên gia UOB nhận định.

    Các nhà phân tích tại UOB cho biết mặc dù các lĩnh vực chính đều bị ảnh hưởng bởi cơn bão, song sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 3 năm 2024 vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

    Đáng chú ý, sản lượng sản xuất tiếp tục tăng tốc 11,4% so với cùng kỳ năm trước từ mức tăng 10,4% trong quý 2 năm 2024. Khu vực dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước sau mức tăng 7,1% trong quý 2 năm 2024.

    Trong quý 3 năm 2024, khu vực dịch vụ là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP với 3,24 điểm phần trăm, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng với 3,37 điểm phần trăm, hai lĩnh vực này chiếm 89% trong mức tăng chung là 7,45.

    Đồng thời các dữ liệu được công bố mới nhất cũng cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đi đúng hướng. Tính đến tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, duy trì đà tăng trưởng hai chữ số cho đến nay.

    Trong cả năm 2024, UOB dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%, đây sẽ là năm mạnh nhất kể từ năm 2021.

    Cùng với đó, nhập khẩu tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng 10, dẫn đến thặng dư thương mại là 22,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, là mức thặng dư thương mại lớn thứ hai được ghi nhận sau mức 28 tỷ USD vào năm 2023. Đà tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mở rộng, với dòng vốn FDI đã đăng ký là 27,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023.

    Trong nước, đà tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm 2024 phần lớn vẫn ổn định cho đến nay, với mức tăng 7,1% vào tháng 10 và mức tăng trung bình từ đầu năm đến nay ở mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này một phần được hỗ trợ bởi mức tăng 41% về lượng khách du lịch, lên tới 14,1 triệu lượt khách tính từ đầu năm cho đến tháng 10.

    “Sự gia tăng từ các nguồn khách du lịch hàng đầu bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực Đài Loan, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, so với sự bùng nổ trước giai đoạn dịch Covid-19 vào năm 2019, dữ liệu về lượng khách du lịch đến vẫn tiếp tục giảm sút và có thể cần thêm một đến hai năm nữa để trở lại mức trước đại dịch”, chuyên gia UOB nhận định.

    Xét đến các yếu tố trên, UOB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,4%, với dự báo kết quả tăng trưởng quý 4 năm 2024 đạt mức 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

    Tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6.6%

    Đối với năm 2025, UOB dự đoán tốc độ tăng trưởng là 6,6%. Theo UOB, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5 – 7,0% cho năm 2024 và 6,5 – 7,0% cho năm 2025, trong khi “nỗ lực” để đạt mức 7,0 – 7,5%.

    “Tuy nhiên, với việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện”, chuyên gia UOB đưa ra khuyến nghị.

    Một rủi ro chính cần lưu ý là các hạn chế thương mại tiềm tàng đối với Việt Nam, vì thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ 39,5 tỷ USD năm 2018 lên gần 105 tỷ USD năm 2023.

    Cũng theo các chuyên gia của UOB, với tình hình kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và kéo dài sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ không chịu nhiều sức ép phải vội vàng nới lỏng chính sách.

    Hiện ,chỉ số lạm phát vẫn ở dưới mục tiêu 4,5% kể từ tháng 6/2023, do đó giảm bớt phần lớn áp lực cho nhà điều hành.

    “Dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VNĐ. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn chính sẽ duy trì ở mức 4,5%”, chuyên gia UOB dự báo.

    Bên cạnh đó, mặc dù có nền tảng vững chắc, VNĐ vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0.

  • Nhu cầu tìm mua bất động sản đang tăng mạnh

    Trong tháng 10/2024, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với đất nền, lượt tìm kiếm tăng 14% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (thành viên Tập đoàn PropertyGuru) cho biết, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam đang tăng mạnh.

    Cụ thể, trong tháng 10/2024, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, nguồn cung cũng tăng 13%. Con số này thể hiện thị trường bất động sản đã phục hồi và thị hiếu của người mua dần thay đổi.

    Ông Dương cho rằng, người mua không chỉ quan tâm đến giá cả, vị trí mà còn chú trọng danh tiếng, tiềm lực tài chính và khả năng triển khai dự án của các chủ đầu tư.

    Theo đó, những dự án mẫu mực của các chủ đầu tư không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của ngành bất động sản Việt Nam mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững. Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và giá trị, các dự án đã thực sự tạo nên dấu ấn riêng biệt.

    Ngoài ra, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, đối tượng tiềm năng tìm mua bất động sản trong thời gian tới là các gia đình trẻ, đặc biệt là những cặp đôi vợ chồng son. Nửa cuối năm 2024, 73% những người đã kết hôn nhưng chưa có con dự định mua nhà trong 1 năm tới.

    “Trong khi người độc thân ưu tiên không gian làm việc khi lựa chọn bất động sản thì những người đã lập gia đình quan tâm nhất đến tiện ích về trường học và trung tâm, cửa hàng mua sắm. Xu hướng tìm mua bất động sản thứ cấp đang tăng lên so do nguồn cung sơ cấp thấp trong khi giá mở bán các dự án sơ cấp neo cao”, ông Dương nói.

    Tương tự, dữ liệu nghiên cứu thị trường từ chuyên trang Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, nhu cầu mua đất nền trên cả nước ghi nhận đà hồi phục mạnh. Cụ thể, tháng 10/2024, lượt tìm kiếm đất nền tăng 14% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Ăn theo nhu cầu mua tăng, lượng tin rao bán đất nền cũng tăng 12% theo tháng và 19% so với cùng kỳ.

    Batdongsan.com.vn cho rằng, tháng 10 là lần đầu tiên sau thời gian dài thị trường đất nền TPHCM diễn biến sôi động hơn Hà Nội. Lượt tìm mua đất nền ở TPHCM tăng 16%, tin rao bán tăng 22% so với tháng trước, trong khi con số này tại Hà Nội lần lượt là 14% và 23%.

    Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với phân khúc đất nền ở các tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu có lượt tìm mua tăng 20%, Long An tăng 14%, Đồng Nai tăng 5% và Bình Dương tăng 9%…

    Báo cáo mới đây về phân khúc đất nền của DKRA Group cũng cho thấy, giao dịch loại hình này đã tăng 2,8 lần so với cùng kỳ 2023, tập trung ở nhóm sản phẩm thổ cư tách thửa, đất nền dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, giá dưới 50 triệu đồng/m2 tại TPHCM và dưới 22 triệu đồng/m2 với các tỉnh phụ cận.

    Mời xem thêm: Quảng Bình nỗ lực thúc đẩy các dự án trọng điểm

  • Đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn thành xây dựng trong 8 năm

    Bộ GTVT đề xuất thời gian triển khai xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong vòng 8 năm, liệu đề xuất này khó khả thi?

    Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc thiết kế 350km/h và cơ bản hoàn thành trong năm 2035.

    Thời gian hoàn thành dự án trên là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045.

    Hai phương án phân kỳ đầu tư

    Theo Bộ GTVT, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đưa ra hai phương án đầu tư dự án. Phương án 1, đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành trong năm 2035. Cụ thể, đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM khởi công năm 2027 và đưa vào khai thác năm 2033; đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2028 hoàn thành năm 2035, khai thác năm 2036.

    Ưu điểm phương án 1 là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác. Nhược điểm của phương án này là áp lực về vốn cao hơn.

    “Tuy nhiên, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá và cho thấy có khả năng cân đối vốn cho dự án để đầu tư toàn tuyến…”- Bộ GTVT cho hay.

    Dự kiến Việt Nam sẽ khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào năm 2027.

    Phương án 2, đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang được đầu tư như phương án 1, nhưng đoạn Vinh – Nha Trang thời gian bắt đầu khởi công từ năm 2033 và khai thác vào năm 2040.

    Phương án này có ưu điểm là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện không quá lớn do được phân kỳ đầu tư. Nhược điểm của phương án trên là giai đoạn đầu chưa khai thác toàn tuyến sẽ làm giảm hiệu quả tổng thể đầu tư dự án.

    Trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 1.

    Với phương án trên, dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng mất 10 năm, rút ngắn 10 năm so với kết luận 49 của Bộ Chính trị là đưa dự án hoàn thành trong năm 2045.

    Tuy nhiên, đi kèm với quyết tâm trên, Bộ GTVT đề xuất nhiều nhóm cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó có 15 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 nhóm chính sách do Chính phủ quyết định.

    Dự kiến tiến độ hoàn thành dự án.

    Cần xem lại tính khả thi phương án đầu tư

    Trao đổi với PV về việc lựa chọn phương án đầu tư trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, khẳng định trong các báo cáo cấp thẩm quyền Bộ GTVT đều xác định đây là những thách thức rất lớn.

    “Trong đó, áp lực lớn nhất khi triển khai dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ. Bởi lẽ thực tế có nhiều dự án xây dựng chỉ mất một hai năm, nhưng giải phóng mặt bằng mất nhiều năm, vì vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nói.

    Với đề xuất này, trong buổi thẩm tra ngày 14-10, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhận định “tiến độ rất gấp”, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ.

    “Liệu Bộ GTVT đề xuất rút ngắn thời gian triển khai dự án từ 20 năm xuống 10 năm có khả thi ?”- ông Nguyễn Chí Dũng nói và dẫn chứng dự án Cát Linh – Hà Đông mất 13 năm xây dựng, Bến Thành – Suối Tiên triển khai làm 17 năm chưa xong “và tiếp tục kéo dài sang năm thứ 18 – 19”.

    Một trong những nguyên nhân các dự án hiện nay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng và biện pháp thi công chưa hợp lý. “Vậy với dự án đường sắt trải dài từ Bắc tới Nam liệu có hoàn thành không. Tôi e là khó khả thi…”- ông Nguyễn Chí Dũng nói.

    Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.

    Mời xem thêm:

  • Khiếm khuyết cơ thể không đáng sợ, khiếm khuyết tâm hồn mới đáng lo

    “Nhìn theo hướng tích cực, người khiếm khuyết cơ thể như chúng tôi có sự chịu khó, kiên trì và nỗ lực lớn hơn người thường rất nhiều. Người ta cứ stress vì công việc, tôi chỉ ước có một công việc để làm…”

    Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Hùng Cường (36 tuổi, ngụ Liên Chiểu, Đà Nẵng), bị khiếm khuyết 1 tay và 1 chân sau một vụ tai nạn năm 6 tuổi. Tuy nhiên, những khiếm khuyết cơ thể không ngăn anh hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn và mang đến giá trị cho xã hội.

    Khiếm khuyết cơ thể không đáng sợ, khiếm khuyết tâm hồn mới đáng lo
    Anh Nguyễn Hùng Cường, phụ trách Digital Marketing tại Công ty Cổ phần Đô Thị Thông Minh Việt Nam.

    Cuộc sống hiện đại, dù không thẳng thắn đề cập nhưng ngoại hình vẫn luôn là một trong những tiêu chuẩn được ưu tiên trong công việc. Hàng loạt các câu hỏi ngoại hình hay năng lực mới là yếu tố quyết định được đưa lên bàn cân.

    Gặp anh Nguyễn Hùng Cường tại Công ty Cổ phần Đô thị thông minh Việt Nam (Viet Nam Smart City), một trong những công ty có quy mô lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tại khu vực miền Trung, đôi tay anh thoăn thoắt trên chiếc bàn với rất nhiều bộ máy tính, rất nhiều công việc liên quan đến Digital Marketing cần anh xử lí, người ta bị cuốn vào và dần quên đi rằng các thao tác ấy đang được thực hiện bởi một người khiếm khuyết về cả tay và chân.

    PV: Mặc cảm về ngoại hình có thường xuyên xuất hiện và đánh gục ý chí của anh không?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: Có chứ, nhiều là đằng khác. Càng mặc cảm và buồn hơn khi vốn sinh ra tôi vẫn lành lặn, nhưng do tại nạn mới thành ra thế này, nỗi đau càng được khắc họa rõ hơn. Cả tỷ lần tôi đặt ra câu nói “giá như”, nhưng quá khứ không thay đổi được, tôi biết làm gì hơn ngoài sống cho hiện tại và hi vọng một tương lai bớt khó khăn hơn. Nghĩ theo hướng tích cực một chút, tôi sẽ không thể nào thành kẻ trộm hay cướp được vì tôi khuyết tật ở tay, móc túi sẽ không khéo. Lỡ bị phát hiện thì tôi chạy cũng không được nhanh, sẽ bị tóm mất (cười lớn).

    PV: Khó khăn lớn nhất anh gặp phải là gì?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: Những bất tiện trong đời sống cá nhân thì không nhắc đến làm gì. Nhưng cái mà tôi thấy mất động lực nhiều nhất đó là khoảng thời gian đến độ tuổi trưởng thành. Tôi là đàn ông, tránh sao khỏi cảm giác tự ti, không được việc. Thế là tôi quyết tâm học tập và bước ra xã hội. Kỉ niệm tôi nhớ nhất là sự từ chối của hàng loạt công ty tôi nộp hồ sơ, họ không cho tôi một cơ hội nào để thể hiện năng lực bản thân mà đánh loại tôi ngay từ đầu. Tôi hiểu rõ công ty nào cũng muốn có được nguồn nhân sự hoàn thiện về cả thể chất và trí tuệ, nhưng tôi vẫn buồn, vẫn nhiều lần nản chí.

    PV: Vậy duyên cơ nào anh gắn bó với công ty hiện tại?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: 4 năm về trước, tôi lại cầm hồ sơ đi xin việc, nhưng cũng nghĩ ngay từ đầu là họ không nhận. Vì thứ nhất, Viet Nam Smart City là một công ty bất động sản lớn, tôi vào web của công ty thì thấy ai cũng chỉnh chu, chuyên nghiệp. Thứ hai, những thất bại trước đó không cho tôi một niềm hi vọng nào cả. Ngày nhận tin tôi đậu phỏng vấn, tôi thật lòng không biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào, đến bây giờ vẫn còn nguyên. Tôi đã đọc đi đọc lại tờ thông báo vì sợ mình đọc nhầm, hoặc họ gửi nhầm ứng viên… nó giống như mở ra một cơ hội hoàn toàn mới cho tôi. Tôi đã không thể ngủ được, chỉ chờ đến ngày đi làm đầu tiên.

    PV: Áp lực công việc từ một Công ty bất động sản lớn chắc chắn là không nhỏ, anh làm thế nào để vượt qua?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: Công việc thời nay dù công ty lớn hay nhỏ đều rất áp lưc. Với một người may mắn có ngoại hình bình thường, không hoàn thành công việc cũng lập tức bị đào thải huống gì là tôi. Đó là lí do mà tôi liên tục trau dồi, ngày đi làm, tối về vẫn nghiên cứu các kĩ năng mới, cập nhật kiến thức mới, vì đây là lĩnh vực thay đổi gần như mỗi ngày theo nhịp độ phát triển của khoa học công nghệ.

    Khiếm khuyết cơ thể không đáng sợ, khiếm khuyết tâm hồn mới đáng lo
    Một buổi đào tạo của Hùng Cường về marketing tại công ty.

    Áp lực công việc thì có chứ, thậm chí là rất nhiều. Nhưng tôi luôn nghĩ về khoảng thời gian khó khăn đi kiếm việc, để rồi biết ơn Tổng giám đốc của công ty Viet Nam Smart City đã không vì ngoại hình của tôi, đã cho tôi cơ hội được thể hiện năng lực của mình. Quyết định đó của Sếp gần như biến cuộc đời tôi sang trang.

    Hơn nữa, tôi thấy ở đó sự chia sẻ của Công ty đối với người khuyết tật, rộng hơn là sự đóng góp của Công ty với xã hội trong vấn đề giải quyết việc làm cho người thiếu may mắn. Lòng biết ơn và sự hoàn thiện bản thân mỗi ngày chính là câu thần chú giúp tôi hoàn thành công việc và gắn bó với Công ty trong suốt 4 năm qua.

    PV: Góc nhìn của anh thế nào về “Ngoại hình và năng lực trong công việc” hiện nay?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: Ai cũng yêu thích sự hoàn mỹ. Ngoại hình theo tôi là một năng lực đấy chứ, vì tự thân nó đã có thể tạo ra sự yêu mến với người khác, được ưu tiên cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng tôi hi vọng rằng, năng lực nên là yếu tố tiên quyết, vì nó thực sự mang đến giá trị cho xã hội.

    Tôi rất thích câu nói “Khiếm khyết là bất lợi chứ không phải bất hạnh”, dù biết sẽ có rất nhiều rào cản khi bước chân vào xã hội nhưng điều đó không có nghĩa là một tương lai tươi đẹp sẽ khép lại. Khiếm khuyết cơ thể không đáng sợ, khiếm khuyết tâm hồn mới là điều đáng lo ngại.

    PV: Chia sẻ câu chuyên này sẽ là động lực không những đối với cộng đồng người khuyết tật mà cả với những bạn trẻ, anh có nghĩ vậy không?

    Anh Nguyễn Hùng Cường: Tôi không biết, nhưng tôi hi vọng vậy. Tôi mong những bạn may mắn có cơ thể lành lặn hiểu rằng, các bạn chính là ước mơ không thể thành hiện thực của chúng tôi. Cuộc sống thiếu thốn, công việc áp lực, hay điều kiện tồi tệ nào đi nữa, nhưng chỉ cần có sức khỏe và tư duy cầu tiến, học hỏi không ngừng, các bạn chắc chắn sẽ tìm được phiên bản tốt nhất của chính mình. Đừng nôn nóng khi bông hoa kia khoe hoa khoe lá trước mình, cứ bình tâm, đủ nắng hoa sẽ nở.

    Trân trọng cảm ơn anh!

  • Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa đạt kỷ lục mới, vượt xa các nước Đông Nam Á khác

    Việt Nam tiếp tục thăng hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

    Thủ tướng từng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

    Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII 2024, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp).

    Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo). Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39.

    Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là (Trung quốc xếp hạng 11, Malaysia xếp hạng 33, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 37 Bulgari xếp hạng 38 và Thái Lan xếp hạng 41), còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

    Trong Báo cáo GII 2024 của WIPO, Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

    Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

    Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.

    Đáng chú ý, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo . Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

    Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.

    Do đó, GII hiện được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…).

    Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lí điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024.

    Mời xem thêm: Fed giảm lãi suất và cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam

  • Fed giảm lãi suất và cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam

    Việc Fed quyết định giảm lãi suất đã tạo ra những làn sóng tích cực lan tỏa đến nhiều nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

    Đặc biệt, thị trường bất động sản trong nước được dự báo sẽ đón nhận nhiều cơ hội và thách thức mới từ động thái này.

    Cơ hội về vay vốn bất động sản

    Theo các chuyên gia, với mức độ liên quan giữa nền kinh tế Việt Nam và Mỹ, việc Fed giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho NHNN Việt Nam cơ hội giảm bớt lãi suất khi áp lực tỷ giá không cao như trước.

    Nếu như vậy, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà sẽ giảm bớt. Với lãi suất vay thấp hơn, nhu cầu mua nhà và đầu tư vào bất động sản sẽ tăng lên đáng kể.

    Việc Fed giảm lãi suất được cho sẽ tạo điều kiện vay vốn cho bất động sản Việt Nam.

    Trên thực tế, lãi suất cao trong 2 năm qua đã là lý do khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2024 có thời điểm chỉ số này giảm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi mới có tín hiệu tích cực, nhưng vẫn khó đạt mục tiêu tín dụng là 15%.

    Phân khúc nhà ở và công nghiệp hưởng lợi

    Các chuyên gia cho rằng, triển vọng giảm lãi suất sẽ có lợi cho các phân phúc bất động sản, nhất là phân phúc nhà ở, nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp.

    Trước hết, lãi suất hấp dẫn hơn sẽ giúp người mua nhà có khả năng tiếp cận những gói vay ưu đãi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có cơ hội giảm bớt chi phí vay vốn để thúc đẩy các dự án kiểu này.

    Bên cạnh việc kích thích nhu cầu mua nhà của người dân trong nước, việc giảm lãi suất cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và đem lại cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp. Fed giảm lãi suất có thể kích thích dòng vốn chảy sang các thị trường có nhiều tiềm năng sinh lời hơn, như Đông Nam Á và Việt Nam.

    Theo số liệu từ Tổng cục thống kê tính đến hết 31/8 vừa qua, vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm 20% tổng nguồn vốn mới.

    Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản cũng lên tới 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần so với 8 tháng của năm ngoái và chiếm 9% tổng vốn FDI thực hiện.

    Trước khi Fed giảm lãi suất, bất động sản công nghiệp của Việt Nam đã trở nên sôi động và là điểm sáng trên toàn thị trường khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất mới trong quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình.

    Từ năm 2023 tới nay, hàng loạt công ty bất động sản công nghiệp tích cực thâu tóm quỹ đất để phát triển thêm dự án. Không những vậy, nhiều ông lớn trong các lĩnh vực nhà ở thương mại cũng lấn sân sang thị trường này, cho thấy mức độ hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận của phân khúc này.

    Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trương An Dương – Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp sôi động hơn.

    Ngoài lợi thế về môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng (China + 1) khiến Việt Nam trở thành điểm đến công nghiệp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài để xây nhà xưởng. Cùng với đó, lực lượng tay nghề cao cũng là một thế mạnh khiến các nhà đầu tư chú ý. Với lợi thế nhân công rẻ và dồi dào, ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô quốc tế bày tỏ mong muốn đặt nhà máy tại Việt Nam.

    “Tôi cho đây là tiềm năng để ngành bất động sản khu công nghiệp toả sáng. Đặc biệt là khi ba bộ Luật chính thức có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Dương chia sẻ.

  • Thủ tục pháp lý cho Việt kiều mua bán nhà tại Việt Nam

    Dưới đây là thủ tục giấy tờ cho Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam từ ngày 1/8/2024 Theo Luật Đất Đai sửa đổi 2024.

    Trước đây, theo luật hiện hành người Việt định cư ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam sẽ không có quyền mua, đứng tên nhà, đất, nếu muốn mua nhà, đất trong nước thường phải nhờ người thân đứng tên hộ. Tuy nhiên theo Luật Đất đai sửa đổi mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024, Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam vẫn có quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

    1. Điều kiện bắt buộc để Việt kiều được quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

    1.1. Phải Được Phép Nhập Cảnh Vào Việt Nam

    Việt kiều cần phải có giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

    1.2. Thủ Tục, Giấy Tờ Chứng Minh Nguồn Gốc Việt Nam

    Việt kiều cần cung cấp các giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam theo quy định.

    2. Thủ Tục Cấp Giấy Xác Nhận Là Việt Kiều

    2.1. Thành Phần Hồ Sơ

    Giấy tờ nhân thân: Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế,…

    Giấy tờ chứng minh từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.

    Trường hợp không có các giấy tờ trên: Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể nộp bản sao một hoặc nhiều giấy tờ sau:

    1. Giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30/4/1975.
    2. Giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911-1956.
    3. Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, xác nhận người đó có gốc Việt.
    4. Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, xác nhận người đó có gốc Việt.
    5. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt.

    2.2. Hình Thức Nộp Hồ Sơ

    • Nước ngoài: Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
    • Trong nước: Bộ Ngoại giao hoặc Sở Tư pháp.

    3. Kiểm tra giấy tờ nhà đất

    Sau khi tìm được nhà đất ưng ý, anh chị Việt kiều cần kiểm tra chi tiết các giấy tờ quan trọng sau đây:

    3.1. Nếu anh/chị Việt kiều mua nhà ở thương mại (nhà ở trong dự án) thì:

    Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp những giấy tờ sau:

    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh bất động sản
    • Giấy phép đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư
    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) của cả khu đất thực hiện dự án
    • Hồ sơ chứng từ liên quan việc hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư
    • Giấy phép xây dựng và các giấy phép khác liên quan đến việc xây dựng
    • Hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

    3.2. Nếu anh/chị Việt kiều mua nhà ở hình thành trong tương lai:

    Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp những giấy tờ sau:

    • Biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng
    • Hợp đồng bảo lãnh
    • Văn bản cho phép bán
    • Cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán
    • Cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

    3.3 Nếu anh/chị Việt kiều mua nhà ở riêng lẻ (nhà phố)

    Yêu cầu chủ nhà cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất

    Kiểm tra trên giấy tờ nhà đất và thực tế xem có đúng như quy hoạch trên bản vẽ, có làm thủ tục hoàn công hay chưa, nhà đất đã từng sửa chữa, thay đổi kiến trúc hay không, nếu có phải được cập nhật vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

    Đảm bảo rằng nhà ở hoặc nhà trong dự án không nằm trong quy hoạch của Nhà nước, không thuộc diện tranh chấp, không bị kê biên đảm bảo thi hành án.

    4. Ký hợp đồng đặt cọc (nếu có)

    Đây là một loại thủ tục không bắt buộc, có giá trị như một loại giao ước giữa bên bán và bên mua.

    Thường thì các bên sẽ tự thỏa thuận về nội dung hợp đồng đặt cọc cũng như số tiền đặt cọc(khoảng 5 – 15% giá trị nhà đất), thời gian đặt cọc (khoảng 10 – 30 ngày). Trường hợp bên mua thanh toán một lần thì không cần ký hợp đồng đặt cọc.

    5. Ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng

    5.1. Hồ sơ cần chuẩn bị

    1. Bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    2. Bản chính giấy tờ tùy thân của bên mua và bên bán gồm:

    • Căn cước công dân/ hộ chiếu (còn thời hạn sử dụng: CCCD không quá 15 năm và Hộ chiếu không quá 10 năm kể từ ngày cấp).
    • Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam.
    • Giấy đăng ký kết hôn (trường hợp đã kết hôn); hoặc Giấy xác nhận độc thân (trường hợp đang độc thân hoặc đã ly hôn);
    • Ngoài ra trong trường hợp có uỷ quyền thì văn bản uỷ quyền phải được công chứng và người được uỷ quyền cũng phải mang bản chính Căn cước công dân/ hộ chiếu.

    3. Bản chính các giấy tờ khác có liên quan đến thửa đất như tờ khai đã nộp thuế,… (nếu có).

    4. Dự thảo hợp đồng, giao dịch mà các bên chuẩn bị hoặc các bên cũng có thể yêu cầu công chứng tự soạn trên thông tin mà các bên cung cấp.

    5.2. Trình tự thủ tục

    Tiếp theo công chứng viên sẽ kiểm tra giấy tờ (nếu hợp lệ) sẽ tiến hành soạn thảo Hợp đồng theo yêu cầu của các bên (hoặc theo Hợp đồng mẫu của các bên mang theo).

    Các bên tiến hành ký hợp đồng và công chứng viên công chứng hợp đồng.

    6. Nộp hồ sơ sang tên và nộp các loại thuế phí

    Bao gồm: Đăng ký thuế và nộp hồ sơ sang tên Giấy chứng nhận.

    6. 1. Trình tự thủ tục chung

    • Nộp hồ sơ sang tên Giấy chứng nhận
    • Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ nếu đủ điều kiện thì gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính, đồng thời viết biên nhận ngày hẹn nhận thông báo thuế
    • Đến ngày hẹn nhận thông báo thuế, công dân mang biên nhận đến nhận thông báo thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có). Sau đó, nộp biên lai thuế cho bộ phận tiếp nhận. Bộ phận tiếp nhận hẹn ngày nhận giấy chứng nhận.
    • Cán bộ xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
    • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, trao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
    • Công dân nộp lệ phí địa chính.

    6.2. Địa điểm nộp hồ sơ

    Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường tại địa phương nơi có nhà, đất.

    Thời hạn giải quyết: Không quá 15 ngày

    6.3. Hồ sơ cần chuẩn bị

    • Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất (theo mẫu)
    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính + bản sao chứng thực);
    • Sổ hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực)/hoặc hộ chiếu/giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam, gốc Việt Nam
    • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (công chứng);
    • Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (bản chính) (trong trường hợp hợp chia tách, hoặc hợp nhất nhiều thửa đất);
    • Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao);
    • Biên lai nộp nghĩa vụ tài chính (bản chính)

    7. Hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế và lệ phí)

    • Thuế thu nhập cá nhân: 2%
    • Lệ phí trước bạ: 0,5%

    Hồ sơ:

    • Bản chính hoặc bản chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu các công trình trên đất và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó.
    • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 11/KK-TNCN
    • Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản
    • Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB

    8. Kết quả giải quyết:

    Cơ quan tài nguyên môi trường cấp Giấy chứng nhận mới cho bên mua/ bên nhận chuyển nhượng hoặc cập nhật bổ sung vào trang bổ sung của Giấy chứng nhận tùy theo yêu cầu của người nộp hồ sơ.