Câu trả lời về bí quyết phân bổ tài sản của giới siêu giàu nằm ở cách “chọn mặt gửi vàng”, phân bổ danh mục đầu tư để giúp gia tăng khối tài sản thụ động và phòng thủ lạm phát 2 trong 1.
Bất động sản giúp chủ sở hữu gia tăng đáng kể khối tài sản và trở nên giàu có hơn ngay cả khi họ đang ngủ
Mức tăng trưởng số người siêu giàu tại Việt Nam – 26% mỗi năm
Báo cáo Thịnh vượng 2022 (Wealth Report 2022) của Knight Frank (Anh) cho thấy tốc độ gia tăng số lượng người siêu giàu (UHNWI – Ultra High Net Worth Individual, sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên) tại Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, Việt Nam có 1,234 người thuộc nhóm dân số siêu giàu cùng 72,135 người là triệu phú USD.
Theo dự báo, trong giai đoạn 2021-2026, số lượng UHNWI tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm (tương đương tốc độ của Hong Kong và Đài Loan, xấp xỉ mức tăng trung bình của thế giới 28.4%) nâng số lượng thành viên của cộng đồng tinh hoa này lên 1,551 người. Đồng thời, số triệu phú USD cũng dự kiến tăng lên 114,807 người vào năm 2026. Có thể thấy, trong 4 năm nữa, cứ khoảng 870 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.
⅔ giá trị tài sản của giới siêu giàu được đầu tư vào bất động sản
Theo báo cáo nói trên của Knight Frank, “khẩu vị” đầu tư yêu thích của giới siêu giàu thế giới và Việt Nam chính là lĩnh vực bất động sản. Trung bình gần 2/3 giá trị tổng tài sản của họ nằm ở các bất động sản nhà ở chính (primary residence), căn nhà thứ 2 và các loại hình bất động sản khác.
Kết quả này tương đồng với nhiều thống kê đã được thực hiện trước đó. Đơn cử thống kê của Viện toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute) trên 10 quốc gia chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu – Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mexico, Thụy Điển, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ, cho thấy bất động sản chiếm đến 2/3 tổng tài sản hoặc giá trị ròng toàn cầu.
Lý giải về “khẩu vị” đối với kênh đầu tư này, các nhà nghiên cứu của McKinsey đã chỉ ra các động lực gia tăng giá trị của bất động sản, bao gồm lãi suất giảm, nguồn cung quỹ đất hạn chế, các vấn đề về quy hoạch và thị trường nhà ở được quản lý quá mức. Thực tế chứng minh, trên 10 quốc gia được McKinsey khảo sát thống kê, giá nhà trung bình đã tăng 300% từ năm 2000 đến năm 2020. Có thể thấy, bất động sản đã giúp chủ sở hữu gia tăng đáng kể khối tài sản và trở nên giàu có hơn ngay cả khi họ đang ngủ.
Bất động sản hạng sang là thị hiếu của UHNWI Việt Nam
Giống như giới siêu giàu khắp thế giới, bất động sản hạng sang là loại tài sản được các UHNWI Việt Nam ưa chuộng. Họ đặc biệt thích có nhiều hơn một nơi ở sang trọng trong danh mục tài sản để phục vụ nhu cầu “đổi gió”, thay đổi nơi làm việc kết hợp nghỉ dưỡng hoặc cho thuê ngắn hạn hay dài hạn. Mặt khác, bất động sản hạng sang cũng là kênh trú ẩn lý tưởng để bảo toàn giá trị khối tài sản của UHNWI trong những thời điểm áp lực lạm phát tăng cao. Điều này đã được phản ánh qua những con số trong Báo cáo Thịnh Vượng 2022 của Knight Frank, theo đó, trung bình một UHNWI châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sở hữu 3,3 ngôi nhà, tức cao hơn mức trung bình thế giới 2,9.
Giới siêu giàu đặc biệt thích có nhiều hơn một nơi ở sang trọng trong danh mục tài sản
Trong các phân khúc bất động sản hạng sang, biệt thự sở hữu không gian xanh, kết nối với sân golf và gần sân bay được xem là lựa chọn yêu thích của UHNWI. Tính khan hiếm, khả năng khai thác lớn và tiềm năng tăng giá vượt trội là những giá trị không thể đong đếm tạo nên sức hút cho những không gian sống đẳng cấp như vậy.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, hậu đại dịch Covid-19 đang chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu của giới siêu giàu đối với các không gian sống xanh để cân bằng tâm-thân-trí. Chính nhu cầu này cũng đã kích hoạt làn sóng “ly tâm” khỏi các đô thị ồn ào để tìm về những không gian xanh và yên bình giữa thiên nhiên. Hẳn nhiên, với lớp cư dân thượng lưu này, những điểm đến được yêu thích nhất luôn phải đáp ứng các tiêu chí không chỉ về môi trường sinh thái hay cảnh quan xanh mát, mà còn cả tính hiện đại về hạ tầng giao thông cũng như sự thuận tiện về khả năng kết nối với trung tâm các đô thị lớn. Bên cạnh đó, hệ tiện ích xứng tầm cũng là yếu tố quan trọng được quan tâm để giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và giải trí của giới siêu giàu.
Nhu cầu lựa chọn bất động sản kết hợp giải trí – nghỉ dưỡng và làm việc của giới siêu giàu luôn ở mức cao
Thực tế cho thấy, không nhiều dự án có khả năng thỏa mãn đồng thời các tiêu chí lựa chọn khắt khe của giới siêu giàu. Lực cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế đã làm tăng tính hấp dẫn cho một số ít dự án khai thác thành công. Trong số những dự án đó, The Melody Village là cái tên được giới siêu giàu Việt ưu tiên chọn lựa, giúp tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi niềm tin trở lại, dự kiến vào nửa sau năm 2023, hoạt động đầu tư bất động sản sẽ sôi động hơn.
Theo Colliers, các thị trường bất động sản ở châu Á – Thái Bình Dương đang tái lập và sẽ tiếp tục trong năm 2023. Tâm lý chung của nhà đầu tư bất động sản hiện tại thiên về sự thận trọng, hướng đến mô hình tăng trưởng ổn định và lợi nhuận tốt hơn trong dài hạn từ nửa sau năm 2023. Mặc dù nền tảng vững chắc, bất động sản chắc chắn không thể tránh khỏi biến động thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận thấy, nhà đầu tư nhận thức rất rõ về một số lợi thế mà tình hình hiện tại trong khu vực mang lại. Thị trường dự báo vẫn có một số cơ hội đặc biệt hấp dẫn cho nhà đầu tư có chiến lược và nguồn lực phù hợp.
Vì vậy, để đạt lợi nhuận cao trong năm nay, doanh nghiệp đang sắp xếp lại kế hoạch và nhà đầu tư cũng đang mài giũa chiến lược để chọn đúng thị trường và tài sản. Để làm được điều này, trước tiên cần xác định 6 yếu tố cơ bản định hình bất động sản năm 2023 là: Lạm phát, lãi suất và kinh tế thế giới; Tái lập giá tài sản; Sức bền khu vực; Thay đổi cơ cấu do công nghệ; Nhà đầu tư ưu tiên tài sản phòng thủ; Tính bền vững thúc đẩy làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao.
Lạm phát, lãi suất và tác động từ kinh tế thế giới
Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đối phó lạm phát, mặc dù tốc độ tăng năm nay dự kiến chậm hơn. Lạm phát dai dẳng ngoài việc khiến giá cả hàng hóa tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và cản trở sự phục hồi của nhu cầu nội địa còn làm các đồng tiền châu Á suy yếu so với Đô-la Mỹ. Điều này làm giảm giá bất động sản trong khu vực khi tính theo đồng Đô-la, từ đó có thể thúc đẩy các giao dịch đang đình trệ.
Tình hình kinh tế trì trệ ở Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro do suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực lên nhu cầu bên ngoài đối với bất động sản châu Á – Thái Bình Dương. Tuy vậy, những cơn gió ngược ở Hoa Kỳ và châu Âu khiến các thị trường châu Á – Thái Bình Dương trở thành kênh trú ẩn tương đối an toàn cho các khoản đầu tư bất động sản.
Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam. (Ảnh: Colliers)
Dự báo các thị trường bất động sản sẽ bắt đầu ổn định từ giữa năm 2023 khi tình hình lãi suất chắc chắn hơn. Riêng về thị trường bất động sản Việt Nam, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam phân tích: “Tuy còn nhiều bất ổn, thị trường vẫn có một lượng vốn lớn đang chờ đợi cơ hội đầu tư. Bất động sản văn phòng, công nghiệp và hậu cần sẽ được quan tâm nhất tại Việt Nam trong năm nay. Nhóm tài sản tiếp theo nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư là nhà ở và căn hộ dịch vụ, đặc biệt là những loại hình phục vụ nhu cầu ở thực của người lao động, chuyên gia và nhân sự nước ngoài di cư đến Việt Nam và các cụm công nghiệp trong nước. Một phân khúc thú vị khác đáng chú ý trong năm 2023 là bất động sản nghỉ dưỡng, khi Việt Nam đang nỗ lực tận dụng đà phục hồi của nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng từ khách du lịch trong nước và quốc tế sau dịch”.
Tái lập giá tài sản
Trong khi thị trường bất động sản dần quen với giai đoạn hoạt động đầu tư giảm tốc, quá trình tái lập giá cũng diễn ra trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này làm thay đổi chiến thuật của nhà đầu tư khi giá trị vốn dự kiến sẽ được điều chỉnh lên đến 30%.
Cú sốc mà thị trường đang trải qua có thể được hấp thụ phần lớn vì những diễn biến thị trường hiện tại không giống cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ. Khi đó, mức cho vay trên giá trị từng cao hơn nhiều so với hiện nay. Các chuyên gia tin rằng những điều kiện này đang tạo ra những cơ hội mới.
“Thời khắc của cơ hội chính là lúc này. Nếu nhà đầu tư lựa chọn thị trường, tài sản và chiến lược cẩn thận, thì đây là thời điểm tốt để đầu tư. Tiền mặt là vua, và các nhà đầu tư nhiều vốn chủ sở hữu, đặc biệt người mua tư nhân, có thể ra giá khi thị trường đang có ít bên mua. Họ thường miễn nhiễm với các biến động thị trường và sẽ tiếp tục hoạt động bất chấp có sự thay đổi. Các thị trường có trạng thái trú ẩn an toàn sẽ năng động hơn và các địa điểm có mức vốn tư nhân thâm nhập sâu sẽ tăng trưởng tốt”, ông Nguyễn Việt Hoàng – Giám đốc Phát triển kinh doanh Colliers Việt Nam cho biết thêm.
Sức bền khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương chống chịu với lạm phát khá tốt khi tỷ lệ vốn hóa phần lớn ổn định, dần hướng tới phục hồi bền vững. Mặc dù các thị trường bất động sản trong khu vực có nhiều điểm phức tạp khác nhau, các nhà đầu tư rất quan tâm đến 3L – hậu cần (logistics), nhà ở (living) và khoa học đời sống (life sciences) khi nhu cầu cho các hoạt động này tiếp tục tăng trên toàn cầu.
Châu Á – Thái Bình Dương cũng là khu vực được cân nhắc đầu tư trong dài hạn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, tầng lớp người tiêu dùng đang gia tăng, đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với vị trí dẫn đầu về công nghệ trong thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và mạng lưới truyền thông.
Việt Nam vẫn giữ danh hiệu là quốc gia an toàn để đầu tư. (
Trong khu vực, các nhà đầu tư có xu hướng nhắm đến các thành phố lớn, cho thấy những thị trường này có tiềm năng hơn trong quá trình tái lập giá. Do đồng Yên yếu và dự báo lạm phát tương đối nhẹ, Nhật Bản nằm trong danh sách ưu tiên năm 2023 của nhà đầu tư, với các loại tài sản văn phòng, công nghiệp và nhà ở đa gia đình. Úc, Singapore và Hàn Quốc cũng được coi là những quốc gia đi đầu trong việc thu hút nhà đầu tư.
Mặc dù một số thay đổi gần đây có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn, Việt Nam vẫn giữ danh hiệu là quốc gia an toàn để đầu tư trong bối cảnh bất ổn toàn cầu do đại dịch, xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, và những thách thức kinh tế. Tuy nhiên, trên khắp các thị trường trong khu vực, khách thuê, chủ sở hữu và nhà đầu tư ngày càng chú trọng vào ESG để đảm bảo chiến lược trong tương lai. Việc gia tăng các hoạt động đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ thúc đẩy thêm dòng vốn chảy vào khu vực ASEAN. Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục tận dụng hai xu hướng này trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt về đầu tư nước ngoài.
Thay đổi cơ cấu do công nghệ
Trên toàn cầu, mọi người đã quen với những cách thức mới để mua sắm, làm việc, sinh sống và ăn uống; và trong tương lai, công nghệ sẽ tiếp tục thay đổi xã hội nhiều hơn nữa. Trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ đã đẩy nhanh sự phát triển về cách thức tương tác giữa chủ sở hữu và khách thuê, quản lý cơ sở theo thời gian thực, và các công cụ giúp nâng cao năng suất và tối đa hóa trải nghiệm người dùng.
Công nghệ tác động đến từng phân khúc bất động sản một cách khác nhau.
Công nghệ trên thực tế tác động đến từng phân khúc một cách khác nhau. Với bất động sản công nghiệp, công nghệ cải thiện hiệu quả vận hành so với chi phí tăng cao. Trong khi đó, các nền tảng trực tuyến sẽ tiếp tục thay đổi cục diện ngành bán lẻ, tập trung vào mô hình click-and-collect (tạm dịch: đặt mua trực tuyến và lấy hàng trực tiếp tại cửa hàng). Đối với văn phòng, công nghệ cho phép khách thuê sáng tạo và linh hoạt hơn trong chiến lược nhân sự và nơi làm việc.
Nhà đầu tư ưu tiên tài sản phòng thủ
Văn phòng, công nghiệp và hậu cần (I&L) là ba phân khúc có nhu cầu cao nhất năm 2023 khi nhà đầu tư áp dụng chiến lược tài sản phòng thủ. Theo Báo cáo Triển vọng đầu tư toàn cầu 2023 của Colliers, bên cạnh bất động sản văn phòng và I&L, loại hình nhà ở đa gia đình hiện có tiềm năng hơn so với bán lẻ và khách sạn. Khi cân nhắc lựa chọn thay thế, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến tài sản chuyên biệt. Nhu cầu về nhà kho cỡ lớn hiện cao hơn trung tâm phân phối chặng cuối, trở thành lựa chọn hàng đầu trong phân khúc I&L vào năm 2023. Ngoài ra, khu công nghiệp/nhà máy sản xuất và bến cảng container cũng được quan tâm nhiều hơn.
Ông Vũ Minh Chí – Quản lý cấp cao Dịch vụ Công nghiệp Colliers Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh bất ổn kéo dài, các tác nhân thị trường sẽ đánh giá lại danh mục đầu tư của họ, hướng đến các tài sản chất lượng cao và chống lạm phát. Do đó, việc phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cần đảm bảo tích hợp các yếu tố bền vững cũng như hệ sinh thái để nâng cao sức hấp dẫn và độ sẵn sàng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn và dài hạn”.
Tính bền vững thúc đẩy làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao
Các tiêu chí và xếp hạng về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong bất động sản ngày càng được nhà đầu tư chú trọng. Điều này không chỉ vì lý do pháp lý và uy tín, mà còn để đáp ứng yêu cầu của khách thuê về nơi làm việc mang tính trải nghiệm và cũng để cân bằng chi phí vận hành tài sản trong dài hạn
Nhà đầu tư đang tích cực nhắm đến các tài sản có nhiều đặc điểm bền vững với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do đó, các tài sản không đáp ứng đủ sẽ ngày càng có khả năng bị giảm giá hoặc thanh lý và mua lại để tái phát triển.
“Mặc dù quá trình ra quyết định đầu tư chậm lại và tâm lý phòng thủ, yếu tố ESG trong bất động sản sẽ ngày càng quan trọng trong năm 2023. Trước đây, tỷ lệ hoàn vốn thấp của các dự án ESG đôi khi làm nản lòng nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi hầu hết công ty chuẩn bị đối mặt với những thách thức kinh tế toàn cầu trong năm tới, mỗi Đô-la chi tiêu phải xét trong tầm nhìn dài hạn. Chi phí vận hành thấp hơn của các dự án ESG đang trở thành một điểm cộng lớn, giúp khách thuê và chủ đầu tư vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao hiệu quả. Do đó, nên cân nhắc áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt, vì thị trường biến động theo từng quý”, bà Cao Lê Tường Vân – Giám đốc Dịch vụ thị trường vốn và đầu tư Colliers Việt Nam cho biết thêm./.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills, thời điểm hiện tại xuất hiện lợi thế với nhà đầu tư nên tranh thủ thời cơ mua bất động sản với bài toán đầu tư dài hạn.
Tại tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2022 là một năm đầy khủng hoảng, biến động và những vấn đề của năm 2022 sẽ tiếp tục trong năm 2023. Dù đã trải qua tháng đầu của năm 2023 nhưng vị chuyên gia chưa nhìn thấy được dấu hiệu phục hồi của các thị trường như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Nhận định cụ thể về thị trường bất động sản, ông Hiếu cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong quý 1. Ông Hiếu cho rằng rất nhiều nhà kinh doanh bất động sản có tiềm lực tài chính đang quan sát, chờ đợi. Còn các nhà phát hành bất động sản thiếu tiền thì lo lắng vì tình hình thanh khoản, nợ ngân hàng, trái phiếu đang đè nặng trên vai và có thể kéo đến vỡ nợ.
Trong khuôn khổ tọa đàm, đưa ra nhận định về thị trường bất động sản, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills đánh giá, trong năm 2022, khi nhiều phân khúc bất động sản đã hồi phục trở lại sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thì phân khúc nhà ở vẫn trong tình trạng ảm đạm.
“Bất động sản văn phòng tăng trưởng, mặt bằng bán lẻ tăng trưởng, khách sạn hồi phục, bất động sản khu công nghiệp triển khai tốt,…bài toán còn lại chỉ nằm ở bất động sản nhà ở”, bà Hoàng Nguyệt Minh khẳng định.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh nhận định, quan ngại lớn nhất trong thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý. Đối với nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp cũng vậy, khi mua một dự án, họ đều cần tính pháp lý rõ ràng nhất, sạch nhất. Một khi pháp lý được giải quyết thì giá bất động sản sẽ được bình ổn ở mức hợp lý hơn.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills
Đại diện Savills khẳng định, thời điểm hiện tại xuất hiện lợi thế với nhà đầu tư. Bởi, khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc như hiện nay, giá các dự án bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh thực tế thay vì bị thổi giá một cách phi thực tế giống như câu chuyện cách đây 2 năm. Đây là cơ hội tốt dành cho những nhà đầu tư có dòng tiền và có thể sẵn sàng câu chuyện đầu tư dài hạn theo các bài toán của bất động sản. Khi có cái nhìn đầu tư xa 3-5-7 năm, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư ổn định và có mức độ tăng trưởng lành mạnh trong tất cả các phân khúc.
Bà Hoàng Nguyệt Minh thừa nhận rằng, thị trường bất động sản là một sân chơi mà bất kỳ ai ở trên thị trường đều muốn nhắm đến. Doanh nghiệp nào cũng ít nhất phải có một vài tài sản bất động sản. Trước đây, nguồn vốn khá xông xênh cho mảng bất động sản dẫn đến nhu cầu mua khá nhiều. Mọi người tranh nhau mua dẫn đến thổi giá bất động sản cao. Còn bây giờ, thị trường khó khăn về nguồn vốn, dẫn đến giá bắt đầu được điều chỉnh ở mức thực tế nhất trên toàn thị trường. Do đó, đây sẽ là thời điểm tốt dành cho các nhà đầu tư mua vào bởi ít bị cạnh tranh, thổi giá hơn, giá cả đã được điều trị một cách thực tế nhất và hoàn toàn có thể mua ôm tài sản trong dài hạn.
Chính những lợi thế trên, đại diện Savill đặt ra câu hỏi: Tại sao lại không tranh thủ cơ hội như thế này để mua bất động sản?
Theo vị này chia sẻ, tất cả các đơn vị, nhà đầu tư, đặc biệt là trong nước kinh doanh các mảng khác như sản xuất, may mặc đang tranh thủ cơ hội như bây giờ để gom đất. Bản thân những người có dòng tiền cũng như vậy. “Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, rõ ràng đây là cơ hội tốt nhất để mua bất động sản”, bà Hoàng Minh Nguyệt nói.
Năm 2023, các chuyên gia đánh giá nguồn cầu ở thực sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản sớm khơi thông thanh khoản.
Nguồn cầu ở thực tăng mạnh
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã chỉ ra, trong khoảng 2 năm qua, có hàng ngàn dự án được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Điều này là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung và làm nghiêm trọng hơn tình hình trầm lắng của thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha, khi chiếm đa phần trong giỏ hàng là các sản phẩm trung và cao cấp.
Trong khi đó, thị trường hiện nay đang thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân. Theo báo cáo của VARS, tính chung cả năm 2022, nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Trong đó, phân khúc đất nền chiếm 44%, căn hộ cao cấp chiếm 37%, căn hộ trung cấp chiếm 15% và căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất với 4%. Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, bằng 69% so với lượng tiêu thụ của năm 2021 và bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.
Vậy nên năm 2023, các chuyên gia dự báo nguồn cầu ở thực sẽ tăng mạnh, do đó những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu này cũng dễ dàng thanh khoản hơn. Cuối năm 2022, theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, lượng giao dịch thành công cũng có xu hướng tập trung ở phân khúc nhà có thể ở ngay với mức giá vừa phải.
Nhà ở hướng tới nhu cầu thực sẽ dẫn dắt thị trường 2023
Hiện nay, tâm lý người dân vẫn ưa chuộng tích lũy bất động sản. Thời gian qua, trong lúc thị trường gặp nhiều biến động thì cũng đã xuất hiện không ít nhà đầu tư tìm cơ hội bắt đáy và gom bất động sản các tỉnh vùng ven để chờ thời cơ. Bên cạnh đó, dù còn đối mặt với không ít khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta năm 2023 được dự báo vẫn sẽ có những dấu hiệu khởi sắc, đây cũng là động lực giúp thị trường bất động sản được cho là sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn trong lực cầu và vấn đề thanh khoản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và có dư địa lớn nên có khả năng sẽ sinh lời cao, đồng thời cũng có khả năng gia tăng thêm lợi nhuận nếu biết khai thác kinh doanh hiệu quả. Hơn nữa, tâm lý của người dân cũng có xu hướng đổ tiền vào bất động sản như một kênh tích trữ an toàn khi đối diện với tình hình lạm phát tăng cao.
“Trong khoảng quý I năm nay, một số dự án án phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ được kích hoạt trở lại. Sang quý II, quý III, thị trường sẽ ghi nhận những giao dịch thực”, ông Nguyễn Văn Đính dự báo.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, phân khúc nhà ở hướng tới người mua sử dụng thực sẽ dẫn dắt thị trường 2023. Đó là nhà đất thổ cư giá hợp lý và các căn hộ giá bình dân hoặc tầm trung. Trong đó, nhà ở xã hội với mức giá 1 – 2 tỷ đồng/căn đang đặc biệt được mong chờ.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, năm 2023 cần ưu tiên nới thêm chuẩn cho vay với những người dân có nhu cầu ở thật, mua để ở chứ không phải đầu tư. Ngoài ra, những doanh nghiệp làm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân cũng cần được xem xét cho vay, vì nhu cầu đối với loại hình nhà ở này rất lớn.
“Nên dồn vốn cho sản xuất, kinh doanh và người có nhu cầu ở thật. Đồng thời, nên xem xét cho vay đối với những dự án đang xây dựng dở dang, sắp bàn giao cho khách hàng mà giá bán hợp lý”, ông Quang nói./.
Trong năm 2023, Quảng Ngãi sẽ tổ chức đấu giá 17 dự án nhằm phát triển thị trường bất động sản, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Ngày 18/1, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký ban hành Quyết định về kế hoạch thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thu tiền sử dụng đất năm 2023.
Quảng Ngãi sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thu tiền sử dụng đất năm 2023. Ảnh minh họa
Theo quyết định trên, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 14 Dự án. Bao gồm: Dự án chỉnh trang đô thị khu Bắc núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi (quy mô 20.089,8 m2); Dự án chỉnh trang đô thị khu Nam sông Trà Khúc, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi (15.838,2 m2).
Dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà – Mỹ Khê (100.407,8 m2); Lô đất ký hiệu DN06 thuộc dự án hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang – Cầu Mới (1.722,3 m2); Thửa đất số 83 thuộc Dự án công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa, thể thao đa năng phường Trần Phú (1.787m2); Dự án khu dân cư phía Bắc đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Quảng Ngãi (28.049,1 m2).
Dự án khu tổ hợp thương mại Riverside Mỹ Khê (8.023,13 m2); 40 lô đất đoạn từ đường sắt Bắc Nam đến đường Hoàng Văn Thụ, thuộc Dự án hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang – Cầu Mới (11.605,9 m2); 2 lô đất thuộc khu dân cư Yên Phú, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi (200m2); Dự án chỉnh trang đô thị khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (22.480,9 m2).
Quỹ đất 20 lô đất thuộc Dự án khu tái định cư kết hợp phát triển quỹ đất phục vụ cho Dự án xây dựng hệ thống đê bao, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi; Dự án khu đô thị sinh thái Nam đường Trường Sa (34.200 m2); Khu đất tại thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa (20.212,4 m2); Dự án khu du lịch biển Mỹ Khê (235.227 m2).
Ngoài ra, UBND TP Quảng Ngãi còn tổ chức đấu giá Dự án khu đô thị – dịch vụ Mỹ Khê (131.691 m2). Dự án này do UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp, thực hiện quy hoạch và bàn giao quỹ đất sạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đấu giá.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 3 Dự án gồm: Dự án khu dân cư xã Nghĩa Thắng (giai đoạn 1), khu tái định cư thôn 1 xã Nghĩa Lâm thuộc dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.623B (Quảng Ngãi – Thạch Nham); Khu tái định cư thuộc dự án nâng cấp tuyến đường ĐT.624B Quán Lát – Đá Chát (6.236,9 m2); dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất sạch kết hợp kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long (12 ha).
Mục đích của việc đấu giá nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế; đưa các quỹ đất vào sử dụng, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất ở, hạ tầng đồng bộ phục vụ người dân, tránh lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao các sở, ngành, địa phương phối hợp tham mưu tỉnh sớm ban hành quy định về quy chế đấu giá; tổ chức rà soát, lập kế hoạch, quy hoạch để tranh thủ bố trí các nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để kết nối đồng bộ, tạo quỹ đất bán đấu giá, phát triển thị trường bất động sản.
Với lợi thế và sự chuẩn bị “đi trước đón đầu” về hạ tầng khu công nghiệp, giao thông, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, sau dịch Covid-19 tỉnh Bình Định là sự chọn lựa hàng đầu cho các nguồn vốn đầu tư.
Đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định tại Hàn Quốc.
Tính đến 31/12/2022, tỉnh Bình Định thu hút mới 81 dự án (80 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 19.644,61 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.475,50 tỷ đồng. Đạt 135% so với kế hoạch đề ra đầu năm là thu hút 60 dự án.
Đối với thu hút đầu tư trong nước: Có 33 dự án được đầu tư trong các cụm công nghiệp (CCN) với tổng vốn đầu tư 2.110,61 tỷ đồng; 21 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đầu tư 3.310,46 tỷ đồng. 26 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 14.123,53 tỷ đồng.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Định đã thu hút được 1 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; 1 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.
Mặc dù số lượng dự án FDI cấp mới ít nhưng trong năm tỉnh đã đón và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong số đó nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế hàng đầu như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Australia, Newzeland, Thái Lan, kỳ vọng trong các năm tiếp theo sẽ đón được dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư này.
Tổng kết trong năm 2022, các dự án đầu tư đã thực hiện giải ngân 53.522,11 tỷ đồng (đạt 89,20% so với kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng).
Có 1.203 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 10.118,99 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, tăng 28,39% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 20,4% về vốn đăng ký.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1.550 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ, đạt 114,8% kế hoạch năm. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Sắn và các sản phẩm từ sắn 64,8 triệu USD, tăng 66,4%; Hàng thủy sản 169,3 triệu USD, tăng 61,7%; Hàng dệt, may 284,6 triệu USD, tăng 47,2%; Gỗ các loại 310,3 triệu USD, tăng 36,6%.
Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Gạo 43,2 triệu USD, giảm 36,6%; Sản phẩm từ chất dẻo 152,3 triệu USD, giảm 29,3%; Sản phẩm gỗ 465,8 triệu USD, giảm 6,9%.
Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 469,6 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ, đạt 102,2% kế hoạch năm. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản 110,1 triệu USD, tăng 71,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu 73,3 triệu USD, tăng 22,9%; vải các loại 51,5 triệu USD, tăng 18,7%.
Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Phân bón các loại 11,8 triệu USD, giảm 54,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ 56,5 triệu USD, giảm 2,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 84,9 triệu USD, giảm 0,2%.
Bình Định không ngừng phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư.
Xác định nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư tư nhân) là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Năm 2023, Bình Định tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài.
Năm 2023, nhiều dự báo cho thấy dòng mạch sản xuất kinh doanh toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và điều này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Song với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.
Nhận định về thời điểm xuống tiền đầu tư, chuyên gia cho rằng, 6 tháng tới là thời cơ “vàng” của những cá nhân, doanh nghiệp có sẵn tiền hoặc có thể vay ngân hàng đầu tư mua bất động sản.
Chia sẻ tại buổi hội thảo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nói: “Trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều chỉnh hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động sẽ dần ổn định, nguồn cung tương lai từ số lượng lớn các dự án, đặc biệt các dự án phù hợp với nhu cầu thực người dân như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… được đưa vào thị trường. Chắc chắc thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại.
6 tháng tới là thời cơ “vàng” của những cá nhân, doanh nghiệp có sẵn tiền hoặc có thể vay ngân hàng đầu tư mua bất động sản
Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh về đầu tư sản phẩm hướng đến nhu cầu thực”.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia địa ốc cũng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ có nhiều điểm tích cực vì các chủ đầu tư lớn đã cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm có tính thanh khoản cao, cũng như giải quyết nhu cầu của số đông người dân, ví dụ như phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, đa số các chuyên gia kỳ vọng, từ quý II năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc trên được tháo gỡ, môi trường pháp lý được có nhiều bước tiến mới, tăng trưởng kinh tế khả quan…
Đứng trước kỳ vọng lớn về việc thị trường bất động sản sẽ khởi sắc vào nửa sau của năm 2023, vậy với các nhà đầu tư, thời điểm nào nên xuống tiền?
Đưa ra quan điểm nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho rằng, 6 tháng tới là thời cơ vàng của những cá nhân, doanh nghiệp có sẵn tiền hoặc có thể vay ngân hàng đầu tư mua bất động sản.
Ông Quê đưa ra nhận định trên bởi năm 2023 Chính phủ đã cam kết không tăng lãi suất cho vay, hiện tại đồng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động khoảng 8-9%, lãi suất cho vay năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 10,5-13,5%, lãi suất huy động sẽ rơi vào khoảng 7-9,5%. Tiếp theo, năm 2023 sẽ là năm đầu tư công và bơm vốn ra thị trường khoảng 700 ngàn tỷ.
Sang năm 2023 nền kinh tế sẽ được tiếp cận room lớn của ngân hàng, dự báo room của cả năm 2023 tiếp tục 16%. Do đó, năm 2023 bất động sản sẽ được tiếp cận vốn vay ngân hàng và kênh trái phiếu, chứng khoán.
Bên cạnh đó, hiện tại tâm lý người dân đã tốt hơn. Những tác động của các đại án bất động sản hay sai phạm trong bất động sản đến tâm lý người dân, nhà đầu tư đã giảm dần, trở nên quen thuộc, không còn bị sốc tâm lý. ))ng Quê cho rằng, tiền trong dân còn khá nhiều, sẵn sàng tung ra khi nhìn rõ cơ hội đầu tư.
Vị này cho rằng, “đáy” của bất động sản đã được xác lập vào quý 4/2022 – hiện tại tuy chưa tăng giá trở lại nhưng đã cắt hiện tượng giảm giá. Từ quý 2/2023, bất động sản sẽ ấm trở lại.
Thị trường bất động sản toàn cầu đang suy giảm nhưng một số khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam vẫn có triển vọng phát triển và nhiều điểm sáng.
Triển vọng tăng trưởng tích cực
Với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, sự đa dạng của các nền kinh tế cũng như sức hút tại một số thành phố, thị trường bất động sản châu Á vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ba quốc gia có triển vọng nổi bật nhất trong khu vực hiện nay có thể kể đến Việt Nam, Singapore và Nhật Bản. Các nền kinh tế châu Á mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023. Trong khi đó, những nền kinh tế phát triển như Úc và Nhật Bản cũng sẽ bỏ xa Mỹ và châu Âu một khoảng cách khi xét về câu chuyện phát triển kinh tế vào năm tới.
Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đang trên đà tăng mạnh
Sự cải thiện môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi của Chính phủ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Trong khi một số nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn do tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Ví dụ, trong đầu năm nay, CapitaLand của Singapore đã công bố kế hoạch phát triển dự án phức hợp tổng đầu tư 1 tỷ USD với quy mô 8ha, dự kiến cung cấp hơn 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp tại TP.HCM.
Tại thị trường cho thuê thương mại, dữ liệu của Savills trong quý III/2022 cho thấy, giá thuê văn phòng và bán lẻ tại khu vực trung tâm TP. Hà Nội và TP.HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng.
Nhận định về thị trường văn phòng tại Hà Nội vào năm 2023, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết, dù các doanh nghiệp thắt chặt chi phí văn phòng do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, nhưng nguồn cầu văn phòng phân khúc giá 25 – 30 USD (chưa bao gồm phí dịch vụ) sẽ tăng mạnh. Thêm vào đó, một số lượng lớn các tòa nhà hạng A gia nhập thị trường Hà Nội trong năm tới cũng sẽ thúc đẩy hoạt động cho thuê trở nên sôi động hơn.
Cũng theo bà Minh, Việt Nam được coi là thị trường trọng yếu trong việc mở rộng quy mô cửa hàng trong các năm tới của các nhãn hàng chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam phục hồi tích cực.
Đối với bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này và logistics, nhằm đa dạng hóa hoạt động trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vào năm 2022, với vốn đầu tư FDI ngày càng tăng và nội tại nền kinh tế trong nước mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường bất động sản. Điều này là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề cho việc thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu đầu tư trên nhiều lĩnh vực”.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam
Bất động sản tại Singapore đã đạt mức 9,1 tỷ USD
Báo cáo của MSCI Real Assets cho thấy, trong 3 quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch đầu tư bất động sản tại Singapore đã đạt mức 9,1 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.
Bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, báo cáo Savills Prospects chỉ ra rằng, giá thuê văn phòng ở khu vực trung tâm tại Singapore vẫn tăng, với tỷ lệ trống giảm. Nhu cầu thuê văn phòng tại đây chủ yếu đến từ các doanh nghiệp công nghệ, một ngành vốn đã chiếm tỷ trọng khách thuê lớn tại quốc gia này.
Ngoài ra, các hoạt động cho thuê nhà ở tại Singapore đang bùng nổ, với chỉ số giá thuê theo ghi nhận của Savills Prospects cho thấy đã tăng 8,6% theo quý trong quý III/2022, mức tăng hàng quý cao nhất trong 15 năm.
Ông Alan Cheong, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Singapore nhận định: “Bất chấp các biến động kinh tế toàn cầu, giá thuê bất động sản công nghiệp tại Singapore vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá trong năm 2023”. Cũng theo ông Alan Cheong, giá thuê kho bãi tại Singapore trong quý III/2022 đã ghi nhận mức tăng 2,8% so với quý trước đó.
Nhật Bản thu hút đầu tư nhờ lãi suất thấp
Trong khi các nhà đầu tư bất động sản khắp nơi trên thế giới phải đối mặt với chi phí tài chính gia tăng, Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản vẫn có động thái duy trì lãi suất ở mức thấp. Thêm vào đó, việc suy yếu của đồng Yen đã khiến bất động sản tại Nhật trở nên vừa túi tiền hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Tetsuya Kaneko, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lãi suất ở mức thấp. Lĩnh vực hậu cần và nhà ở cho gia đình đa thế hệ là những phân khúc được quan tâm. Sự phục hồi của phân khúc văn phòng và khách sạn cũng là yếu tố khiến thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư”.
Nhà ở dành cho gia đình đa thế hệ được coi là một trong những phân khúc có khả năng phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn bất ổn; đây cũng là điểm khiến phân khúc này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dữ liệu từ MSCI Real Assets cho thấy, trong 5 năm qua, 4/5 nhà đầu tư phân khúc này tại Nhật bản là nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Blackstone Group, Allianz Real Estate, AXA IM và Nuveen, với tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 800 tỷ Yen (tương đương với 5,75 tỷ USD). Đáng chú ý, trong cuộc đấu giá mua lại cổ phần của Bộ Tài chính Nhật Bản trong tòa nhà văn phòng Otemachi Place tại Tokyo, phần lớn các doanh nghiệp đấu giá đều là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một tập đoàn trong nước đã trả giá cao hơn các nhà đầu tư nước ngoài để mua lại tòa nhà này với mức giá 436,4 tỷ Yen (tương đương 3,13 tỷ USD).
Nhìn chung, châu Á vẫn là địa điểm thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Việt Nam, Singapore và Nhật Bản là một trong số những điểm sáng về thị trường bất động sản tại khu vực và cũng đồng thời là nơi có thể tìm kiếm được những câu chuyện tích cực về thị trường. Tuy nhiên, đây cũng không phải là những điểm sáng duy nhất tại thị trường châu Á, chúng ta vẫn có thể tìm được những câu chuyện chuyển biến tích cực tại các quốc gia khác trong khu vực”./.