Tiềm năng du lịch biển Đồng Hới: Chiếc hộp Pandora chờ ngày khai mở

Bờ biển dài, hệ sinh thái đặc sắc, nhiều tài nguyên “vàng”, nhiều di sản thiên nhiên thế giới, hệ thống hang động hùng vĩ, Đồng Hới được đánh giá là địa phương có tiềm năng về du lịch dù nơi đây vẫn đang trên hành trình tìm lời giải để bứt phá.

Viên ngọc còn chát vị muối biển

Sau cuộc cải tổ lịch sử về địa giới hành chính, Đồng Hới dường như giữ nguyên vị thế của một địa phương có diện tích bờ biển đáng mong đợi bậc nhất cả nước. 12,9km đường bờ biển nguyên sơ qua bãi Nhật Lệ, Quang Phú và Bảo Ninh khiến Đồng Hới lấp lánh cả dưới lớp xù xì chưa trút vỏ.

Nếu từng du lịch “phủi”, khó ai vượt qua được “cám dỗ” của Đồng Hới với hệ sinh thái thực phẩm biển phong phú. Đi kèm với đó là hệ thống làng nghề truyền thống gắn văn hóa làng chài và các lễ hội văn hóa dân gian mang màu mặn mòi từ biển.

Đặc biệt, bãi biển Nhật Lệ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh là một trong 10 bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất cả nước. Cùng với đó, nhiều di tích lịch sử – văn hóa như Bến đò Mẹ Suốt, Cửa biển Nhật Lệ, Lăng Cá Ông… đã và đang trở thành điểm dừng chân mang tính trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Vẻ đẹp đầy thi vị của bãi biển Bảo Ninh nhìn từ khu đô thị phức hợp Regal Legend.

Đồng Hới – Định hướng du lịch âm nhạc

Trong một dẫn chứng cụ thể cho sức hút ngày càng lớn của du lịch Đồng Hới, sự kiện “siêu lễ hội” âm nhạc biển Legend Fest 2025 đã thu hút hàng vạn lượt người tham dự, đáng chú ý con số này là thống kê chỉ trong một ngày. Cùng với đó là sự ra mắt 3 tuyến phố đi bộ đêm, phố đi bộ biển và hồ – những tổ hợp giải trí, ẩm thực và mua sắm đẳng cấp, mang đến diện mạo mới cho đời sống du lịch về đêm của thành phố.

Siêu lễ hội âm nhạc biển Legend Fest 2025 thu hút 10.000 người tham gia.

Từ một vài ví dụ nêu trên, có thể thấy, hiếm có địa phương nào trên cả nước giữ “kho báu” tiềm tàng được thiên nhiên gọt giũa đến mức kỹ lưỡng như Đồng Hới.

Tiềm năng ẩn trong “kén”

Nhằm khơi dậy tiềm năng còn đang “ẩn mình”, UBND tỉnh Quảng Trị trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 đã kỳ vọng Đồng Hới sẽ trở thành trung tâm du lịch biển, đô thị dịch vụ ven biển phía Nam. Trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng các khu du lịch ven biển như Bảo Ninh, Quang Phú; đồng thời kêu gọi đầu tư vào các dự án resort cao cấp, tổ hợp vui chơi – giải trí, cảng du lịch.

Du lịch tại Đồng Hới tất nhiên được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó du lịch biển vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tỉnh đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển.

Song hành với mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước, 6 tháng đầu năm 2025, Đồng Hới đã đón gần 1 triệu lượt khách, tăng 14,7% so với cùng kỳ, mang về doanh thu ước đạt trên 1.230 tỷ đồng.

Khu đô thị quốc tế Regal Legend – điểm đến thu hút du lịch hàng đầu tại Đồng Hới.

Dù vậy, những con số này chưa đáp ứng kỳ vọng phát triển du lịch của Đồng Hới, khi sự phát triển còn mang tính mùa vụ, tự phát; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng; thiếu cơ sở lưu trú cao cấp; quy hoạch chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến sinh thái và đời sống dân cư. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa đủ tầm, còn thiếu liên kết vùng và chưa tối ưu nguồn lực đầu tư xã hội hóa.

Cần nói rằng, tại tọa đàm “Đón sóng chu kỳ tăng tốc mới tỉnh Quảng Trị”, các chuyên gia kinh tế đã ví Đồng Hới như một “Busan tiềm năng” của Việt Nam – nơi sở hữu đầy đủ các yếu tố để phát triển đô thị biển kết hợp du lịch và logistic.

Trong đó, TS Trần Tự Lực – Trưởng khoa Kinh tế – Du lịch, Trường Đại học Quảng Bình nhận định, sau sự sáp nhập, Đồng Hới giữ vai trò trung tâm tỉnh Quảng Trị, sẽ tạo nên một cực du lịch chiến lược, hội tụ thiên nhiên kỳ vĩ, chiều sâu lịch sử và văn hóa đặc sắc. Đây là cơ hội hình thành không gian du lịch mới, đa dạng sản phẩm, tối ưu nguồn lực, hướng đến phát triển bền vững và đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh.

Có thể nói, để Đồng Hới bứt phá, cần có chiến lược phát triển du lịch bài bản, gắn với bảo tồn văn hóa bản địa, tăng cường liên kết vùng với Quảng Trị, Phong Nha – Kẻ Bàng và các điểm đến lớn. Đặc biệt, khuyến khích đầu tư vào các mô hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đêm, du lịch sinh thái cao cấp, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và hạ tầng đồng bộ.

Chỉ khi đánh thức được toàn bộ giá trị mà biển cả trao tặng, Đồng Hới mới có thể bứt phá, trở thành “trái tim du lịch biển miền Trung” và điểm hội tụ mới của dòng chảy đầu tư, trải nghiệm và thịnh vượng.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *